Tích cực xác lập và củng cố trạng thái bình thường mới

01:03, 17/03/2021

(LĐ online) - Sáng 17/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. 

(LĐ online) - Sáng 17/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. 
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng đại biểu các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn Đà Lạt, Trung tâm Y tế Đà Lạt, Lạc Dương tham dự hội nghị. 
 
Ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng
Ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng
 
Đã kiểm soát tốt dịch bệnh
 
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo đánh giá công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhìn chung, công tác phòng chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của Nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu. Các biện pháp phòng chống dịch được đưa ra triển khai kịp thời, hiệu quả, và đạt kết quả tích cực. Dù dịch bệnh còn phức tạp những vẫn trong tầm kiểm soát.
 
Đến nay, trên cơ sở đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa sẵn sàng phòng chống dịch; tích cực xác lập và vận hành trạng thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc. 
 
Nhiều bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Tất cả các hoạt động phòng chống dịch trong lĩnh vực y tế, cũng như trong kiểm soát biên giới, quản lý người nhập cảnh, bảo hộ công dân... đều tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép do Chính phủ đề ra. 
 
Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở các ngành, các địa phương việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Nhờ những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép nên Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 3%, là một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
 
Dự báo dịch bệnh có thể kéo dài 1 -2 năm 
 
Trên thế giới, dịch bệnh chưa được khống chế trong năm nay, các nước châu Âu, một số nước châu Á, châu Mỹ dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm. Một số nước đã đạt được kết quả ban đầu khả quan trong nghiên cứu, phát triển vắc xin, song phần lớn các quốc gia chưa tiếp cận được vắc xin và ngay tại các quốc gia đang tiêm vắc xin cũng chưa thể tiêm đầy đủ cho dân số trong nước. Nhiều tổ chức quốc tế, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục nhận định và dự báo thời gian tới dịch bệnh trên thế giới tiếp tục gia tăng và có thể còn kéo dài 1 đến 2 năm.
 
Trong nước, tuy đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được lây lan trên diện rộng song nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao, ngoài ra việc kiểm soát nhập cảnh trái phép cũng rất quan trọng trong việc khoanh vùng, xử lý dịch.  
 
Về lâu dài, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc xin nhập khẩu còn hạn chế và vắc xin trong nước dự kiến phải tới quý IV năm 2021 Việt Nam mới có thể có. 
 
Trước mắt, ngành y tế khuyến cáo mọi người dân Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế). Đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế, nhưng vô cùng hiệu quả.
 
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
 
Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, cần tiếp tục chung sống, có giải pháp phù hợp chiến đấu trường kỳ kiểm soát dịch bệnh; đồng thời, tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu đề ra. 
 
Thủ tướng đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thảo luận, đánh giá xem sắp tới làm gì tốt hơn để chủ động ngăn chặn hiệu quả nếu có dịch trong cộng đồng, làm sao đưa đất nước tiến bước trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, trong nước còn có nguy cơ lây nhiễm, những kinh nghiệm cần thiết phải rút ra và trước hết là động viên Nhân dân, cả hệ thống chính trị, đặc biệt lực lượng trực tiếp có nhiều đóng góp như y tế, quân đội, công an, ngoại giao, giao thông vận tải, công thương, thông tin và truyền thông…
 
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp trọng tâm sau: Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Khi có nguy cơ dịch xảy ra phải ưu tiên cho công tác phòng chống dịch thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch, không áp dụng giãn cách trên phạm vi rộng. Các biện pháp phòng chống dịch cần được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hạn chế tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống người dân. 
 
Trước mắt, cần tích cực xác lập và củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và ở tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là những nơi thường xuyên có tập trung đông người, xử lý nghiêm các vi phạm.
 
Để thực hiện mục tiêu kép, không thể liên tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao như giãn cách xã hội trong thời gian dài và ở phạm vi rộng, cần tích cực thực hiện các giải pháp có căn cơ nhưng phổ thông nhất, dễ thực hiện nhất nhằm ngừa lây nhiễm trong cộng đồng như bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người, hạn chế hội họp, tăng làm việc trực tuyến...; đồng thời, thực hiện nghiêm biện pháp giám sát, bảo đảm an toàn đối với các đối tượng có nguy cơ cao trong cộng đồng (người cao tuổi, người có bệnh nền...). Cần xác lập một số biện pháp bắt buộc như đeo khẩu trang nơi công cộng, bắt buộc phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế, truy vết đối với một số đối tượng như các trường hợp F1, F2, có nguy cơ lây nhiễm bệnh, có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm.
 
Chủ động, tích cực thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, sản xuất, mua vắc xin với tất cả các đối tác tiềm năng.
 
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là lao động tay nghề cao nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Lưu ý chuẩn bị chu đáo để từng bước mở lại các đường bay thương mại quốc tế phù hợp với khả năng phòng chống dịch, bảo đảm an toàn, thúc đẩy giao lưu quốc tế, tránh những suy diễn, hệ lụy cho rằng Việt Nam đối xử không công bằng với các nước trong việc cho phép lao động người nước ngoài nhập cảnh. 
 
Đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện “mục tiêu kép” không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế, nhất là tại các địa phương không có dịch. Hoàn thiện các quy trình bảo đảm an toàn trong các hoạt động kinh tế, xã hội, tổ chức các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thúc đẩy, thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn...   
 
Tổ chức tốt việc đưa các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các trường hợp theo thỏa thuận với từng nước, nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ vào Việt Nam.
 
AN NHIÊN