Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tổng kết 5 năm hoạt động

02:03, 16/03/2021

(LĐ online) - Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra tại đầu cầu Hà Nội vào sáng 16/3.

(LĐ online) - Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra tại đầu cầu Hà Nội vào sáng 16/3.
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu Lâm Đồng
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Hội nghị có quy mô toàn quốc này do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì. Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu Lâm Đồng.
 
Ngày 19/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ này được thành lập nhằm khắc phụ những hạn chế, yếu kém trong việc tổ chức thực hiện những nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. 
 
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những hạn chế, yếu kém này là tình trạng nợ quá hạn nhiệm vụ chiếm tỷ lệ cao (25,2%); trong đó, có nhiều nhiệm vụ quan trọng bị chậm, nhiều nhiệm vụ gặp phải khó khăn vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời, làm cho cơ chế chính sách chậm đi vào vào cuộc sống; kỷ cương của một số cán bộ, công chức không nghiêm, bao biện, né tránh, đổ lỗi cho nhau; đồng thời, không thừa nhận những bất cập, tồn tại trong thực thi công vụ, làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân và doanh nghiệp đối với bộ máy công quyền và ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kỷ luật, kỷ cương hành chính. 
 
Trước thực trạng đó, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đưo075c thành lập để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao; kiểm tra phải thực chất, quyết liệt, phương pháp, cách thức phải được thay đổi, bảo đảm tất cả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, chấm dứt tình trạng “bắn chỉ thiên lên trời”, “trên bảo dưới không nghe”, kỷ luật, kỷ cương hành chính phải được thắt chặt để đáp ứng yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang thực thi; báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện và kiến nghị đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành tiếp theo, không để sót việc.
 
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có 11 thành viên, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng. 
 
Sau 5 năm hoạt động, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 2 cơ quan thuộc Chính phủ; 44 địa phương; 12 tập đoàn kinh tế, tổng Công ty nhà nước. Nội dung kiểm tra gồm việc thực hiện nhiệm vụ giao; công tác hoàn thiện thể chế; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh; đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ về thực hiện mục tiêu tăng trưởng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ xây dựng; thực hiện các quy định liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chống lãng tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa... Ngoài ra, Tổ công tác đã có 16 buổi làm việc với các cơ quan, hiệp hội.
 
 Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng, qua các cuộc kiểm tra, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được quán triệt, đôn đốc thực hiện; đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhiều khoảng trống pháp lý; nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, dư luận quan tâm, bức xúc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương; nhiều bất cập, yếu kém trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời.
 
Báo cáo tổng kết đã nêu rõ, kết quả thực hiện nhiệm vụ giao ngày càng chuyển biến rõ nét và thực chất. Thời điểm đầu nhiệm kỳ (năm 2016) số nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Sau 4 tháng Tổ công tác được thành lập (vào tháng 12/2016), tỷ lệ nợ đọng nhiệm vụ giảm xuống còn 2,82%. Đây có thể xem là yếu tố mấu chốt, tạo tiền đề để tạo ra bước chuyển căn bản về kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Tính đến cuối năm 2020, chỉ có 180/9.721 số nhiệm vụ quá hạn, chiếm 1,8%, giảm 23,4% so với năm 2016.
 
Đặc biệt, sau các cuộc kiểm tra của Tổ công tác trong năm 2020 về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tiếp tục tạo dấu ấn cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp xây dựng văn bản quy định chi tiết theo hướng cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo hướng 1 luật chỉ ban hành tối đa 2 nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; 1 nghị định chỉ ban hành 1 thông tư hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật của người dân. Cụ thể, trong năm 2020, các bộ đã thực hiện việc tích hợp 49 văn bản quy định chi tiết luật có hiệu lực từ 1/1/2021 còn 28 văn bản, giảm 21 văn bản so với phân công. 
 
Tổ công tác cũng đốc thúc các bộ, cơ quan tập trung, ưu tiên nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo dư địa cho tăng trưởng. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến rõ rệt, hầu hết các văn bản được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh. Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay, chỉ còn nợ đọng 3 văn bản quy định chi tiết của năm 2020. 
 
Theo số liệu thống kê, việc cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Kết quả này đã khẳng định sự hoạt động hiệu quả, sự nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm, trách nhiệm của Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. 
 
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Hoạt động của Tổ công tác đã hiện thực hóa quan điểm, tinh thần cải cách mạnh mẽ, ưu việt phương thức chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ để đạt mục tiêu xây dựng Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, Chính phủ phục vụ hướng tới người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, hành chính hóa trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức”.
 
LINH ĐAN