Người làm việc trong môi trường văn hóa phải là người có văn hóa

11:05, 06/05/2021

(LĐ online) - Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ngành văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra vào chiều ngày 5/5/2021. Cùng dự có lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ và Tp. Đà Lạt.

(LĐ online) - Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ngành văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra vào chiều ngày 5/5/2021. Cùng dự có lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ và Tp. Đà Lạt.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp phát biểu kết luận và chỉ đạo
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp phát biểu kết luận và chỉ đạo
 
Đánh giá hoạt động ngành năm 2020 và 4 tháng đầu 2021, đồng chí Nguyễn Viết Vân –Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT-DL đã nêu những kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính, văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch cùng những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Theo đó, năm qua, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của ngành đạt 100%, chỉ số cải cách hành chính của Sở VH-TT-DL đạt thứ hạng 1/19 sở, ngành của tỉnh. Ngành đã tổ chức thực hiện tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của địa phương và đất nước, Đại hội Đảng các cấp (2020 – 2025), Bầu cử Quốc hội và Đại biểu HĐND (2021 – 2026), đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu. Duy trì người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35,2%, gia đình thể thao đạt 28,3%, tổ chức được 977 giải đấu từ cấp tỉnh đến cơ sở với 21 bộ môn; thể thao thành tích tham gia 47 giải ở 14 bộ môn đoạt được 249 huy chương các loại (đạt 124,5% kế hoạch), trong đó nổi bật là các môn cầu lông, bóng bàn, thể dục thể hình, võ thuật cổ truyền ở giải vô địch quốc gia; 4 tháng đầu năm đã tham gia 4 giải đoạt 29 huy chương các loại. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng năm qua giảm mạnh, Sở đã chủ động thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa thu hút du khách, phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, công bố chương trình kích cầu du lịch “Đà Lạt – Miền đất yêu thương”, ban hành quy chế tạo hành lang pháp lý để đưa du lịch canh nông trở thành sản phẩm du lịch đặc thù; đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” đã cập nhật thông tin của 1.276 khách sạn, cơ sở lưu trú, 778 nhà hàng, 613 địa điểm du lịch tham quan, giải trí, 85 địa điểm mua sắm, 523 địa điểm tiện ích công cộng trên hệ thống, kịp thời cung cấp thông tin cần thiết về du lịch Đà Lạt đến với du khách. 
 
Đồng chí Nguyễn Viết Vân báo cáo kết quả hoạt động của ngành
Đồng chí Nguyễn Viết Vân báo cáo kết quả hoạt động của ngành
 
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đã lắng nghe nhiều ý kiến nêu những khó khăn, vướng mắc, tồn tại của từng đơn vị, phòng ban trực thuộc Sở và đưa ra hướng giải quyết trong thời gian tới. Cụ thể, hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, cơ sở hạ tầng, di tích lịch sử văn hóa xuống cấp, trang thiết bị của hệ thống thư viện, bảo tàng, chiếu bóng lạc hậu lỗi thời ảnh hưởng đến công việc và chất lượng phục vụ. Việc tuyển dụng viên chức của ngành, đặc biệt là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật gặp nhiều khó khăn nghề nghiệp đặc thù, chế độ chính sách, điều kiện làm việc. Công tác xã hội hóa TDTT còn hạn chế, chưa thành lập được các CLB thể thao chuyên nghiệp, chất lượng huy chương chưa cao, thiếu huấn luyện viên giỏi, cơ chế chính sách đầu tư, thu hút tài năng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; việc ứng dụng khoa học công nghệ, y học TDTT vào công tác đào tạo, huấn luyện còn hạn chế; chưa tạo được bước đột phá trong phát triển thể thao thành tích cao. Thiếu các sản phẩm du lịch chất lượng cao, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, các sản phẩm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của du khách, chưa thu hút được lượng khách có mức chi tiêu cao, mức chi tiêu bình quân của du khách đến Lâm Đồng còn thấp (1,8 triệu đồng/khách), thời gian lưu trú còn ngắn (2,1 ngày/khách); vì thế, việc thu ngân sách từ hoạt động du lịch còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, nguồn lực vốn có; một số dự án du lịch triển khai không đảm bảo tiến độ, chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm về du lịch triển khai còn chậm. 
 
Nhiều ý kiến nêu lên những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch cần giải quyết
Nhiều ý kiến nêu lên những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch cần giải quyết
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã biểu dương những thành quả mà ngành VH-TT-DL đã nỗ lực đóng góp xây dựng hình ảnh văn hóa, du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt trong lòng bạn bè du khách. Đồng thời chỉ đạo trong thời gian tới, Sở VH-TT-DL phải xây dựng các chiến lược, giải pháp mang tính đột phá về du lịch để có sản phẩm mới để có môi trường mới, có con người mới, phải có sự đồng bộ, khác biệt, có sự ngăn nắp cần có để tạo một môi trường phát triển du lịch mang tính hiện đại. Tình trạng chắp vá, nhếch nhác, tranh giành khách, cò kéo cần giải quyết dứt điểm, cần dẹp bỏ những cái mà nó làm vấy bẩn bức tranh du lịch của Đà Lạt thì phải kiên quyết xử lý. Tăng cường tính chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực làm chủ đầu tư, năng lực làm chủ dự án, năng lực triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ các công trình văn hóa, thể thao, du lịch. Quán triệt ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong thực thi công vụ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tham nhũng, đổi mới quyết liệt phương pháp làm việc, con người văn hóa phải nhanh nhẹn, năng động, sáng tạo; bố trí nhân sự, sắp xếp bộ máy hợp lý để làm việc hiệu quả. Sở Văn hóa phải là những con người có văn hóa, lãnh đạo phải gương mẫu. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng thành kế hoạch, chương trình hành động của ngành mình và cụ thể hóa, chi tiết hóa, lượng hóa 4 chỉ tiêu (trong tổng số 17 chỉ tiêu của tỉnh) liên quan đến ngành; mỗi việc giao cho một người, mỗi nội dung một người chịu trách nhiệm, rõ ràng, tránh tình trạng nói chung chung. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện đúng quy định, không sách nhiễu gây phiền hà các tổ chức, cá nhân. Tạo điều kiện cho du khách lưu trú, nơi nào có dấu hiệu tội phạm cần nắm chắc chứng cứ để thực hiện thanh tra, kiểm tra. Tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự trong ngành đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Phải thực hiện đảm bảo quy định, đúng thời điểm, ngày giờ, các nhiệm vụ, kế hoạch của Bộ VH-TT-DL, Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch; tập trung đẩy mạnh các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, gắn văn hóa với thể thao và du lịch. Sở VH-TT-DL phốp hợp với Tp. Đà Lạt để tổ chức một kỳ Festival Hoa lần thứ IX mới mẻ, khác với các kỳ Festival trước, không trùng lặp; các hoạt động hưởng ứng sẽ được tổ chức bắt đầu từ tháng 10 – 12 trải đều để thu hút khách du lịch. Festival là của tỉnh Lâm Đồng chứ không của riêng Đà Lạt, vì vậy các huyện, thành cũng cần chỉnh trang môi trường, cảnh quan, trồng hoa cây xanh. Đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình trọng điểm. Cần nghiên cứu học hỏi các loại hình du lịch về đêm để tạo thêm không gian cho du khách vui chơi, giải trí. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về văn hóa, thể thao, du lịch; phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo, các trường đào tạo chuyên nghiệp trên địa bàn Đà Lạt mở thêm khoa ngành đào tạo các loại hình văn hóa nghệ thuật. 
 
QUỲNH UYỂN