Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, ngày 2/5/2021, Thủ tướng Chính phủ...
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, ngày 2/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành văn bản hỏa tốc về tiếp tục tăng cường thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, khi trường hợp nhiễm COVID-19 ở tỉnh Bắc Ninh đến Đà Lạt du lịch từ ngày 2 đến 5/5.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới, trong đó có cả một số nước trong khu vực, với số ca nhiễm bệnh và tử vong ngày càng tăng. Vi rút biến chủng mới xuất hiện có đặc điểm mạnh hơn, lây nhanh hơn và nguy hiểm hơn, đã xuất hiện những tình huống xấu và khó lường. Tính đến 6h sáng ngày 12/5, Việt Nam ghi nhận thêm 34 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 ca nhập cảnh đã cách ly ngay; 33 ca còn lại đều ở khu vực cách ly, phong tỏa. Đến nay, Việt Nam hiện có 3.571 bệnh nhân. Nguyên nhân một phần là do nhiều nơi đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là giám sát thực hiện quy định 5K, nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người.
Trong điều kiện cả nước đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, cả hệ thống chính trị và người dân cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:
Trước hết, phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, công điện của Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Do vậy, diễn biến dịch trong nước đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó kiểm soát hơn so với các đợt trước. Vì vậy, không chỉ những nơi đã có người mắc COVID-19 hoặc có nguy cơ cao, mà tất cả các địa phương khác trong cả nước phải đặt trong tình trạng báo động rất cao, phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, khởi động lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh ở tất cả các cấp, khởi động lại các tổ COVID cộng đồng, địa phương nào chưa có phải thành lập ngay. Những địa phương chưa có dịch cũng phải coi như đang trong dịch, tuyệt đối không được lơ là hoặc cực đoan, gây hoang mang, hoảng loạn mà hết sức cảnh giác vì dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào và khi xảy ra thì không bối rối, bỡ ngỡ.
Thứ hai, chấn chỉnh cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế một cách chặt chẽ. Thực tế cho thấy, có những người sau khi thực hiện xong 14 ngày cách ly tập trung, khi về nhà không được giám sát chặt chẽ nên đã đi nhiều nơi, gây nhiễm COVID-19 cho người khác trong cộng đồng. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 là việc cách ly tập trung phải đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc; sau cách ly tập trung phải được bàn giao, tiếp nhận và theo dõi sức khỏe tại gia đình, thời gian đầu hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch tễ học và virus học, Bộ Y tế quyết định sẽ kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; trước mắt, thời gian cách ly tập trung sẽ kéo dài 21 ngày thay vì 14 ngày so với trước đây.
Thứ ba, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó cần chú trọng phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, chức năng quản lý của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, đặc biệt phải huy động sự vào cuộc của Nhân dân. Công việc càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm, chúng ta càng phải huy động sức mạnh tập thể, trí tuệ tập thể, phát huy hết nội lực với tinh thần “phòng là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định; chống là quan trọng, thường xuyên và quyết liệt”, kết hợp tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan nhưng không lo sợ hoảng hốt, mất bình tĩnh. Thực hiện việc phân cấp mạnh mẽ, giao trách nhiệm cho người đứng đầu, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo huyện, xã lo xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hơn nữa theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chú trọng các cơ sở cách ly, khám chữa bệnh, xuất nhập cảnh. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, tập hợp đại đoàn kết toàn dân, huy động tổng lực vào phòng, chống dịch. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bởi nếu lơ là, chúng ta sẽ trả giá đắt; “Một người lơ là, cả xã hội phải vất vả”.
Thứ tư, không quên đối phó nguy cơ rất lớn từ bên ngoài; do đó, cần siết chặt việc quản lý xuất nhập cảnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 540, 570; ngăn ngừa, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cơ trú bất hợp pháp và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lực lượng công an và các ngành liên quan tăng cường rà soát, kiểm điểm, đánh giá lại các vấn đề về xuất nhập cảnh trái phép và quản lý người cư trú trái phép; khắc phục ngay các bất cập trong việc cách ly người nhập cảnh, quản lý người nước ngoài cư trú bất hợp pháp... Đồng thời, đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc; phát huy sức mạnh, sự tự giác, tinh thần làm chủ của Nhân dân; vai trò của lực lượng công an chính quy ở cơ sở để siết chặt quản lý xuất nhập cảnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ năm, tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài các báo cáo chính thức của các cơ quan y tế, chính quyền trong hệ thống hành chính, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông khách quan, trung thực, tích cực về tình hình dịch bệnh, kêu gọi Nhân dân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sức khỏe cộng đồng, vì sức khỏe chính mình, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải gương mẫu, đi đầu, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; không để xẩy ra tình trạng “một người lơ là, cả xã hội vất vả”.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở diện rộng là rất cao, luôn thường trực, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu cả hệ thống chính trị, người dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; vì “một người lơ là, cả xã hội vất vả”. Ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đến gần, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng phải sớm khống chế được dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho toàn dân tham gia bầu cử đạt kết quả tốt đẹp.
LINH NHÂN