Dấu ấn Việt Nam năm 2020

08:02, 10/02/2021

Năm 2020 là một năm đặc biệt do đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn thế giới, gây nên cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử nhân loại kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II...

Năm 2020 là một năm đặc biệt do đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn thế giới, gây nên cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử nhân loại kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vừa kiên cường phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với bão lụt, vừa duy trì phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trên các diễn đàn quốc tế; qua đó, đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp được Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ghi nhận.
 
Dấu ấn nổi bật nhất là Việt Nam đã ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả với đại dịch COVID-19. Giữa lúc tình hình đại dịch trong nước có diễn biến phức tạp, Bộ Chính trị có công văn chỉ đạo về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Lời kêu gọi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng vào cuộc chống dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân “Ở nhà là yêu nước” để hạn chế tối đa ra ngoài. 
 
Dấu ấn tiếp theo là cả nước cùng đồng bào miền Trung gồng mình đối phó với thiên tai bão lụt do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và liên tiếp hai cơn bão số 6 và số 7, khiến các tỉnh miền Trung chủ yếu từ Hà Tĩnh cho đến Phú Yên rơi vào tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ. Mưa lớn dồn dập, nước lũ dâng cao gây chết người, nhấn chìm, tàn phá đồng ruộng, hoa màu, gia súc, gia cầm, cùng rất nhiều đường sá, trường học, nhà cửa... Cuộc sống của người dân vùng lũ bị đảo lộn nghiêm trọng, tính mạng bị đe dọa. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì trong tháng 10, thiên tai đã làm hàng trăm người chết, mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng ước tính sơ bộ hơn 2,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, không thể không kể đến sự mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong khi làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của những người lính giữa thời bình đã để lại sự cảm phục, lòng tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. Trước thảm họa khốc liệt của thiên tai tại các tỉnh miền Trung, Ðảng, Nhà nước đã có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp cấp bách; cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đã vào cuộc một cách tích cực, khẩn trương, bằng nhiều việc làm thiết thực nhằm cứu trợ, hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại sản xuất và đời sống. 
 
Năm 2020 cũng là một năm đặc biệt đối với Việt Nam khi lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao nước nhà, Việt Nam vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Những thành công lớn của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020 và nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 2020 được cộng đồng quốc tế trân trọng ghi nhận. Với vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh, giúp định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới nhiều biến động. Trải qua một năm đầy biến động, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn để chủ động ứng phó COVID-19. Thành công của ASEAN trong năm Việt Nam làm Chủ tịch đã khiến cho cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn vị trí, vai trò và khả năng đóng góp của ASEAN đối với các vấn đề quốc tế. Không chỉ đảm nhiệm rất thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, mà với tinh thần, nguyên tắc đảm bảo độc lập, tự chủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, lợi ích của các nước để giải quyết những vấn đề của khu vực và thế giới, Việt Nam còn đóng góp tích cực và hiệu quả trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm những sáng kiến thiết thực đối với hòa bình và an ninh tại châu Phi, Trung Đông, Nam Á... Đặc biệt, trong lịch sử tham gia Liên hợp quốc, năm 2020 lần đầu tiên Việt Nam đã dự thảo Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hàng năm và được thông qua, ghi nhận dấu ấn vươn tầm của ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.
 
Năm 2020 không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội. 
 
Khép lại năm 2020, trong bối cảnh khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam đã giành được những thành quả đặc biệt, là một trong những quốc gia vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm vẫn tăng trung bình 5,9%/ năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Năm 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, mặc dù không hoàn thành một số chỉ tiêu đã đề ra đầu năm, chủ yếu là do nguyên nhân khách quan, năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta; Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay...”. 
 
Những thành tựu Việt Nam đạt được trong năm 2020, nhất là việc phòng, chống với đại dịch COVID-19 và bão lụt chồng lên bão lụt được xem là một điều kỳ diệu. Vậy sức mạnh nào để Việt Nam làm nên kỳ tích ấy? Câu trả lời có nhiều nhưng có thể nhấn mạnh mấy yếu tố chủ yếu, đó là:
 
Trước hết là nhờ trí tuệ, bản lĩnh và giá trị nhân văn cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Điều này đã được chứng minh một cách hùng hồn là khi đại dịch COVID-19 và bão lụt ở miền Trung vừa xẩy ra, Bộ Chính trị có công văn chỉ đạo về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng vào cuộc chống dịch COVID-19; kêu gọi, động viên Nhân dân cả nước hướng về miền Trung, cùng chung sức chung lòng giúp đỡ người dân vùng bão lụt vượt qua khó khăn, hoạn nạn; Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đề ra các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và bão lụt miền Trung. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và toàn dân đã nhất tề vào cuộc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Thành công trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19, chống chọi đợt bão lụt mang tính lịch sử ở miền Trung đã khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; khả năng ứng phó, điều hành của chính quyền và thái độ, bản lĩnh của mỗi người dân Việt Nam. Hiếm có đất nước nào mà giữa “ý Đảng và lòng dân” lại được gắn chặt như vậy.
 
Tiếp đến, chính là tinh thần cố kết cộng đồng, tương thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau, một đặc trưng văn hóa nổi bật của Việt Nam được thấm sâu và bao trùm mọi con người, lĩnh vực. Đây là những đức tính được hun đúc qua các cuộc đấu tranh chống chọi với tự nhiên và địch họa, sợi chỉ đỏ xuyên suốt truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ðó là nền tảng tinh thần vô giá, nguồn sức mạnh to lớn giúp Nhân dân ta luôn vượt qua mọi thử thách, nguy nan, hướng đến sự bình an, hạnh phúc, phát triển... Có thể thấy, mỗi khi đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn là cộng đồng lại phát huy tinh thần tương thân tương ái, chung sức và đồng lòng đoàn kết, giúp đỡ, đó là truyền thống quý báu của dân tộc, đã in dấu ấn trong huyết quản của người Việt Nam...
 
Cùng đó là tư tưởng không chủ quan, coi thường, không hoang mang, dao động, luôn giữ vững tinh thần chủ động, sáng tạo để ứng phó kịp thời với những tình huống xấu có thể nảy sinh, cùng với sự điềm tĩnh, khoan dung, trách nhiệm và tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau là những yếu tố rất quan trọng tạo nên “sức đề kháng” tinh thần đối với mỗi cá nhân và cả cộng đồng, dân tộc để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam được hình thành và không ngừng duy trì, vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, hy sinh.
 
Năm 2020 là một năm đặc biệt của cả thế giới, nhiều quốc gia hùng mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học đang bị dịch COVID-19 tàn phá nặng nề, trong khi đó Việt Nam đã đối phó có hiệu quả với đại dịch, nhờ đó mà xã hội ổn định, kinh tế phát triển thuộc vào nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Điều đó khẳng định ý chí, sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Những kết quả đầy ấn tượng đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
 
LINH NHÂN