2020 là một năm đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã tập trung thực hiện "mục tiêu kép"...
2020 là một năm đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng.
|
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh |
PV:
Năm 2020 với chủ đề “Chỉ đạo quyết liệt, hành động mạnh mẽ hoàn thành toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nền kinh tế - xã hội (KT-XH) Lâm Đồng tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Xin đồng chí khái quát những thành tựu nổi bật?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Năm 2020, mặc dù bối cảnh gặp nhiều khó khăn song với tinh thần chủ động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ nên tình hình KT-XH của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 3,15% (cả nước ước đạt 2-3%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; GRDP bình quân đầu người đạt 71,2 triệu đồng (tương đương 3.053 USD), cao hơn bình quân cả nước (2.750 USD).
Các ngành, các lĩnh vực phục hồi và có bước phát triển. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của kinh tế trong khó khăn, giữ được mức tăng trưởng 4,4% (tương đương mức tăng trưởng trong điều kiện không có dịch COVID-19). Công tác quản lý, bảo vệ rừng được chú trọng; giảm số vụ, diện tích rừng và lâm sản thiệt hại. Thu ngân sách nhà nước bằng 114% dự toán Trung ương và bằng 101% dự toán địa phương. Ngân hàng thực hiện tốt việc huy động vốn, tăng dư nợ. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, đạt cột mốc 10.000 doanh nghiệp. Thu hút đầu tư tăng về số lượng và số vốn đăng ký. Các chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và môi trường đều đạt và vượt kế hoạch. Khám, chữa bệnh đạt kết quả tốt. Chất lượng giáo dục được nâng cao, hình thức dạy và học có nhiều đổi mới. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về đại hội Đảng các cấp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được quan tâm. Công tác cải cách hành chính chuyển biến tích cực. Thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân 90%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 80,6%; tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế 100%; số bác sĩ/vạn dân 8,03 bác sĩ. Ngoài ra, tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 88%; 104/111 xã (93,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, 18 xã nông thôn mới nâng cao, 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu…
PV:
Lâm Đồng có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Năm 2020, tỉnh đã phát triển về lĩnh vực quan trọng này như thế nào, thưa Chủ tịch?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Năm qua, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Từ đó, giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ tiếp tục có bước phát triển; nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao mới được hình thành; sản xuất theo chuỗi, liên kết, hợp tác ngày càng đa dạng về hình thức, mở rộng đối tượng tham gia, đem lại hiệu quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ và kiểm soát chất lượng theo chuỗi an toàn tiếp tục được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 165 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; trong đó lĩnh vực trồng trọt, diện tích tham gia liên kết 24.104 ha, sản lượng trên 337.683 tấn.
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh phát triển quy mô 60.226 ha NNCNC, thu nhập bình quân hơn 440 triệu đồng/ha/năm, tăng so với cuối năm 2019 gần 2.500 ha và 40 triệu đồng/ha/năm. Mỗi huyện, thành triển khai ít nhất một mô hình ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Để tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về NNCNC, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thực hiện cơ chế, chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các khu, vùng sản xuất NNCNC, nông nghiệp thông minh. Tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nâng cấp những công trình phục vụ sản xuất...
PV:
Thưa Chủ tịch, năm qua nền KT-XH địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Xin đồng chí cho biết những vướng mắc cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Tuy đã gặt hái một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, kéo theo một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch; tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn diễn biến phức tạp. Nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu. Các dự án, công trình trọng điểm tuy có nhiều nỗ lực triển khai nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác quản lý xây dựng, trật tự đô thị còn nhiều hạn chế. Xử lý rác thải tại các đô thị gặp nhiều bất cập. Cải cách hành chính một số lĩnh vực còn chậm. Tội phạm các loại diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đời sống của một bộ phận Nhân dân còn gặp khó khăn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
PV:
Xin đồng chí cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo phát triển KT-XH địa phương năm 2021?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV; năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Tỉnh Lâm Đồng tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển những năm tiếp theo. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện như sau:
- Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, tập trung tháo gỡ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước để chuẩn bị các phương án, kịch bản, biện pháp ứng phó với những biến động, vấn đề mới phát sinh, phấn đấu thực hiện hoàn thành 18 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 206/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh và các chỉ tiêu cụ thể của các cấp, các ngành, các lĩnh vực tại Quyết định số 2922/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
- Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đa ngành, bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; trong đó, tập trung đẩy mạnh NNCNC, hữu cơ, thông minh. Tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, đặc biệt là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
- Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, thế mạnh. Hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đón dòng dịch chuyển vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
- Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng, hiện đại, xanh, thân thiện môi trường. Chỉnh trang, nâng cấp các đô thị hiện có trên địa bàn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng. Nâng cao chất lượng lập và phê duyệt quy hoạch, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị.
- Phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ. Tăng cường kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hiệp hội và cơ quan quản lý để phát triển thị trường, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển thị trường nội địa. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
- Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn; giữ gìn, tôn tạo kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh kết nối du lịch; phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm.
- Tập trung nâng cao hiệu quả thu NSNN ngay từ những tháng đầu năm, chống thất thu, trốn lậu thuế, nợ đọng thuế; phấn đấu thu ngân sách trong năm 2021 đạt trên 10.000 tỷ đồng. Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, triệt để cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết.
- Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, đặc biệt là hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn Tân Phú - Bảo Lộc. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế, các dự án giao thông liên kết vùng, phục vụ cộng đồng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng chỉnh trang đô thị tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện dọc tuyến Quốc lộ 20.
- Tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
- Tập trung xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; tạo động lực, tác động lan tỏa cho phát triển KT-XH. Các cấp, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời các vướng mắc, tồn tại; kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và quá trình giải ngân.
- Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, nâng cao năng lực dự báo, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…
Đồng thời, cùng với công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để tổ chức thành công bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và Festival Hoa 2021, tỉnh cũng đề ra một số nhiệm vụ quan trọng khác cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đó là việc củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn với thế trận an ninh nhân dân; nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh tra, tiếp công dân; quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp...
PV:
Thưa đồng chí Chủ tịch, lĩnh vực đầu tư và thu hút đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước. Vậy, tỉnh cần tập trung triển khai những nội dung gì để đạt được mục tiêu này?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Lâm Đồng sẽ tập trung xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Huy động tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thông qua các hình thức đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, đô thị, năng lượng, thủy lợi... gắn với quy hoạch phát triển vùng, tỉnh và huyện; bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, Internet..., tạo cơ sở cho bước chuyển sang nền kinh tế số, hiện đại. Thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường vành đai các đô thị lớn. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tranh thủ nguồn vốn Trung ương đầu tư giao thông đối ngoại, dự án có quy mô lớn, có tính liên kết vùng như: đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; các quốc lộ: 27, 27C, 28, 28B, 55; đường vành đai, đường tránh đô thị Đà Lạt, Bảo Lộc; nâng cấp Sân bay Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E; hồ thủy lợi Ta Hoét, Đông Thanh, Kazam và một số hồ, đập khác tăng thêm năng lực tưới, điều hòa và chống hạn; triển khai đề án chống ùn tắc giao thông tại các đô thị.
Đồng thời là việc thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án, công trình theo đúng tiến độ. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý và sử dụng các dự án đầu tư công.
Về thu hút đầu tư: Kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện căn bản môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đưa tỉnh Lâm Đồng đứng vào nhóm các tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và nhóm 20 tỉnh có chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tốt nhất vào năm 2025. Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là về giải phóng mặt bằng, giao đất, thuế, hải quan... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, thủ tục hành chính và chính sách thu hút đầu tư.
Tiếp tục cơ cấu lại các dự án đầu tư đã được quyết định chủ trương đầu tư; thực hiện các biện pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án lớn có tầm ảnh hưởng rộng. Kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với các dự án không có khả năng triển khai, các dự án lập thủ tục để giữ đất, các dự án vi phạm pháp luật. Tiếp tục xây dựng, rà soát danh mục và cơ cấu lại các dự án thu hút đầu tư đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Đổi mới, chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm triển khai dự án. Ưu tiên nhà đầu tư thực hiện dự án trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp và du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án khu đô thị mới, khu dân cư; các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, các lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường…
PV:
Thay mặt bạn đọc Báo Lâm Đồng, xin chân thành cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với cuộc trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu Xuân!
Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2021: Tổng sản phẩm trong nước (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng từ 7-8%. GRDP bình quân đầu người khoảng 77,1- 77,8 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 9.300 tỷ đồng và phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 10% dự toán HĐND tỉnh giao. Thu hút khoảng 4.015 ngàn lượt khách du lịch, tăng 10% so với năm 2020, trong đó khách quốc tế đạt 150 ngàn lượt khách, tăng 36% so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0 - 1,5%; riêng đồng bào DTTS giảm từ 2,0 - 3,0%. Tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 88%. Có thêm 3 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, 2 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Đạ Huoai và Bảo Lâm) và 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. |
HỒ LAN
(thực hiện)