Từ khát vọng ''Độc lập - Tự do'' đến ''Xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc''

05:06, 04/06/2021

Lịch sử hào hùng mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn ghi dấu những cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, đó chính là chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam...

Lịch sử hào hùng mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn ghi dấu những cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, đó chính là chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Từ thuở các Vua Hùng dựng nước, đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Quang Trung… khát vọng độc lập, tự do luôn cháy bỏng trong mỗi trái tim người dân đất Việt.
 
Biểu quyết thông qua các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: H.Hải
Biểu quyết thông qua các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: H.Hải
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng “Độc lập - Tự do”
 
Thời đại Hồ Chí Minh, khát vọng “Ðộc lập - Tự do” chính là hệ giá trị dân tộc vĩnh hằng, là lý tưởng phấn đấu, hy sinh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân kiên định thực hiện. Khởi đầu bằng những năm tháng người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, cho đến khi Người tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, tìm thấy con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Cũng từ đó, Người trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, vào trong phong trào công nhân và phong trào đấu tranh yêu nước, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán; thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cổ vũ, động viên và tập hợp quần chúng nhân dân để nhân nguồn sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc nhằm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 không chỉ khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đó là tư tưởng về quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân, gắn với quyền bình đẳng thiêng liêng của dân tộc. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
 
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã thể hiện quyết tâm, tinh thần và ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khát vọng độc lập, tự do đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong câu nói nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Toàn Đảng, toàn dân cũng đã thể hiện quyết tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”. Đất nước được hòa bình, giang sơn thu về một mối sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Tự do - Hạnh phúc không có gì khác hơn là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần, “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” và mong ước lớn nhất của Người là xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để Nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc.
 
Xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc
 
Suốt 46 năm qua, kể từ khi đất nước được hoàn toàn độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm giữ vững nền hòa bình, độc lập và tự do đã giành được; nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước để tạo dựng cơ đồ, vị thế như ngày nay. Chúng ta đang từng bước hiện thực hóa tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định chủ thuyết phát triển “…  Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Nói đến khát vọng là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là nguồn lực nội sinh, có sức mạnh vô biên, không khuất phục trước mọi thử thách để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được hoài bão và ước mơ. Khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. 
 
Cơ đồ, vị thế và uy tín mà Việt Nam đạt được suốt mấy chục năm qua là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
 
Để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những mục tiêu cụ thể hết sức rõ ràng. Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Khi đó, theo tiêu chí chung của thế giới chúng ta sẽ có thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 12.000 USD/năm.
 
Đạt được mục tiêu nặng nề trên trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức nhanh, phức tạp, khó dự báo, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển. Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là nguồn động lực mới, to lớn để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn. 
 
Chúng ta đặt nhiều niềm tin với hướng đi đúng đắn, khát vọng mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta trong kỷ nguyên mới hòa bình, thịnh vượng.
 
TRẦN TRUNG HIẾU