Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực...
Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai đầy đủ, đồng bộ và thiết thực hơn; đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với công khai, minh bạch, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra đảng, giải quyết phản ánh, tố cáo, tin báo, tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường trên nhiều lĩnh vực, qua đó nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý kịp thời đúng pháp luật.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, vì vậy, ngày 26/2/2021, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 05 “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung, đó là: Đồng chí Bí thư cấp ủy các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Quán triệt, triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, trong đó thực hiện cải cách hành chính quyết liệt hơn; công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng và chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tiếp tục đưa nội dung phòng, chống tham nhũng và kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, việc thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán nhà nước vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, giao đất, cho thuê đất công, mua bán chuyển nhượng tài sản công, quản lý trật tự xây dựng, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng tài chính, công tác tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Kiên quyết xử lý những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc xử lý hành vi tham nhũng. Ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng.
Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
LAN HỒ