Nhìn lại một năm hoạt động giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên về những vấn đề còn bất cập, hạn chế trong đời sống xã hội...
Nhìn lại một năm hoạt động giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh và các tổ chức thành viên về những vấn đề còn bất cập, hạn chế trong đời sống xã hội, được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến thăm và chúc mừng tỉnh Lâm Đồng cùng Tòa Giám mục, các vị chức sắc, linh mục và giáo dân dịp Giáng sinh 2020 |
Năm qua, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã triển khai có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tập trung giám sát những vấn đề mà dư luận Nhân dân đang quan tâm, như: Giám sát các lĩnh vực liên quan đến cải cách hành chính, an toàn thực phẩm, chính sách an sinh xã hội; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng… Hai trong các cuộc giám sát đó được các tầng lớp nhân dân quan tâm đó là “Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng” và việc “phát triển nhà lưới, nhà kính trong sản xuất nông nghiệp có tác động đến cảnh quan, môi trường”.
Triển khai kế hoạch khảo sát việc phát triển nhà lưới, nhà kính trong sản xuất nông nghiệp có tác động đến cảnh quan, môi trường, đồng thời chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và Hội Kiến trúc sư, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh tổ chức giám sát tại 4 huyện, thành phố (Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt) và UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan. Đặc biệt, sau giám sát kịp thời tổng hợp báo cáo, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền để có các giải pháp phù hợp trong việc quy hoạch, sử dụng nhà lưới, nhà kính trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tác động rõ nét và được dư luận Nhân dân đồng tình đó là qua khảo sát, giám sát nhận thấy bên cạnh nhiều mặt tích cực thì việc xây dựng, phát triển nhà lưới, nhà kính có tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường như: Hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ nóng lên; gây lũ lụt, ngập úng cục bộ; phá vỡ quy hoạch vốn có; xuất hiện việc san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép trên đất lâm nghiệp; khả năng thoát nước, thẩm thấu nước; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới nguồn nước, đất, không khí; ít có khoảng xanh, phá vỡ cảnh quan vốn có… Đa phần các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không có biện pháp để giảm thiểu tác động môi trường khi đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính. Hệ thống nhà lưới, nhà kính trên địa bàn hiện nay có hệ thống thoát nước nhưng không được tốt. Việc thu gom, xử lý rác thải gồm: ni lông, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, phế phẩm nông nghiệp… trên địa bàn chưa được tốt. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.
Thực tế cho thấy những bất cập trong việc phát triển nhà lưới, nhà kính hiện nay, đó là thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu quy hoạch chi tiết, thiếu quy chuẩn kỹ thuật… Việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát, sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị. Tỷ lệ sử dụng nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao tạo dòng chảy lớn, gây bồi lắng tại các ao, hồ và lòng suối. Đặc biệt, môi trường không khí bị ảnh hưởng vì vùng nhà kính gần khu dân cư, do người sản xuất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng xông hơi. Đa số các nhà kính chưa được quy hoạch đường giao thông nội đồng, chưa xây dựng hệ thống thu/thoát nước. Trong khi đó nhiều nhà kính xây dựng tại những nơi có độ dốc cao, ven sông, suối, đã dẫn đến một số hệ lụy khi gặp phải mưa lớn liên tục gây tốc mái, sạt lở đất, ngập úng cục bộ…
|
Từ giám sát chuyên đề “Nhà kính, nhà lưới và tác động đến môi trường” của MTTQ và các thành viên đã tham mưu giúp tỉnh sớm ban hành quy chuẩn quy định chi tiết về phát triển nhà kính, nhà lưới trong phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn về môi trường, cảnh quan đô thị |
Ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh nhận định: Trước hết phải khẳng định, trong thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có ứng dụng nhà kính, nhà lưới trong sản xuất đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, tạo nền tảng ứng dụng các công nghệ cao khác trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất cây trồng, giảm tiêu hao về ngày công lao động, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, tăng giá trị trên đơn vị diện tích so với phương thức sản xuất truyền thống, đem lại giá trị to lớn cho nông dân. Chương trình giám sát năm qua của MTTQ được thực hiện nhằm đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế để xác định giải pháp thời gian tới. Việc giám sát nhằm giúp UBND tỉnh có cơ sở đưa ra những quy định, quy chế cụ thể trong việc phát triển nhà kính, nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Giám sát không phải đánh giá tiêu cực mà là định hướng, tìm ra hướng khắc phục tồn tại trong thời gian tới. Từ đó, nghiên cứu góp ý, đề xuất các giải pháp hữu ích nhằm quản lý, kiểm soát giảm thiểu tác hại nhà kính, nhà lưới. Theo đó, cần quy hoạch vùng phù hợp, có quy mô và tỷ lệ hợp lý. Hàng năm bố trí ngân sách xây dựng hệ thống kênh, mương thoát nước và thường xuyên khơi thông dòng chảy để tránh ngập úng cục bộ khi mưa lớn. Việc giám sát cũng nhằm mục đích giúp các nhà quản lý hoạch định và đưa ra các quy chuẩn về mật độ xây dựng, quy cách, thủ tục xây dựng nhà kính, nhà lưới để tỉnh xây dựng, ban hành quy định quản lý nhà kính, nhà lưới cụ thể, sát thực tiễn, phù hợp nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đồng thời, tham mưu, đề xuất nhiều ý kiến xác đáng trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành để hướng tới ban hành bộ quy chuẩn hợp lý về phát triển nhà kính, nhà lưới. Có lộ trình quy hoạch vùng sản xuất rõ rệt, hạn chế tác động đến cảnh quan, môi trường và vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho Nhân dân.
Một điểm nhấn của năm 2020 đó chính là việc chọn vấn đề giám sát liên quan đến nhân sự đại hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức giám sát “Giám sát việc rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên được quy hoạch vào cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025”, phục vụ đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từ quy định số 124-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát lối sống của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên… chú trọng vào các nội dung giám sát: Có sự gương mẫu trong thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định nơi cư trú không? Đạo đức, lối sống, mối quan hệ với Nhân dân nơi cư trú như thế nào? Bản thân đảng viên và gia đình có sống chan hòa, giao tiếp bình thường với Nhân dân tại khu dân cư không? Có biểu hiện bao che sai trái khi tác động để người thân hoặc người khác làm những việc sai trái như xây dựng trái phép, trốn thuế, môi giới chạy chọt không?... Qua đó, tham mưu giúp cấp ủy sàng lọc, lựa chọn, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ đạt chất lượng.
Ngoài ra, Mặt trận và các tổ chức thành viên còn nêu cao trách nhiệm, phát huy vai trò giám sát của các tầng lớp nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kịp thời tiếp nhận thông tin, phản ánh với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Sự quyết liệt trong xử lý vi phạm về phòng, chống tham nhũng của Đảng trong thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.
Có thể nhận định, dấu ấn sâu sắc trong năm 2020 của Ủy ban MTTQVN tỉnh, đó là thực hiện nghiêm và có hiệu quả Quyết định 217 - 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cán bộ mặt trận được xem là người thay mặt Nhân dân thực hiện giám sát và phản biện trên cơ sở kiến nghị của Nhân dân để bảo vệ lợi ích chính đáng cho dân, để dân tin, dân yêu và dân trọng.
ĐỨC KHIÊM