Đại hội Đảng XIII - Chung sức, đồng lòng đưa đất nước phát triển toàn diện

02:02, 02/02/2021

(LĐ online) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp...

(LĐ online) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Ngoài hoạch định những chiến lược phát triển trong nhiệm kỳ mới và tầm nhìn xa đến năm 2045, Đại hội đã bầu những đồng chí lãnh đạo đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước phát triển toàn diện trong thời gian tới.
 
Báo Lâm Đồng Online ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo khóa mới, cũng như chiến lược phát triển trong giai đoạn tới. 
 
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Tập trung phát triển toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch 
 
Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là vấn đề cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Bởi vậy, nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng đầu tư, phát triển lĩnh vực này. Là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã có nhiều nỗ lực và đạt được các thành tựu đáng ghi nhận.
 
Về văn hóa, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hóa quần chúng được chú trọng đổi mới nội dung, tổ chức hoạt động với trên 120 buổi biểu diễn/năm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, làng truyền thống được thực hiện. Các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần lượt được công nhận. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư. 
 
Du lịch đang từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Việc khai thác có hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa và xây dựng môi trường thân thiện, Đà Lạt - Lâm Đồng đã khẳng định vị trí vững chắc trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước nhiều năm qua. Giai đoạn 2016-2019, Lâm Đồng đón gần 25 triệu lượt khách du lịch; trong đó, có trên 1,7 triệu lượt khách quốc tế. Riêng năm 2020, do dịch Covid-19 bùng phát nên lượng khách đến Lâm Đồng giảm mạnh. Tuy nhiên, ngành ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã có nhiều giải pháp kịp thời để đưa ngành du lịch của tỉnh bước qua giai đoạn khó khăn.
 
Đà Lạt - Lâm Đồng đang là điểm đến thu hút nhiều du khách
Đà Lạt - Lâm Đồng đang là điểm đến thu hút nhiều du khách
 
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vừa qua, trong bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rõ: “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ; trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Trên tinh thần đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đã xác định và triển khai những nhiệm vụ, hướng đi cụ thể cho các lĩnh vực trong đó có phát triển văn hóa. 
 
Theo đó, ngành ngành văn hóa, thể thao và du lịch tập trung phát triển toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực văn hóa nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, nâng cao thể lực tầm vóc người dân trong tỉnh; phát triển du lịch theo hướng bền vững, xây dựng Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, là điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng”; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương; chủ động nắm bắt công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa và áp dụng trên mọi lĩnh vực để làm tốt công tác quản lý, góp phần phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, để văn hóa thực sự là nền tảng, động lực, nguồn lực của sự phát triển đất nước.
 
Bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Thời gian qua, ngành giáo dục Lâm Đồng đã nỗ lực từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ-TW, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm học để phát triển sự nghiệp giáo dục và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, góp phần tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao của xã hội đối với các chủ trương đổi mới của ngành.  
 
Ngành giáo dục Lâm Đồng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; nêu cao tinh thần dân chủ, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động dạy và học, quản lý; đạt được những thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
 
Quy mô trường lớp tiếp tục được điều chỉnh, mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Nhiều học sinh đoạt các giải quốc tế và quốc gia, cấp tỉnh. 
 
Với những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh, hàng năm, ngành giáo dục và đào tạo Lâm Đồng đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trong đó, có nhiều chỉ tiêu đạt xuất sắc. 5 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng liên tục nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính hàng năm nằm trong top 4 của 20 sở ngành.
 
Ngành giáo dục Lâm Đồng nỗ lực từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Ngành giáo dục Lâm Đồng nỗ lực từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
 
Từ năm 2015 - 2019, toàn ngành có nhiều tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Lao động, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Cờ thi đua của Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, UBND tỉnh và nhiều thành tích khác. 
 
Hòa chung không khí phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trước thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành giáo dục và đào tạo Lâm Đồng có những kỳ vọng và định hướng phát triển trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục tinh thần phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới. Phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo Lâm Đồng là đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời của mỗi người dân. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập. 
 
Bà Lê Thị Thêu - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội
 
Năm 2020 là một năm khó khăn đối với các cấp, ngành bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến một số nhiệm vụ và chỉ tiêu thực hiện của ngành, nhất là xuất khẩu lao động, đào tạo nghề. Tuy nhiên, đối với ngành lao động, thương binh và xã hội đã phát sinh một số công việc trong công tác phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn tại các cơ sở trực thuộc đơn vị quản lý…, đặc biệt là việc tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kết quả, đã chi trả cho hơn 126.000 đối tượng với kinh phí 127 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành cũng đã chủ động phối hợp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tập trung thực hiện các chương trình về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; an toàn - vệ sinh lao động; phòng chống tệ nạn cũng như các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội... 
 
Với những nỗ lực đó, nhiều con số thống kê cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một giai đoạn khởi sắc hơn như tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,32%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 3,58%, 100% đối tượng người có công, bảo trợ xã hội được hỗ trợ, chi trả trợ cấp theo quy định… Lĩnh vực an sinh xã hội đã có những bước tiến nhất định, nhiều chính sách và hệ thống giải pháp thiết thực đã được triển khai; các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, trẻ em... và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội đã được quan tâm hỗ trợ kịp thời, góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội. 
 
Với Nghị quyết Đại hội khóa XIII vừa được thông qua, đây là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức, phát huy tối đa ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc.
 
Chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
 
Bằng tất cả nguồn lực từ phía chính quyền, người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động của ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. 
 
Mục tiêu quan trọng trước mắt cần thực hiện đó là phấn đấu năm 2021 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, riêng đồng bào dân tộc giảm từ 2-3%, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ngành cũng sẽ tập trung công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; nâng cao chất lượng và phát triển quy mô dạy nghề đáp ứng nhu cầu của các ngành, nghề sử dụng nhân lực có tay nghề cao trong nước và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường hợp tác quốc tế về dạy nghề, lựa chọn các đối tác chiến lược để hợp tác trong đào tạo nghề nhất là là các nước đã thành công trong phát triển dạy nghề trong khu vực ASEAN và châu Á.
 
BSCKII Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế: Tin tưởng ngành y tế ngày càng phát triển
 
Với sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngành y tế Lâm Đồng rất tin tưởng, kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng. Với sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành y tế, tôi tin tưởng rằng trong những năm tiếp theo ngành y tế Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung sẽ ngày càng phát triển, đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. 
 
Nhiệm kỳ 5 năm qua, ngành y tế Lâm Đồng đã hoàn thành vượt và đạt chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ đề ra. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên và tỉ lệ hài lòng của người dân, cũng như gia đình bệnh nhân đến các cơ sở y tế đạt trên 90% kể cả nội trú và ngoại trú. Vấn đề y đức và kỹ năng giao tiếp liên tục và thường xuyên được lãnh đạo các cơ sở y tế động viên, nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục đến từng viên chức, người lao động để đảm bảo kỹ năng giao tiếp tốt, thực hiện tốt y đức đem đến sự hài lòng cho người bệnh. Vì vậy, trong những năm gần đây vấn đề phản ảnh khiếu nại của người dân, bệnh nhân ngày càng giảm dần và tỉ lệ hài lòng tăng lên.
 
Thời gian tới, toàn thể công chức, viên chức ngành y tế Lâm Đồng quyết tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh giao cho ngành y tế Lâm Đồng về tỉ lệ tăng dân số tự nhiên, tỉ lệ bác sỹ/vạn dân, tỉ lệ giường bệnh/vạn dân, tỉ lệ bao phủ BHYT và công tác quản lý dược. Trong đó, xác định Lâm Đồng trở thành trung tâm dược liệu của cả nước nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển ngành dược trong thời gian tới.
 
Thời gian qua, ngành y tế Lâm Đồng đã chủ động và quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19
Thời gian qua, ngành y tế Lâm Đồng đã chủ động và quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19
 
Đội ngũ y tế dự phòng sẽ đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh và tham mưu cho Sở Y tế cũng như UBND tỉnh những giải pháp, kế hoạch hợp lý để khống chế tình hình dịch, tiến tới chủ động phòng ngừa bệnh tật. Hiện nay, hệ dự phòng tập trung phòng chống dịch Covid-19 để không có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh, nếu có thì cũng nằm trong khả năng kiểm soát. Ngoài công tác chống dịch Covid-19 thì còn phải đảm bảo kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn Lâm Đồng.
 
Đối với hệ điều trị, nâng cao kỹ năng giao tiếp, y đức; đồng thời, đào tạo, đào tạo liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống khám chữa bệnh, từ hồ sơ sức khỏe đối với trạm y tế xã phường, đến liên thông bệnh án điện tử với các cơ sở y tế và trục liên thông của quốc gia. Từ đó, áp dụng khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn từ xa và liên thông tất cả lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế đối với các đơn vị y tế trong địa bàn tỉnh cũng như toàn quốc.
 
 
Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng: Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã kết thúc rất tốt đẹp. Tôi có 2 ấn tượng đặc biệt về Đại hội lần này.
 
Thứ nhất, đây là Đại hội mà văn kiện được chuẩn bị vô cùng chu đáo, kết tinh được trí tuệ, thể hiện được tầm nhìn xa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các mục tiêu được nêu ra cụ thể, đặt ra dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.
 
Nghị quyết vạch ra được mục tiêu, lộ trình cụ thể để phát triển đất nước như vậy đã thể hiện sự quyết tâm của những người lãnh đạo cấp cao, đưa đất nước ngày một giàu mạnh, phát triển. Chính vì vậy, tôi cho rằng sắp tới công tác tổ chức thực hiện sẽ được triển khai bài bản, nghiêm túc, có sự đồng lòng cao từ trên xuống dưới để đạt được từng mục tiêu Nghị quyết vạch ra.
 
Thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ cương vị là Tổng Bí thư. Việc này nói lên tầm ảnh hưởng, uy tín cá nhân của người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ XII. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu về công cuộc chống tham nhũng, suy thoái trong Đảng sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt, không có điểm dừng, mang lại niềm tin cho đảng viên, tầng lớp nhân dân.
 
Năm 2020, công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm hoàn thành kế hoạch đầu tư công với tổng vốn đầu tư đã giao trên 4.000 tỷ đồng. Trên cơ sở các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được của UBND tỉnh giao, ngành xây dựng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020.
 
Ngành xây dựng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020 đã đặt ra
Ngành xây dựng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020 đã đặt ra
 
Đối với các lĩnh vực cơ bản như công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2020, Sở Xây dựng đã phối hợp với Hội Quy hoạch Kiến trúc Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Đà Lạt - Đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển”. Trong năm, Sở cũng tích cực triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng các đồ án quy hoạch trọng điểm của tỉnh. 
 
Tiếp tục thành quả đạt được, năm 2021, ngành xây dựng đặt chỉ tiêu tình tình sản xuất kinh doanh tăng 11% so với năm 2020. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch huyện và quy hoạch phân khu đạt 100%. Phấn đấu nâng hạng chỉ số cải cách hành chính so với năm 2020. Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch theo kế hoạch. Triển khai đồng bộ, đảm bảo hiệu quả các đồ án được phê duyệt, như: Quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng; quy hoạch vùng huyện. Đặc biệt là triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận để trong năm 2021 trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương và hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ.
 
Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Sớm thực hiện các dự án giao thông cấp thiết
 
Thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức nhưng với sự lãnh chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ngành giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể như: Xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cùng với các quy hoạch chuyên ngành để làm cơ sở quản lý, đầu tư phát triển giao thông có trọng tâm trọng điểm, có hiệu quả.
 
Về giao thông đối ngoại, tỉnh đã tích cực, tăng cường công tác tham mưu, đề xuất; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành Trung ương để hoàn thành việc đầu tư Quốc lộ 20 và tuyến tránh qua thành phố Bảo Lộc và tiếp tục hoàn thành hồ sơ thủ tục để đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và các tuyến Quốc lộ 27, 28B, 55… để triển khai đầu tư trong thời gian tới. Chủ động tham mưu, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Quỹ Bảo trì đường bộ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống các quốc lộ trên địa bàn để đảm bảo giao thông thông suốt, thuận lợi, an toàn; đặc biệt là công tác phòng chống bão lũ không để xảy ra ách tắc giao thông.
 
Đối với giao thông đối nội, ngành đã chủ động tham mưu, đề xuất HĐND, UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh; đề xuất danh mục các dự án công trình trọng điểm, phát triển kết cấu hạ tầng bộ theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và theo các chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm như: Xây dựng đường vành đai thành phố Đà Lạt, các công trình thuộc Đề án chống ùn tắc giao thông thành phố Đà Lạt... Tập trung đôn đốc, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các dự án đầu tư và chuẩn bị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để đảm bảo tiến độ, chất lượng. Kết quả là đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều dự án công trình hết sức quan trọng và cấp thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. 
 
Triển khai nhiệm vụ đầu tư giao thông nông thôn, phục vụ chương trình nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã có 111/111 xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 110/11 xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới; 8/111 xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, góp phần xây dựng 95/111 xã công nhận là xã nông thôn mới và 3/111 xã công nhận nông thôn mới nâng cao. 
 
Dự án Cầu Ka Đô, huyện Đơn Dương
Dự án Cầu Ka Đô, huyện Đơn Dương
 
Đặc biệt, ngành triển khai hiệu quả bộ thủ tục hành chính của Sở, các hồ sơ tiếp nhận hàng năm đều giải quyết trước hạn hoặc đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn. 
 
Năm 2021 là năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, là năm khởi đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở kết quả quan trọng mà ngành giao thông vận tải đã đạt được trong thời gian qua, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong ngành, với niềm tin, khát vọng và quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, chúng tôi cũng đã đặt ra chương trình hành động, quyết tâm triển khai thực hiện tốt công tác quản lý các quy hoạch chuyên ngành; tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành Trung ương và đề xuất huy động nguồn vốn đầu tư để sớm thực hiện các dự án giao thông cấp thiết, như: Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, các tuyến Quốc lộ 27, 28B, 55 và đường tỉnh 722, 727, 728, 729...
 
Song song đó, ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng, thẩm định các hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật của các dự án đảm bảo đúng hạn hoặc trước hạn so với thời gian quy định, chú trọng và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Thực hiện hiệu quả công tác đầu tư các dự án sửa chữa định kỳ đường tỉnh và quốc lộ ủy thác; đẩy mạnh nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải, công tác xã hội hóa bến xe và công tác đào tạo và sát hạch; đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự vận tải và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
 
Nhóm PV (thực hiện)