Một số câu hỏi - đáp liên quan đến bầu cử

11:05, 09/05/2021

(LĐ online) - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đến gần, Báo Lâm Đồng điện tử giới thiệu một số câu hỏi - đáp liên quan đến công tác bầu cử...

(LĐ online) - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đến gần, Báo Lâm Đồng điện tử giới thiệu một số câu hỏi - đáp liên quan đến công tác bầu cử để cử tri nắm bắt, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình khi đi bầu, bảo đảm bầu đúng, bầu trúng và bầu đủ để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp.
 
Cử tri Phường 2, TP Bảo Lộc tìm hiểu lý lịch các ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND niêm yết tại UBND phường. Ảnh: Khánh Phúc
Cử tri Phường 2, TP Bảo Lộc tìm hiểu lý lịch các ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND niêm yết tại UBND phường. Ảnh: Khánh Phúc
 
Ngày bầu cử được quy định như thế nào?
 
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân quy định ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban Bầu cử trình Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.
 
Căn cứ vào quy định nói trên, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 quyết định rõ Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021.
 
Những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu được xử lý như thế nào?
 
Theo quy định tại Điều 71 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục trong ngày bầu cử. Trường hợp có những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu, thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cho Ban bầu cử biết; đồng thời, phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
 
Trường hợp vì lý do đặc biệt phải hoãn ngày bỏ phiếu, thì Tổ bầu cử phải kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử biết để đề nghị Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.
 
Trường hợp nào thì cử tri được nhờ người khác viết hộ phiếu, bỏ hộ phiếu bầu cử?
 
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu cử thì được nhờ người khác viết hộ, người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu cử của cử tri.
 
Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu bầu cử được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
 
Việc cử tri ghi phiếu bầu cử được thực hiện như thế nào?
 
Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu. Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
 
Trường hợp có phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.
 
Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, trường hợp cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng có chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.
 
Trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn do có sự giống nhau cả họ, tên và tên đệm, nếu cử tri không tín nhiệm người này thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.
 
Nếu cử tri yêu cầu đổi phiếu bầu khác do gạch hỏng, Tổ bầu cử phải thu hồi phiếu gạch hỏng của cử tri, sau đó mới được phát phiếu bầu khác.
 
Việc bỏ phiếu được thực hiện như thế nào?
 
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau:
 
Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng Nhân dân.
 
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay.
 
Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
 
Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
 
Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri.
 
Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
 
Thời hạn tạm ngừng việc xem xét khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử được quy định như thế nào?
 
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử (tức là từ ngày 13 tháng 5 năm 2021 trở đi), Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
 
Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban Bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
 
Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, Ủy ban Bầu cử ở cấp huyện, Ủy ban Bầu cử ở cấp xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026 ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
 
Trong vận động bầu cử, pháp luật cấm những hành vi nào?
 
Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm:
 
Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
 
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
 
Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
 
Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử nói trên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vận động bầu cử cho những người ứng cử nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với những người ứng cử.
 
Người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử bị xử lý như thế nào?
 
Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân đã quy định rõ: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Căn cứ vào quy định của Luật này, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể 02 tội liên quan đến bầu cử gồm:
 
Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (Điều 160):
 
1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:
 
a) Có tổ chức;
 
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
 
c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.
 
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
 
- Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (Điều 161):
 
1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
 
a) Có tổ chức;
 
b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.
 
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
 
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân.
 
ĐÔNG ANH (tổng hợp)