Giấy thông hành thời COVID-19

06:03, 11/03/2021

Quét mã QR code và tiến hành khai báo y tế trên smartphone, được nhân viên y tế kiểm tra, đo thân nhiệt và sau khi trên tay có một dấu Đã kiểm tra, tôi đã có thể đưa người thân vào thăm, khám tại bệnh viện...

Quét mã QR code và tiến hành khai báo y tế trên smartphone, được nhân viên y tế kiểm tra, đo thân nhiệt và sau khi trên tay có một dấu Đã kiểm tra, tôi đã có thể đưa người thân vào thăm, khám tại bệnh viện. Cho đến lúc này, đây là một thủ tục phổ biến để sàng lọc và hạn chế lây nhiễm COVID-19 tại hầu khắp các cơ sở y tế. Xét trong khu vực này, nó cũng giống như là một tấm giấy thông hành để có thể đi vào các khoa, phòng trong một tiêu chí chung để đảm bảo an toàn và phòng dịch.
 
Tuy nhiên, “giấy thông hành” thời COVID-19 mà chúng tôi vừa đề cập ở trên chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ và một thời hạn nhất định trong ngày, cũng như ở một lĩnh vực cụ thể. “Hộ chiếu vắc xin” là một tên gọi khác mà những ngày gần đây đang được dư luận cả thế giới quan tâm. Theo cách hiểu của chúng tôi, những người đã được tiêm vắc xin sẽ được cấp một mã vạch và thông qua smartphone (hoặc có thể là một mã code trên giấy), dùng nó để chứng thực rằng, bản thân mình đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để vừa sinh hoạt bình thường một cách an toàn, vừa bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, tránh bị người khác sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng với mục đích không tốt.
 
Rộng hơn và xa hơn, tấm hộ chiếu này sẽ mở ra những cơ hội đã bị COVID-19 lấy đi kể từ khi nó xuất hiện, như có thể dùng để đến những nơi mà nó được chấp nhận. Điều này sẽ làm cho các hoạt động kinh tế - xã hội có cơ hội để hoạt động trở lại khi được đặt ra trong những tác động cùng kiểm soát đa chiều. 
 
Tổ chức Y tế thế giới cho đến nay vẫn tỏ ra rất thận trọng khi đưa ra thông điệp không khuyến nghị “hộ chiếu miễn dịch”; cũng không khuyến nghị dùng xét nghiệm như một phương tiện để ngăn ngừa đường lây truyền qua biên giới mà khuyến nghị các quốc gia nên xem xét dữ liệu về sự lây lan trong nước, nước ngoài để điều chỉnh hướng dẫn đi lại sao cho phù hợp. Trong khi đó, vẫn có một số nước khác e ngại sự kỳ thị hay phân biệt đối xử đối với một bộ phận dân cư khó tiếp cận/tiếp cận chậm với vắc xin… Mặc dù vậy, nhiều nước đã bắt đầu dùng tấm “hộ chiếu” này với mong muốn để các hoạt động gần như trở lại bình thường. Vào cuối tháng 2, Israel đã bắt đầu triển khai “hộ chiếu vắc xin”. Đến giữa tháng 6 này sẽ hoàn tất việc rà soát cấp chứng chỉ miễn dịch COVID là tuyên bố của Thủ tướng Anh - Boris Johnson. Với Hy Lạp, những ai đã tiêm vắc xin có thể được miễn trừ trong trường hợp một khu vực bị phong tỏa do đại dịch. Ủng hộ “hộ chiếu vắc xin” ở EU và thậm chí là trên toàn cầu là thông điệp từ Bỉ…
 
Trong một diễn biến có liên quan, trong cuộc điện đàm mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan ngoài việc thảo luận các biện pháp đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 cũng đã bàn về khả năng dùng “hộ chiếu vắc xin” như một cơ sở để mở cửa tạo điều kiện đi lại giữa hai nước. Đây cũng là vấn đề sẽ được đưa ra tại cuộc họp bộ trưởng y tế các nước ASEAN. Trước đó, các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã có đề xuất cấp chứng nhận chung của cả khối dưới dạng kỹ thuật số về tiêm chủng ngừa COVID-19. Đây là việc làm nhằm thúc đẩy việc mở cửa trở lại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.
 
Do “hộ chiếu vắc xin” chỉ có hiệu lực trong quãng thời gian nhất định, chứ không phải có thời hạn đến vài năm như một tấm hộ chiếu bình thường, nên theo chúng tôi, đây có lẽ là tấm giấy thông hành, và nó đang được rất nhiều người trên thế giới kỳ vọng và chờ đợi.
 
YÊN MINH