Có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế ở mức 5,6% đến 5,8% trong năm 2021 là một kịch bản khả quan của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)...
Có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế ở mức 5,6% đến 5,8% trong năm 2021 là một kịch bản khả quan của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR). Đây cũng được xem là kịch bản VEPR nghiêng về hơn, trong điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát và không lan rộng. Đồng thời là các hoạt động kinh tế, xã hội khác trên toàn cầu dần trở lại trạng thái bình thường.
Tôi đã dừng lại ở đây khi tìm kiếm những thông tin tốt lành, giữa những ngày không ít tỉnh, thành và những khu vực dân cư cụ thể đang bước vào những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Có lẽ cũng là điều hiển nhiên khi định vị những hy vọng, vì chúng ta đang bước vào những ngày đầu của năm Tân Sửu, và cũng đã ở quá nửa tháng 2 của năm 2021. Cho dù VEPR “kèm” theo khuyến cáo, rằng những điều này có thể thực hiện, nếu dịch bệnh - đặc biệt là những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 đang có chiều hướng phức tạp hơn được khống chế, và không tác động quá lớn, đến mức làm gián đoạn hoạt động kinh tế nội địa.
Thương tổn và đứt gãy là những hệ quả mà thế giới đã phải hứng chịu trong năm 2020, vì đại dịch. Trong bức tranh không hề vui này, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng khi có tăng trưởng kinh tế dương, với thặng dư thương mại lớn nhất từ trước đến nay là gần 19,1 tỉ USD trong năm 2020. Đây là một danh sách không có nhiều quốc gia, kể cả những nền kinh tế được đánh giá là lớn. Dẫn dắt tăng trưởng ở Đông Nam Á trong năm 2021 có thể vẫn là Việt Nam. Nền kinh tế nước ta đạt mức tăng 2,91% trong năm ngoái nhờ vào việc khống chế tốt dịch, cùng với xuất khẩu hàng điện tử và hàng tiêu dùng luôn tăng mạnh… là những đánh giá tốt của các nhà phân tích trên thế giới khi nhận định về triển vọng tăng trưởng của khu vực ASEAN (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn), trong bối cảnh COVID-19 vẫn rình rập, đe dọa và tương lai phía trước vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào vắc-xin và tình hình cung ứng vắc-xin cho người dân trong khu vực và trên toàn cầu.
Trong một liên quan khác, theo nhận định của HSBC (được xem là ngân hàng địa phương của thế giới), Việt Nam “vẫn là ngôi sao sáng”, được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết. Tuy nhiên, HSBC đồng thời cũng đưa ra khuyến cáo đáng lưu ý về thách thức của thị trường lao động; khi mà dù đã có một số cải thiện vào những tháng gần cuối năm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng, đi cùng với mức lương thấp hơn. Chi tiêu tiêu dùng - trụ cột chính của tăng trưởng - sẽ mất thời gian phục hồi hơn nếu thị trường lao động không tiếp tục có nhiều thay đổi khả quan hơn.
Thú thật là tôi đã dừng lại rất lâu trước những thông tin này. Những cuộc gặp mặt, trò chuyện cùng bạn bè, người thân, bà con họ hàng trong những ngày cuối năm vừa qua đôi khi mang đến một cảm giác se thắt. Chắt bóp hơn, tùng tiệm hơn và đã làm rất nhiều công việc khác nhau để duy trì cuộc sống là điều được bày tỏ. Cho dù ai cũng cho hay, so với nhiều người không thể trở về nhà, hoặc bị phong tỏa, cách ly hay tự cách ly, mình vẫn là người hạnh phúc hơn khi đang được sống trong bình an…
Phấp phỏng có lẽ là một trạng thái xã hội. Điều này còn diễn tiến sâu hơn giữa những ngày chúng ta phải chống chọi và bằng mọi cách, kiềm chế được sự lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt là những ngày sau tết, khi mọi người đã quay trở lại sau kỳ nghỉ dài. Nhưng chúng ta vẫn đặt ở đây hy vọng, không chỉ vì Việt Nam vẫn đang được xem là một điểm sáng; không chỉ vì nơi tôi sống vẫn đang an lành mà vì cả một hệ thống chính quyền vẫn đang được vận hành tốc lực và cẩn trọng để hạn chế dịch bệnh.
YÊN MINH