Đèn giao thông - tín hiệu của sự phát triển

06:02, 04/02/2021

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng triển khai lấy ý kiến người dân, cán bộ, đảng viên, chuyên gia giao thông, cán bộ lão thành... các sở, ngành về việc lắp đèn tín hiệu giao thông...

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng triển khai lấy ý kiến người dân, cán bộ, đảng viên, chuyên gia giao thông, cán bộ lão thành... các sở, ngành về việc lắp đèn tín hiệu giao thông ở một số điểm có mật độ giao thông cao gắn với xây dựng, phát triển đô thị thông minh trên địa bàn TP Đà Lạt. Đây là một cách làm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận xã hội để mọi cán bộ, cơ quan, đơn vị và người dân... góp phần tham gia xây dựng Đà Lạt - thành phố du lịch nổi tiếng, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa... phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
 
Những năm gần đây, một vấn đề gây ảnh hưởng đến giao thông, phát triển du lịch và việc đi lại của Nhân dân... là trên địa bàn thành phố Đà Lạt thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, các ngày lễ, hội lớn trong năm, tại các khu vực: Ngã tư Phan Chu Trinh (Phường 9), Ngã 5 Đại học, vòng xoay 3 tháng 2 - Hải Thượng (Phường 2), vòng xoay 3 tháng 2 - Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Trần Lê (Phường 4), vòng xoay đài phun nước trung tâm, vòng xoay cầu Ông Đạo (Phường 1), vòng xoay Trần Phú - Bà Triệu - Đào Duy Từ…
 
Để giải quyết vấn đề này một cách căn bản đảm bảo cho phát triển KT-XH và du lịch, ngoài các giải pháp như tổ chức giao thông phù hợp, cải tạo hạ tầng giao thông, tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông... thì việc nghiên cứu lắp đặt thử nghiệm hệ thống tín hiệu giao thông tự động tại một số vị trí phù hợp trong thành phố là một giải pháp cần thiết và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Nhìn lại lịch sử giao thông tại các nước, khi xây dựng các thành phố thì chưa có hệ thống đèn giao thông. Ngay cả khi hệ thống đèn giao thông lúc đầu cũng chỉ áp dụng cho giao thông đường sắt. Nhưng khi những vấn đề của giao thông đường bộ phát sinh cùng với sự phát triển và bùng nổ dân số của các thành phố, đèn giao thông mới được sử dụng cho giao thông đô thị và nó mang đến những lợi ích vô cùng to lớn mà cho đến giờ vẫn không gì thay thế được.
 
Trở lại vấn đề có nên lắp đặt hệ thống đèn giao thông cho Đà Lạt hay không, một số ý kiến cho rằng không nên bởi cần phải giữ lại những gì riêng và độc đáo của thành phố Đà Lạt. Nhưng nếu nhìn một cách rộng hơn, chúng ta có thể thấy Đà Lạt có rất nhiều các giá trị vật thể và phi vật thể cần bảo tồn và gìn giữ như: giá trị kiến trúc độc đáo, tài nguyên rừng phong phú giúp Đà Lạt được ví như phố trong rừng... đặc biệt là cần phải bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, phong cách người Đà Lạt... trong hành trình phát triển. Khi đô thị Đà Lạt phát triển kèm theo đó là dân số tăng lên, lượng du khách sẽ càng nhiều thì việc áp dụng hệ thống đèn giao thông, thậm chí phải tính đến tương lai xây những cầu vượt, đường và bãi xe ngầm... là việc phải tính đến. Miễn là các công trình hạ tầng giao thông đó có thiết kế phù hợp với cảnh quan, không gian Đà Lạt, nằm ở các vị trí phù hợp... thì sẽ mang lại những lợi ích to lớn, mang đến những giá trị tích cực góp phần nâng tầm Đà Lạt.
 
Chúng ta thường thấy những cảnh tượng vào những ngày mưa gió hay đêm đông rét buốt, rất nhiều khu vực trong thành phố bị tắc nghẽn giao thông, xe cộ ken đầy, giao thông lộn xộn... trong khi mọi người đi lại khó khăn, các chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) vô cùng vất vả căng mình điều tiết giao thông nhưng cũng không thể giải quyết hết được vì lực lượng mỏng và sức người có hạn. Những lúc như vậy nếu có hệ thống đèn giao thông, người và phương tiện đông nhưng đi lại trật tự theo tín hiệu, CSGT chỉ giám sát từ xa và cử lực lượng tuần tra, xử lý các sự cố phát sinh. Thật là cách làm hiệu quả tiết kiệm cả sức người và của cải vật chất của xã hội. Ngoài ra, hệ thống đèn giao thông còn giúp người tham gia giao thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành giao thông, và nếu được nghiên cứu lắp đặt phù hợp sẽ là một nét mới mang tính hiện đại, văn minh kết hợp với các giá trị truyền thống. Đó chính là những tín hiệu của văn minh.
 
Mỗi phương án đều có 2 mặt, nhưng rõ ràng phương án lắp đặt hệ thống đèn giao thông sẽ mang lại nhiều lợi ích. Chúng ta hãy mạnh dạn đổi mới và xây dựng phương án thực hiện phù hợp, lấy ý kiến các thành phần trong xã hội để tạo nên sự đồng thuận, đồng lòng. Rất có thể vài năm sau du khách lại nhớ về Đà Lạt với hàng dài xe cộ lưu thông trật tự dưới những trụ đèn tín hiệu màu nhấp nháy đêm ngày, tô điểm thêm cho nét đẹp thành phố Đà Lạt mộng mơ.
 
HÀ XUÂN