(LĐ online) - Sáng 10/7, lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.
(LĐ online) - Sáng 10/7, lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.
Lễ phát động chiến dịch do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành tổ chức tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố và 7 quân khu trong toàn quốc nhằm huy động sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và Nhân dân cả nước.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng được tổ chức ở Hội trường Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, có đồng chí Trần Đức Quận – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Văn Hiệp –Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo và tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh; đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bênh viện II Lâm Đồng.
|
Đồng chí Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy tham dự lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc tại điểm cầu Lâm Đồng |
Mục tiêu bao phủ vắc xin cho 70% người dân
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát động Chiến dịch cho biết: Bộ Y tế đã hết sức cố gắng tìm kiếm, đàm phán nguồn vắc xin phòng Covid-19. Kết quả, đã có hơn 100 triệu liều vắc xin trong năm 2021 và hướng tới 150 triệu liều cuối năm 2021 và năm 2022.
Hôm nay, Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong công tác tiêm chủng luôn quán triệt đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, mục tiêu “tiêm đến đâu an toàn đến đó"… Chiến dịch lần này triển khai trên quy mô lớn đảm bảo tiêm chủng 150 triệu liều vắc xin mà Việt Nam đã và đang đàm phán để đặt mua từ nay đến tháng 4/2022 để tiêm cho người dân, nhằm làm tăng độ bao phủ vắc xin với người dân để đạt miễn dịch công đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chúng ta đặt mục tiêu đạt được bao phủ vắc xin cho 70% người dân. Mục tiêu này ngay từ đầu đã được đặt ra đối với tất cả những người trên 18 tuổi. Sau khi tính toán, Bộ Y tế đã trình Bộ Chính trị, Chính phủ Nghị quyết về vấn đề tiêm vắc xin. Việt Nam đang cố gắng để mua 150 triệu liều vắc xin tiêm cho người dân. Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vắc xin toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11/2020, có những cam kết thoả thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay chúng ta mới có vắc xin. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021. Tuy nhiên, sau tháng 9/2021, lượng vắc xin về Việt Nam sẽ nhiều, vì thế chúng ta đặt ra là tăng độ bao phủ với người dân.
Đây chính là lý do tại sao Nghị quyết của Chính phủ lại quy định về ưu tiên tiêm vắc xin, trước hết ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cho những địa phương có dịch và những địa bàn tuyến đầu về phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo đạt được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng chính là ưu tiên của chiến dịch tiêm chủng vắc xin ở nước ta và đồng thời chúng ta cũng phải quan tâm đến tất cả các đối tượng tiêm chủng. Tiêm chủng trong Chiến dịch là hoàn toàn miễn phí đối với tất cả người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Mục tiêu lớn nhất của Chiến dịch là tổ chức tiêm chủng cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng nhiều nhất, nhanh nhất để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân.
Chiến dịch lần này có nhiều điểm thay đổi so với chương trình tiêm chủng quốc gia lâu nay của nước ta và đã đang thực hiện:
Thứ nhất, vấn đề vận chuyển, phân phối, bảo quản vắc xin. Chúng ta đã thiết lập nên một hệ thống bảo quản hoàn toàn mới dựa vào lực lượng quân đội. Vắc xin sẽ bảo quản tại các kho do Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đã phối hợp thiết lập đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Vắc xin từ đó chuyển tới tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của các địa phương một cách nhanh nhất mà vẫn đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của vắc xin.
Thứ hai, huy động một lực lượng lớn tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm di động, cố định. Chúng ta dựa vào mạng lưới hệ thống y tế cơ sở của dân sự và y tế của quân đội, công an để triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng, từ đó tăng tiến độ bao phủ vắc xin cho Nhân dân.
Thứ ba, đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khoẻ sau tiêm được triển khai trên toàn tuyến. Cùng với đó các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực của điều trị, dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để có thể xử lý mọi việc kịp thời.
Thứ tư, Bộ Y tế đã sửa tất cả các hướng dẫn chuyên môn trên nguyên tắc đảm bảo cho người tiêm.
Thứ năm, phối hợp một cách chặt chẽ và đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng. Đáng lưu ý nhất là ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử” với các thông tin về tiêm chủng như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm… Từ đó hình thành nên mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR Code. QR code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vắc xin” sau này. Với sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng một nền tảng ứng dụng trong tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19.
Thứ sáu, thiết lập giám sát chất lượng vắc xin. Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin đã thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng, hoạt động mang tính chất độc lập tương đối để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng.
Với phương châm làm thế nào để có vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất và an toàn nhất cho người dân là mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế. Thời gian triển khai chiến dịch từ 7/2021 đến 4/2022.
|
Tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tại Lâm Đồng |
Không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vắc xin
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã triển khai kịp thời có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch được Nhân dân ghi nhận và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Từ đầu năm 2020, nhận thức rõ vai trò ý nghĩa chiến lược lâu dài quyết định của vắc xin phòng chống dịch, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo về vấn đề này.
Hôm nay, chúng ta cùng nhau thực hiện nghi lễ quan trọng là phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống đại dịch Covid-19. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể Nhân dân kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết và đưa đất nước trở lại bình thường, để phát triển theo mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Chúng ta có mặt ở đây với cảm xúc rất đặc biệt, đặc biệt của tâm tư và suy nghĩ hướng về TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh nơi Nhân dân đang phải đối mặt với những khó khăn và phức tạp hơn của dịch bệnh; nơi cuộc sống, sinh hoạt đồng bào bị ảnh hưởng do các biện pháp phong tỏa, giãn cách để chống dịch; nơi chúng ta cần thể hiện tấm lòng đoàn kết và sự chia sẻ hơn bao giờ hết; nới chúng ta cảm nhận sự bao dung nhân ái, cảm thông và không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vắc xin.
Không chỉ đất nước ta mà cả thế giới không thể lường trước được diễn biến khốc liệt, khó lường, khó dự đoán của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là sự xuất hiện biến thể delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và gia tăng tốc độ phức tạp khó kiểm soát hơn. Vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện chiến lược vắc xin. Chiến lược vắc xin tập trung vào các nội dung chính: Nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vắc xin trong nước chủ động và tiêm miễn phí vắc xin cho Nhân dân.
|
Các đại biểu tham dự trực tuyến lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc tại điểm cầu Lâm Đồng |
Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tổng hợp nhiều biện pháp như: Tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để mua, nhập khẩu và nghiên cứu sản xuất vắc xin. Rất mừng, Quỹ ủng hộ vắc xin đến ngày hôm qua (9/7) đã thu được trên 8.000 tỷ ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế và các doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, nguồn cung vắc xin khan hiếm, nước ta thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả nên không thuộc quốc gia ưu tiên cung cấp vắc xin, đây là khó khăn chúng ta trong tiếp cận vắc xin. Nhưng nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành có liên quan trong ngoại giao vắc xin, đặc biệt việc nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể nên chúng ta đã có cam kết được viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trên 100 triệu liều vắc xin trong năm 2021 và việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước đang đạt được bước tiến rất tích cực và rất tiềm năng.
Hiện, cả nước đã tiêm chủng được 4 triệu liều vắc xin và đã tiêm ngay khi vắc xin về nước. Việc sử dụng vắc xin trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng chia sẻ của Nhân dân. Những liều vắc xin đầu tiên về Việt Nam đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vắc xin được phân bổ theo nguyên tắc: Công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt và hiệu quả. Tôi cảm nhận được tình người sâu sắc, sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Nhiều người chia sẻ mong muốn trong lúc này vắc xin chưa có nhiều để dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì, thể hiện được tình cảm đồng chí, đồng bào rất nồng nhiệt, rất ấm cúng và thể hiện tình cảm tương thân tương ái của dân tộc ta. Đó là lý do tại sao những lô vắc xin tháng trước đã được tập trung cho công nhân và Nhân dân vùng dịch Bắc Ninh, Bắc Giang và ở khu vực phía Bắc. Và mới hôm nay, vắc xin được tập trung để tiêm cho nhân dân TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở phía Nam. Ngay trong ngày hôm nay 10/7, có 1,5 triệu liều vắc xin chuyển vào TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận đang có diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Mục tiêu chiến lược vắc xin là tiêm miễn phí hàng năm cho Nhân dân để đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vắc xin cho Nhân dân, từ việc nhập khẩu và tự sản xuất trong nước và mọi người được đảm bảo bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc xin. Thực hiện tiêm chủng miễn phí cho Nhân dân đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả.
Trong mấy tháng vừa qua là giai đoạn khởi đầu, tích lũy và rút kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai tiêm chủng trên diện rộng. Và hôm nay, chúng ta chính thức phát động Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, chúng ta phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt, trong đó Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các ngành, các địa phương có liên quan, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt trong thời gian tới lượng vắc xin về nhiều, chúng ta cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả nhất cho Nhân dân.
Để thực hiện Chiến lược tiêm vắc xin, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của Nhân dân, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm cao thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc xin hàng năm để phục vụ nhân dân. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể Nhân dân để chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng ta không chủ quan, mỗi chúng ta thực hiện thông điệp “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” và “Thương người như thể thương thân”.
Thủ tướng gởi lời cảm ơn tất cả lực lượng tuyến đầu chống dịch và tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin toàn quốc. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, chúng ta càng đoàn kết, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng để thực hiện thành công Chiến dịch tiêm chủng vắc xin. Chúng ta có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh mang lại bình an, sức khỏe cho Nhân dân và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
AN NHIÊN