Tập trung cao độ chuẩn bị bầu cử

06:03, 22/03/2021

Hoạt động triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã và đang được toàn hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ...

Hoạt động triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã và đang được toàn hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ. Nhằm tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân biết thực hiện quyền dân chủ, Cơ quan thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng các địa phương đang tăng tốc, chuẩn bị mọi điều kiện, các bước hết sức kỹ lưỡng, chu đáo để cuộc bầu cử ngày 23/5 diễn ra thành công. 
 
Trên tinh thần trách nhiệm, dân chủ, các đại biểu tham dự Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã tham gia góp ý chất lượng, hiệu quả về nhân sự bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Trên tinh thần trách nhiệm, dân chủ, các đại biểu tham dự Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã tham gia góp ý chất lượng, hiệu quả về nhân sự bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
 
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Lâm Đồng đã công bố số đơn vị bầu cử; danh sách các đơn vị bầu cử; số lượng ĐBQH dự kiến ở mỗi đơn vị bầu cử; công bố số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã; danh sách các đơn vị bầu cử; số lượng đại biểu dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.
 
Theo đó, tại các hội nghị hiệp thương đã thể hiện không khí thực sự dân chủ trong việc đóng góp các ý kiến đối với bản dự kiến nhân sự; về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất và điều kiện tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay. 
 
Bầu cử Quốc hội và HĐND cần thiết phải chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là tập trung nâng cao chất lượng hiệp thương. Theo đó, tính đến ngày 18/3, tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai, trên tinh thần trách nhiệm, dân chủ, các đại biểu đã thẳng thắn góp ý nêu lên những điểm, những trường hợp còn thiếu hoặc chưa hội đủ, đúng tiêu chuẩn người đại biểu nhân dân theo quy định của luật và Hiến pháp. Vì vậy, hội nghị đã thống nhất lập danh sách sơ bộ giới thiệu 131 người ra ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để tiến hành bầu lấy 66 đại biểu tiêu biểu nhất. Trong đó, theo cơ cấu, thành phần phân bổ cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh là 27 người, các địa phương là 38 người.
 
Về cơ bản các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Tổ chức họp ban lãnh đạo, cấp ủy, công đoàn quán triệt mục đích yêu cầu, dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử. Đối với các huyện, thành phố sau khi được phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng đã tiến hành hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử theo đúng quy định.
 
Về ý kiến cử tri nơi công tác đối với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh đã có 2.477 cử tri tham dự các hội nghị với 269 lượt ý kiến phát biểu. Đa phần, các ý kiến bày tỏ sự tín nhiệm cao đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử. Ngoài ra, cử tri bày tỏ ý kiến và gửi gắm nguyện vọng nếu trúng cử thì đại biểu cần phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc nói lên tiếng nói của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân.
 
Cũng tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã thống nhất danh sách sơ bộ giới thiệu 12 người ra ứng cử ĐBQH khóa XV. Riêng Ban Đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) không giới thiệu được người ra ứng cử và bày tỏ sự cảm kích, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Nhân dân Lâm Đồng. 
 
Kết quả lấy ý kiến cử tri nơi công tác của những người được dự kiến giới thiệu ra ứng cử ĐBQH khóa XV đã được các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện đúng theo quy định. Có 599 cử tri tham dự các hội nghị lấy ý kiến với 26 lượt phát biểu ý kiến. Các ý kiến cử tri đều bày tỏ sự tín nhiệm cao đối với người được dự kiến giới thiệu ra ứng cử ĐBQH. Cử tri mong muốn, nếu trúng cử ĐBQH cần phát huy trách tốt nhiệm của mình trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tham gia vào các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, lưu ý đến những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cử tri và Nhân dân quan tâm, kiến nghị để có tiếng nói tới diễn đàn Quốc hội, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm, giải quyết, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển toàn diện.
 
Các bước tiếp theo trong quy trình bầu cử phải tập trung cao độ thực hiện để chậm nhất ngày 3/4/2021: Thành lập tổ bầu cử. Chậm nhất ngày 13/4/2021: Niêm yết danh sách cử tri (40 ngày trước bầu cử). Chậm nhất 18/4/2021: Hội nghị hiệp thương lần thứ ba (35 ngày trước bầu cử). Chậm nhất ngày 28/4/2021: Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH (25 ngày trước bầu cử). Ngày 13/5/2021: Ngưng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử (10 ngày trước bầu cử). Ngày 22/5/2021: Kết thúc vận động bầu cử (trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ).
 
Ngày 23/5/2021: Bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chậm nhất ngày 2/6/2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND các cấp (10 ngày sau bầu cử). Và cuối cùng, chậm nhất ngày 12/6/2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH (20 ngày sau bầu cử).
 
Các bước tiến hành bầu cử hiện nay đang được Ủy ban Bầu cử tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp khẩn trương tiến hành, bảo đảm dân chủ, đúng luật và chất lượng. 
 
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, trong quy trình lựa chọn, sự tín nhiệm của cử tri là thước đo rất quan trọng về tiêu chuẩn của ĐBQH cũng như đại biểu HĐND các cấp. Do đó, tại Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ lần này, trong nội dung về quy trình lựa chọn, sàng lọc, đã rất chú ý đến yếu tố tín nhiệm. Nếu ở địa bàn, cá nhân đó không có tín nhiệm, ở nơi công tác cũng thế thì ngay bước sàng lọc đầu tiên sẽ không đưa vào.
 
Hiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để các hoạt động này diễn ra đúng luật định. Việc kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương, qua đó phát hiện khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân.
 
NGUYỆT THU