(LĐ online) - Ngày 7/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ban chỉ đạo nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh còn kéo dài, chưa xác định thời điểm kết thúc, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu trong khi vi rút biến chủng liên tục với tốc độ lây lan nhanh...
(LĐ online) - Ngày 7/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ban chỉ đạo nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh còn kéo dài, chưa xác định thời điểm kết thúc, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu trong khi vi rút biến chủng liên tục với tốc độ lây lan nhanh. Mặc dù, tình hình dịch ở nước ta về cơ bản vẫn đang được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao và dịch có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả, đặc biệt là ở các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chỉ đạo các địa phương sau hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19 |
10 biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình hiện nay đang báo động rất cao, đề nghị các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống chống dịch, coi như địa phương đang có dịch để triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương không được chủ quan, lơ là, nâng cao mức độ cảnh báo, kích hoạt toàn hệ thống phòng chống dịch; huy động toàn hệ thống chính trị và mọi người dân tham gia công tác phòng chống dịch; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cụ thể như sau:
Khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, các trường hợp đi về từ khu vực có dịch; tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, năng lực cách ly của tất cả các địa phương để chuẩn bị sẵn sàng, kỹ lưỡng cho kịch bản dịch bùng phát trên diện rộng.
Chủ động triển khai đợt cao điểm trong phòng chống dịch bệnh; tăng cường giám sát những người có triệu chứng ho, sốt… tại cộng đồng; rà soát những người về từ các địa điểm có nguy cơ, người làm việc trong các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như quán bar, karaoke, vũ trường, massage, cơ sở lưu trú và các nhóm có nguy cơ cao khác.
Nâng cao khả năng thu dung, điều trị, thực hiện điều trị hiệu quả và tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống 30.000 người nhiễm và có thể cao hơn; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị để phục vụ cho tình huống dịch lan rộng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế; trong đó, định kỳ tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên y tế ở các khoa, phòng có nguy cơ cao và nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly; cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh chịu ảnh hưởng nặng khi nhiễm Covid-19 như người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm… Hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Khuyến cáo người dân nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh và khuyến cáo người dân không nên đến quá sớm trước lịch hẹn. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến.
Các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cho bệnh nhân xuất viện phải thông báo cho các tỉnh, thành phố nơi người bệnh cư trú để tiếp tục tổ chức quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm người bệnh, người nhà người bệnh theo quy định hiện hành.
Tiếp tục kiểm soát nghiêm khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập cảnh, lưu trú của người nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là hoạt động nhập cảnh trái phép qua biên giới trên bộ, trên biển và lưu trú trái phép; kiểm tra, rà soát việc lưu trú của người nước ngoài trên địa bàn theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Thực hiện hoãn, giãn chuyến bay từ các nước về Việt Nam, dừng nhập cảnh trong trường hợp cần thiết. Các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung; tổ chức bàn giao, tiếp nhận và giám sát y tế sau khi cách ly tập trung; tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý chuyên gia, người nhập cảnh.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật các quy định về phòng chống dịch theo hướng tăng cường phân cấp, tăng tính chủ động của chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cá nhân hóa trách nhiệm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là các ứng dụng trong quản lý người nhập cảnh, người cách ly.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, bảo đảm nguyên tắc phản ánh kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan, sát tình hình thực tế, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, không đưa các thông tin tiêu cực gây hoang mang dư luận hoặc tạo tâm lý chủ quan, lơ là.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm và động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động phòng chống dịch.
|
Sở Y tế kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tại Cảng hàng không Liên Khương |
Lâm Đồng chuẩn bị kịch bản có dịch xảy ra
Ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: Nếu chúng ta không làm tốt công tác chống dịch thì hậu quả khôn lường, chưa biết trước dịch lúc nào xảy ra, phía trước chúng ta phải vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ; trong đó việc chống dịch là một trong các nội dung rất quan trọng đã đề cập trong các văn bản của Đảng, nhà nước, MTTQ, đoàn thể, các cấp chính quyền.
Các bệnh viện kích hoạt phòng chống dịch cao nhất, hẹn khám qua mạng, hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám chữa bệnh. Xây dựng kịch bản chống dịch, kích hoạt hệ thống chống dịch toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, dịch bệnh còn kéo dài, dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta không có giải pháp mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả, đặc biệt ở các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao. Các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là, phải nâng cao mức độ cảnh báo, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị và mọi người dân tham gia công tác phòng chống dịch, thực hiện nghiêm, đúng, đủ và thường xuyên quán triệt chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh… Lần này, phải xác định tính chất của dịch là nghiêm trọng.
Về phía ngành y tế phải có các giải pháp để chuẩn bị nếu có dịch phải truy vết triệt để. Đặc biệt, các địa phương phải biết được các trường hợp đi về từ các vùng có dịch, quản lý tốt công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị kịch bản có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh, để chuẩn bị tinh thần, chủ động ứng phó khi có tình huống dịch xảy ra. Rà soát các địa điểm có nguy cơ, sân bay nâng mức độ cảnh báo lên cao nhất. Các dịch vụ không thiết yếu sẽ cấm, dừng hoạt động theo các văn bản hướng dẫn cụ thể sắp tới.
Các địa phương lưu ý quan tâm công tác lưu trú, nhất là người về từ các địa phương có dịch. Công tác tuyên truyền đề nghị làm tốt hơn, đẩy mạnh tuyên truyền phòng dịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, không đưa thông tin tiêu cực gây hoang mang dư luận.
Các đồng chí Bí thư Thành ủy, Huyện ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Không chỉ phòng chống dịch, đảm bảo mục tiêu kép mà còn đảm bảo an toàn cho công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp... Tăng cường xử phạt việc không đeo khẩu trang và không chấp hành 5K.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chúng ta phải hy sinh lợi ích kinh tế, bởi dịch là lực cản níu kéo phát triển nhưng vì sức khỏe Nhân dân, chúng ta vận động toàn dân phòng dịch để thời gian tới không xảy ra tình huống xấu nhất trên địa bàn”.
AN NHIÊN