(LĐ online) - Ngày 27/1, Đại hội XIII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ ba với phần tham luận. Tại Đại hội, các tham luận bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các văn kiện Đại hội; đồng thời, tham luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm tập hợp sức mạnh của cả dân tộc, tận dụng thời cơ, lợi thế đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững.
(LĐ online) - Ngày 27/1, Đại hội XIII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ ba với phần tham luận. Tại Đại hội, các tham luận bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các văn kiện Đại hội; đồng thời, tham luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm tập hợp sức mạnh của cả dân tộc, tận dụng thời cơ, lợi thế đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Báo Lâm Đồng trích đăng một số tham luận.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
“Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho sự thành công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay” - Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Điểm lại những kết quả nổi bật trong công tác mặt trận thời gian qua, những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chỉ rõ những hạn chế, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới hoạt động của mặt trận phải hướng mạnh về cơ sở, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức thành viên, ban công tác mặt trận ở địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. MTTQ nguyện mang hết sức mình vận động các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tự tin, đổi mới, sáng tạo, hun đúc ý chí, bản lĩnh, khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TAND tối cao: Phát huy phương châm gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân
Đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TAND tối cao tham luận về chủ đề: Phát huy phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Đồng chí khẳng định, những kết quả to lớn đất nước ta đạt được trong chặng đường vừa qua là đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, coi dân là gốc, là chủ, dựa vào dân, nương sức dân để phát triển lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn cán bộ tư pháp là “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Công tác cải cách tư pháp cũng đang triển khai theo hướng xây dựng nền tư pháp phục vụ Nhân dân như tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra. Kinh nghiệm được rút ra trong quá trình cải cách tư pháp là phải luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm quan điểm Nhân dân là gốc, Nhân dân là trung tâm của hoạt động tư pháp, quyền tư pháp. Mọi chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân; lấy phương châm phục vụ Nhân dân, vì hạnh phúc và lợi ích của Nhân dân làm mục tiêu cải cách; coi tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan tư pháp là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính: Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
Khẳng định vai trò quan trọng cũng những thành tựu to lướn ngành tài chính đạt được trong thời gian qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, để tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò định hướng thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhiệm vụ của ngành tài chính trong giai đoạn tới là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập; hoàn thiện việc sắp xếp, đổi mới khối doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế đi cùng với cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, cải thiện mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, sự nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách…
Trong đó, tập trung hoàn thiện, triển khai đồng bộ hệ thống tài chính, giá cả nhà nước, tài chính doanh nghiệp. Phát triển hệ thống thu hiện đại, gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước trên cơ sở phân định rõ vai trò chức năng nhà nước và thị trường. Quyết liệt thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương: Công tác vận động Nhân dân phải được chú trọng và đổi mới mạnh mẽ, xây dựng lòng dân hướng về Đảng
Tham luận tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; đồng thời, điểm lại những kết quả quan trọng của công tác dân vận trong chặng đường vừa qua.
Đồng chí cho rằng, trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, công tác vận động Nhân dân phải được chú trọng và đổi mới mạnh mẽ, xây dựng lòng dân hướng về Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo nên sự đồng lòng trong các phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trên cơ sở đó, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương công tác dân vận của Đảng. Đặc biệt, cần đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả hơn; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động...
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham luận tại Đại hội và nhấn mạnh đến kết quả nổi bật; đồng thời, chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo thời gian qua.
Đề tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp. Thứ nhất là đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường - đây là giải pháp đột phá. Thứ hai là phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Thứ ba là tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Thứ tư là đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục và thứ năm là tăng cường công tác truyền thông.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại
Tham luận tại Đại hội với chủ đề “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã thông tin về những thành tựu quan trọng mà Thủ đô đạt được trong thời gian qua. Để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu khẳng định vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, đồng chí cho biết Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025.
Đó là: Hà Nội sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá - xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị… Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh: Kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới
Đó là nội dung mà Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trong bài tham luận tại Đại hội về vấn đề này. Điểm lại những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, đồng chí cho rằng, để phát triển kinh tế tri thức, thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt 7 giải pháp. Đó là: Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức. Phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. Tăng cường năng lực khoa học - công nghệ quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học - công nghệ mới nhất của thế giới cần thiết cho phát triển của đất nước, từng bước sáng tạo công nghệ đặc thù của đất nước, xây dựng nền khoa học - công nghệ tiến tiến của Việt Nam. Đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Không ngừng cải cách, đổi mới để đảm bảo vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước.
HỒNG HẢI (lược ghi)