Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tập trung thực hiện ở địa phương được thành lập muộn như Đam Rông...
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tập trung thực hiện ở địa phương được thành lập muộn như Đam Rông. Điều này đóng vai trò quan trọng trong thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Kết quả bầu cử tại Đại hội Đảng bộ xã Đạ Long là minh chứng cho sự đúng đắn của Đam Rông trong công tác luân chuyển cán bộ |
Được thành lập đầu năm 2005, Đam Rông hiện có 8 xã đều là xã vùng sâu, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn với 53 thôn. Trên 65% dân số toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn Đảng bộ huyện hiện có 39 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với hơn 1.700 đảng viên. Đam Rông hiện có 64 cơ quan, đơn vị trực thuộc với hơn 1.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Giai đoạn đầu khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện (cán bộ khung ở tất cả các ngành) đều do tỉnh điều động từ nơi khác về công tác nhưng cũng chưa đầy đủ, còn thiếu nhiều vị trí cán bộ chủ chốt ở một số ngành, phòng, ban chuyên môn của huyện. Mặt khác do điều kiện công tác, sinh sống, đi lại gặp nhiều khó khăn, nhiều cán bộ đã xin chuyển công tác, nên việc rà soát quy hoạch, luân chuyển cán bộ phải thực hiện thường xuyên, có lúc hụt hẫng gây xáo trộn về đội ngũ. Giai đoạn 2015 - 2020, công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ được tiến hành thường xuyên nhằm đào tạo và sàng lọc đội ngũ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Ích Nghĩa - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông cho biết: “Công tác quy hoạch cán bộ từng bước được thực hiện nền nếp hơn, bảo đảm phương châm “mở” và “động”, góp phần thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Hằng năm, căn cứ vào quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện, không có triển vọng phát triển hoặc uy tín thấp; bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng phát triển”.
Song song với quy hoạch, công tác luân chuyển cán bộ cũng được tiến hành góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp địa phương, tổ chức, cơ quan, ban, ngành, đơn vị trong huyện. Kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ về những nơi khó khăn. Ông Lê Ích Nghĩa nói thêm: “Để công tác luân chuyển cán bộ thực sự có hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành từng bước, thận trọng, không làm tràn lan, chạy theo số lượng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, trên cơ sở quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thực hiện điều động, luân chuyển được 8 lượt cán bộ gồm: Luân chuyển từ huyện xuống xã 6 đồng chí (trong đó có 3 đồng chí giữ chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, 3 đồng chí giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã) và luân chuyển từ xã này qua xã khác 2 đồng chí”.
Công tác cán bộ nói chung và công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ nói riêng những năm qua ở Đam Rông đã có sự chuyển biến rõ nét. Sự quan tâm, chú trọng đến đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được thể hiện rõ nét. Qua đó, kịp thời phát hiện các nhân tố tích cực đưa vào quy hoạch để xem xét cất nhắc, tạo phong trào thi đua trong các cơ quan, đơn vị, các xã ở địa phương, cơ bản khắc phục được tình trạng hẫng hụt trong công tác cán bộ và tạo ra được một đội ngũ cán bộ kế cận trẻ tuổi, có năng lực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở đến thời điểm hiện nay cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có sự trưởng thành rõ nét về năng lực công tác. Qua đó, từng bước khắc phục được tình trạng khép kín, cục bộ địa phương trong bố trí các chức danh chủ chốt ở cấp xã.
Tại Đam Rông hiện nay, đội ngũ cán bộ của huyện được nhận định tuy đông nhưng chưa mạnh, tuy có bước trưởng thành, phát triển nhưng chưa đồng bộ, yếu về năng lực thực tiễn, nhất là cán bộ xã thì còn nhiều bất cập, chỗ thừa, chỗ thiếu; một số lĩnh vực quan trọng, trọng yếu còn thiếu như: xây dựng cơ bản, tài chính, quản lý đất đai… chưa có cán bộ chuyên môn giỏi. Chất lượng và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ là người dân tộc địa phương còn nhiều hạn chế. Một số địa phương, đơn vị chưa chú trọng công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ, có biểu hiện cục bộ dòng họ, địa phương nhưng chưa có giải pháp cụ thể, tình trạng thiếu hụt cán bộ ở cấp xã vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Những năm qua, số lượng luân chuyển cán bộ còn hạn chế, nhất là việc luân chuyển giữa xã này sang xã khác; đối tượng, nội dung và phương pháp luân chuyển chưa cụ thể, nhiều nơi chưa phân định rõ giữa việc điều động với luân chuyển cán bộ. Việc khắc phục những vấn đề trên là nhiệm vụ giai đoạn hiện nay của Đam Rông trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
NGỌC NGÀ