Đại biểu cho rằng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định chặt chẽ việc kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là rất cần thiết song quy định về nội dung này vẫn còn hạn chế.
Đại biểu cho rằng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định chặt chẽ việc kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là rất cần thiết song quy định về nội dung này vẫn còn hạn chế.
|
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên dự kỳ họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, chiều 24/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình; có ý kiến đại biểu đề nghị duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thể được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Đồng thời, việc này thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy.
Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách.
Do vậy, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 6 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại khoản 1 Điều 29) sẽ được hỗ trợ kinh phí; quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. Các nội dung chỉnh lý được thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật.
Nhất trí với việc duy trì hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, quy định này sẽ góp phần giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, tạo cơ hội để người nghiện ma túy không bị tách biệt khỏi cộng đồng, dễ dàng hòa nhập xã hội sau khi cai nghiện.
|
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế dự kỳ họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Đề cập thực trạng hiện nay có một số đối tượng lợi dụng các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như sử dụng thuốc tân dược, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất... để chiết xuất ma túy tổng hợp, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chỉ rõ, dự thảo Luật quy định chặt chẽ việc kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là rất cần thiết. Tuy nhiên, quy định về nội dung này vẫn còn một số hạn chế.
Đại biểu dẫn chứng, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, song lại thiếu quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.
Trong khi đó, trách nhiệm quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần... vì mục đích y tế thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế; quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quản lý tiền chất sử dụng trong công nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Do vậy, cần làm rõ phạm vi trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, từng cơ quan, tránh trường hợp khi xảy ra vi phạm không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Nêu lên vấn đề lái xe sử dụng ma túy, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, đây là thực trạng rất nghiêm trọng. Những vụ tai nạn giao thông xảy ra do tài xế sử dụng ma túy rất nặng nề, thảm khốc. Vì vây, trong dự thảo Luật phải có quy định nghiêm khắc để ngăn chặn việc này.
Theo đại biểu, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ tập trung phát hiện, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy.
Công văn số 437/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 2/2020 đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với ngành Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải, xét nghiệm ma túy đối với toàn bộ lái xe được khám sức khỏe.
“Thế là tốt nhưng chưa đủ,” đại biểu nhấn mạnh và chỉ rõ ma túy sống trong cơ thể người không dài. Nếu chỉ xét nghiệm qua khám sức khỏe định kỳ, người sử dụng ma túy dễ dàng trốn tránh được. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa ra quy định tổ chức xét nghiệm ma túy đột xuất với địa điểm lấy mẫu thay đổi, có thể tại cơ sở y tế, cơ quan, thậm chí ngay trên đường.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ có quy định cấm ngay, cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử. Bởi thuốc lá điện tử rất nguy hại, gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Thuốc lá điện tử nhắm tới người trẻ tuổi, lan rất nhanh, vì vậy gây hại nghiêm trọng đến thế hệ trẻ. Thuốc lá điện tử là điều kiện thuận lợi để cho người hút sử dụng ma túy.
Trên thế giới đã có nhiều nước lên án và đề nghị cấm việc hút thuốc lá điện tử. Vì vậy, cần nghiêm cấm tuyệt đối sản xuất, nhập khẩu, lưu thông loại thuốc lá này.
(Theo vietnam+)