(LĐ online) - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo Nhân quyền năm 2020 đề cập nhiều lĩnh vực ở Việt Nam...
(LĐ online) - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo Nhân quyền năm 2020 đề cập nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Có thể thấy, các Báo cáo Nhân quyền thường niên của Hoa kỳ về Việt Nam trước nay đều thiếu thiện chí, mang định kiến. Cần khẳng định quan điểm và thành tựu về nhân quyền và việc thực thi nhân quyền của Nhà nước Việt Nam.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu trước Báo cáo Nhân quyền năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ảnh KT. |
Vấn đề nhân quyền
Nhân quyền là quyền con người (QCN), gồm các quyền tự nhiên bất khả xâm phạm như quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. QCN bao gồm các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội pháp luật phải ghi nhận và bảo vệ.
Ngày 10-12-1948, tại Pari (Pháp), Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền. Tuyên ngôn kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết bảo vệ hòa bình nhân loại. Bộ luật Nhân quyền Quốc tế gồm: Tuyên ngôn Nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và 02 Nghị định thư không bắt buộc I và II.
Vấn đề hàng đầu mà Tuyên ngôn Nhân quyền ngày 10-12-1948 khuyến nghị cộng đồng quốc tế phải thực hiện là bảo đảm “tự do, công lý và hòa bình”, thì vấn đề quyền tự do trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trước 3 năm (năm 1945). Với tầm nhìn vượt thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt dân tộc Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị QCN và cam kết thực hiện QCN trước cộng đồng quốc tế ngay trong ngày Tuyên bố thành lập nước.
Thế nhưng, các đánh giá, nhận định về Nhân quyền và việc thực thi QCN ở Việt Nam của một số nước phương Tây, đặc biệt Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trước nay thường mang tính chủ quan, xuất phát từ thiên kiến (!).
Báo cáo Nhân quyền năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Việt Nam dài 48 trang (gồm 07 phần) nhận định nhiều lĩnh vực; trong đó, có vấn đề về nội bộ của Đảng và Nhà nước Việt Nam (?!). Nhận định về QCN trên các khía cạnh rất thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác (thậm chí sai lệch) về Việt Nam.
Trước Báo cáo Nhân quyền năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam ghi nhận Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các tiến triển tích cực của Việt Nam trong việc bảo vệ QCN. Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”…
“Ăn theo” nhận định sai lệch về Nhân quyền, QCN ở Việt Nam, các tổ chức thù địch, phản động, số đối tượng cực đoan lưu vong ở nước ngoài sẵn lòng thù hận dân tộc Việt Nam đã “té nước theo mưa”, lu loa các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Nhà nước Việt Nam rất thâm độc!
|
Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học về vấn đề Nhân quyền và thực thi Nhân quyền ở Việt Nam. Ảnh KT. |
Việt Nam với việc thực thi Nhân quyền
Cần nhận thức: “QCN là giá trị phổ quát của nhân loại và đã được các quốc gia trên thế giới thừa nhận, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhìn nhận, đánh giá về QCN, quyền công dân của một quốc gia nào đó cần khách quan, toàn diện gắn với thể chế chính trị, lịch sử, văn hóa truyền thống và tình hình KT-XH của quốc gia đó. Không xem xét, nhận định QCN, quyền công dân theo kiểu “thầy bói xem voi”, không chỉ vài hiện tượng bên ngoài mà đánh giá thành bản chất. Vì cách nhìn nhận hẹp hòi, thiên kiến như vậy có thể tạo ra mâu thuẫn, xung khắc giữa chủ thể nhận định, đánh giá và đối tượng bị nhận định, đánh giá; từ đó gây bất lợi cho việc củng cố mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển giữa các quốc gia trên thế giới”.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tiếp cận QCN rất sớm. Nhìn lại lịch sử, trước năm 1945, người dân Việt Nam không được hưởng các quyền công dân, QCN. Sau Cách mạng tháng Tám (1945); đặc biệt, sự kiện ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh QCN chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc. Quốc hiệu Việt Nam từ khi thành lập nước đến nay nhất quán một khẩu hiệu: “Độc lập -Tự do-Hạnh phúc”. Nghĩa là mục tiêu trước sau của dân tộc Việt Nam kiên trì thực hiện là bảo đảm dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.
Những năm khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn cố gắng chăm lo cuộc sống mọi mặt của người dân. Bởi đó là bản chất, là mục tiêu nhất quán của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung (từ Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013), QCN và quyền công dân của nước CHXHCN Việt Nam luôn được hiến định. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã thiết kế một chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II với 36 Điều, từ Điều 14 đến Điều 49). Đây là một trong những bước phát triển lớn nhất trong tư duy, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về QCN. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Cũng từ Hiến pháp năm 2013, chữ “Nhân” trong “Nhân dân” được viết hoa để nhấn mạnh vị trí, vai trò quyết định của Nhân dân trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp 2013 cũng quy định: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
|
Việt Nam trong vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ. Ảnh TL |
Nhiều năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung một số Luật, Bộ luật đảm bảo các QCN như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Trẻ em, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...
Việc ĐHĐ LHQ đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 là sự ghi nhận những nỗ lực thành công của Việt Nam trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, QCN, quyền công dân.
Những kết quả Việt Nam đạt được đã làm cho nhân quyền ở Việt Nam trở thành tài sản chung của xã hội, được LHQ và nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế, chuyên gia trên các lĩnh vực đánh giá rất cao. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, việc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam bằng mọi biện pháp bảo vệ tính mạng con người trước đại dịch Covid-19 đã khẳng định rõ ràng về thành tựu, chủ trương nhất quán, toàn diện này. David Hutt - nhà báo phụ trách chuyên mục Ðông Nam Á, vốn thiếu thiện chí với Việt Nam cũng đã phải thừa nhận trên BBC: “Trong khủng hoảng vừa qua do đại dịch virus corona, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động có trách nhiệm, đặt người dân làm mối quan tâm hàng đầu… Phản ứng của Chính phủ Việt Nam với đại dịch Covid-19 gần giống như những cái mà chính trị thật sự nên làm”.
Một thực tế nữa mà bất cứ quốc gia, các tổ chức quốc tế phải thừa nhận đó là tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống mọi mặt của người dân Việt Nam sau 46 năm thống nhất đất nước đã thay đổi vượt bậc. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, GDP Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm; văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được chăm lo…
Với những nỗ lực và thành tựu này, vấn đề về Nhân quyền và thực thi QCN ở Việt Nam phải được quốc tế thừa nhận và phải được đánh giá trung thực…
THẠCH TÂM