Phòng chống dịch Covid-19 tránh chủ quan, mất cảnh giác và hốt hoảng, mất bình tĩnh

05:05, 07/05/2021

(LĐ online) - Chiều 7/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19.

(LĐ online) - Chiều 7/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19.
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo. Tuyến huyện, thành phố cũng tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu các địa phương.
 
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Khởi động lại toàn bộ hệ thống chống dịch
 
Theo báo cáo kết quả điều tra, xét nghiệm, cách ly điều trị tại cơ sở y tế đối với đợt dịch từ ngày 28/4 đến 7/5 đã ghi nhận 6 ổ dịch tại cộng đồng với tổng số 146 trường hợp mắc tại 16 tỉnh, thành phố, cụ thể như sau: Ổ dịch tại Hà Nam 21 trường hợp mắc bệnh; ổ dịch Vĩnh Phúc - Yên Bái 35 trường hợp mắc bệnh; ổ dịch liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) 69 trường hợp mắc bệnh; ổ dịch liên quan đến Bệnh viện K Tân Triều 10 trường hợp mắc bệnh; ổ dịch tại Đà Nẵng 9 trường hợp mắc bệnh; ổ dịch tại Hải Dương 2 trường hợp mắc bệnh.
 
Đánh giá, nhận định tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó, có một số quốc gia có đường biên giới giáp với Việt Nam như Campuchia, Lào và một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan. Nhiều biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 được ghi nhận ở nhiều nơi với tăng khả năng lây truyền, tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh và giảm khả năng bảo vệ khỏi sự lây nhiễm SARS-CoV-2.
 
Tại Việt Nam, cơ bản dịch Covid-19 vẫn được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao do lây nhiễm từ các chuyên gia, người Việt Nam từ các nước về và thực hiện cách ly không đúng quy định; lây nhiễm do nhập cảnh trái phép từ các nước láng giềng; do sự chủ quan, lơ là với phòng chống dịch của nhiều địa phương, cơ quan đơn vị, không đeo khẩu trang, tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ dài ngày; do biến chủng, nhất là biến chủng kép, làm tăng khả năng lây nhiễm của vi rút; một số quy định về phòng chống dịch còn chưa hoàn thiện hoặc chưa được thực hiện trên thực tế; việc kiểm soát nhập cảnh và quản lý cách ly còn sơ hở.
 
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của các biến chủng mới của vi rút đặc biệt là biến chủng B6117 được phát hiện tại Ấn Độ với tốc độ lây nhanh hơn, mạnh hơn; dịch bệnh xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương và sự xuất hiện các ca bệnh tại các cơ sở y tế.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Hội nghị này là cuộc quán triệt toàn quốc về công tác phòng chống dịch Covid-19. Hiện đã có nguồn bệnh trong cộng đồng, vì vậy phải khởi động lại toàn bộ hệ thống chống dịch. 
 
Có 3 điểm lớn phải nhớ: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị vẫn duy trì như cũ; duy trì trạng thái bình thường mới, thực hiện 5k; thực hiện “4 tại chỗ”.
 
Thời gian qua, một số địa phương làm chưa tốt việc quản lý người nhập cảnh. Đã có gần 20 ngàn chuyên gia và lao động kỹ thuật nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, phần lớn cách ly ở khách sạn, rất nhiều khách sạn thực hiện không nghiêm. Sau cách ly tập trung thực hiện không tốt. Điều đáng nói tất cả văn bản đều có cả nhưng nhiều nơi thực hiện không chặt chẽ. Y tế, công an, quân đội không có phương án sẵn sàng. Cho nên, quán triệt tinh thần người ra khỏi khu cách ly phải bàn giao đến tổ dân phố, kích hoạt tổ Covid-19 cộng đồng. Người nước ngoài ra khỏi khu cách ly phải có kế hoạch làm việc cụ thể với doanh nghiệp... Cần xem lại có cần thiết nên cho chuyên gia nhập cảnh vào hay không. 
 
Hiện đã có quy định cách ly 21 ngày, chương trình khép kín, 5 Bộ: Y tế, Công an, Quân đội, Ngoại giao, Công thương phối hợp thực hiện và các địa phương cũng như vậy. Phát hiện sớm dịch trong cộng đồng. Hiện, hệ thống máy móc, xét nghiệm địa phương đều có, còn 11 tỉnh có rồi nhưng chưa đủ năng lực thẩm định xét nghiệm SARS-CoV-2, một số tỉnh chưa có xét nghiệm phải xúc tiến triển khai... Tăng cường xét nghiệm sàng lọc và đánh giá dịch tễ trên địa bàn. Cách ly tập trung buộc có camera giám sát và sẽ xử lý chính quyền địa phương nếu không tuân thủ quy định. Bởi nếu dịch bệnh nhiều sẽ có phương án cách ly mật độ dày hơn.
 
Nguyên tắc là vừa duy trì phát triển kinh tế và vừa chống dịch trên tinh thần cố gắng khoanh gọn. Nếu chưa đủ cơ sở thì khoanh rộng sau đó khoanh gọn hơn. Các nơi sẵn sàng phương án dồn dịch để điều trị, phải dự phòng sẵn sàng phương án điều trị cho 30 ngàn người bị nhiễm Covid-19 mà không bị động. Các địa phương phải xử phạt người không đeo khẩu trang.
 
Về vắc xin, Chính phủ giao cho Bộ Y tế, dù trên toàn cầu vắc xin khan hiếm nhưng Chính phủ chủ trương có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất. Nhưng có vắc xin vẫn chưa an toàn, vì hiệu lực chỉ mới 80%. Các tỉnh phải đánh giá cập nhật hệ thống an toàn Covid-19. Hiện, các cơ sở y tế, trường học đã làm, còn các hệ thống bến xe, dịch vụ, nhà máy, siêu thị… chưa thực hiện về tiêu chí cơ sở an toàn Covid-19,  đề nghị các tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã vào cuộc liên tục, làm hết sức, năng động, sáng tạo, nắm chắc tình hình đưa ra chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả... Diễn biến dịch khó lường, cho đến giờ, chúng ta khẳng định cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, thời gian qua, có sự chủ quan của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân; đặc biệt, trong mấy ngày nghỉ rất chủ quan. So với các nước xung quanh, chúng ta vẫn tốt hơn nhưng chúng ta phải tránh 2 khuynh hướng: Chủ quan, mất cảnh giác và hốt hoảng, sợ sệt, mất bình tĩnh. Trong lúc này phải tỉnh táo, thông minh, sáng suốt, vừa ổn định tình hình chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu kép và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Kêu gọi Nhân dân vào cuộc vì sức khỏe của chính mình
 
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc. Đặc biệt, biểu dương các lực lượng tuyến đầu, nòng cốt, xung kích chống dịch là y tế, công an, quân đội. Trong thời gian tới, cần rà soát lại kiện toàn ban chỉ đạo; phát huy bài học kinh nghiệm các đợt dịch vừa qua để chỉ đạo tốt hơn; làn sóng dịch thứ tư này nếu ca nhiễm gần 1.000 người là nước có dịch trên bản đồ thế giới nên chúng ta phải cảnh giác không để xảy ra như vậy.
 
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ban chỉ đạo phải lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình thực tiễn, có hiệu quả. Tập trung huy động hệ thống chính trị, huy động sự vào cuộc của Nhân dân, phát huy trí tuệ tập thể, phát huy nội lực. Phòng cơ bản là chiến lược quyết định, chống là thường xuyên, quyết liệt. Phát huy tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, tỉnh táo, khôn khéo xử lý vụ việc linh hoạt, bám sát tình hình. Chúng ta chuyển từ trạng thái phòng ngự sang kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Tăng cường các biện pháp về giám sát, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật và đặc biệt là vắc xin.
 
Các phương châm hành động đã thống nhất, các quy định, quy chế cơ bản đều có, cần tiếp tục rà soát bổ sung. Tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát tình hình. Tinh thần “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kêu gọi Nhân dân vào cuộc vì sức khỏe của chính mình. Mỗi người dân tự chịu trách nhiệm cho sức khỏe của chính mình, cộng đồng và đó là lợi ích của quốc gia, dân tộc. 
 
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Chính phủ rất quyết liệt xử lý những đồng chí thiếu trách nhiệm, không làm tốt để xảy ra hậu quả; đồng thời, khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân làm tốt. Đề nghị cả hệ thống chính trị rà soát, phát huy sức mạnh của Nhân dân trong việc phòng chống dịch và khắc phục hậu quả dịch Covid-19. 
 
Đề nghị khắc phục nhanh chóng những sai sót, trong đó siết chặt quản lý xuất nhập cảnh, ngăn ngừa, xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép. Đặc biệt, phát hiện cư trú bất hợp pháp, đây là điểm yếu cần khắc phục. Qua đợt dịch này cho thấy khâu tổ chức thực hiện là khâu yếu, cần tăng cường cơ sở, hướng về cơ sở, quy trách nhiệm cho cơ sở. 
 
AN NHIÊN