Báo chí khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

05:06, 17/06/2021

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập tờ báo Thanh Niên - tờ báo đặt nền móng chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày Báo Thanh Niên phát hành số đầu tiên đã trở thành mốc son khởi đầu chói lọi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. 

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập tờ báo Thanh Niên - tờ báo đặt nền móng chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày Báo Thanh Niên phát hành số đầu tiên đã trở thành mốc son khởi đầu chói lọi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. 
 
Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của báo chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, báo chí cách mạng đã có đóng góp rất tích cực trong thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
 
96 năm hình thành và phát triển, báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đổi mới mạnh mẽ về nội dung và hình thức, thực sự là vũ khí sắc bén, ngọn cờ chính trị - tư tưởng của Đảng. Ngược với luận điệu của các thế lực thù địch thường rêu rao, vu khống rằng Việt Nam không có tự do báo chí, báo chí bị cấm đoán hoạt động, chúng ta có quyền tự hào trước sự khởi sắc tích cực của lực lượng báo chí nước nhà: Hiện cả nước có 779 cơ quan báo chí, tạp chí in, trong đó có 142 báo (612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Nhìn chung, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân.
 
Đánh giá vai trò của báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian qua, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, nội dung thông tin tuyên truyền trên báo chí ngày càng phong phú, toàn diện, có tính phản biện cao. Báo chí đã thông tin tuyên truyền sâu sắc, nổi bật các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Công tác thông tin tuyên truyền thật sự có những chuyển biến rõ nét, đặc biệt là việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển KT-XH, nhất là thời điểm tập trung tuyên truyền trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống được báo chí phản ánh hiệu quả. Ở những tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 luôn có những người làm báo tác nghiệp... Qua đó, đã tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và tiền đồ của đất nước.
 
Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và thành tích của báo chí cách mạng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước thời gian qua. Để cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong giai đoạn 2021-2025, nhất là thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện nghiêm quy định của Luật Báo chí, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; chú trọng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền trung ương và địa phương. Tuyên truyền về bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương. Tuyên truyền về hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai, hiểm họa, dịch bệnh cho cộng đồng...
 
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ công nghệ thông tin đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực báo chí, đòi hỏi đội ngũ những người làm báo phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của báo chí trong việc đưa tin, định hướng dư luận, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh tất cả các lĩnh vực đa dạng, phong phú của đời sống xã hội mà còn cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
 
HÀ XUÂN