(LĐ online) - Chiều nay, 27/8, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí Trần Đức Quận – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Văn Hiệp –Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
(LĐ online) - Chiều nay, 27/8, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí Trần Đức Quận – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Văn Hiệp –Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự tại đầu cầu tuyến tỉnh có các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Tư pháp và Ban quản lý các khu công nghiêp tỉnh. Tại các điểm cầu tuyến huyện, thành phố tham dự có Bí thư, Chủ tịch, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện, thành và Chốt trưởng các chốt kiểm soát phòng dịch tại địa bàn.
|
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận phát biểu chỉ đạo hội nghị |
* BÁO CÁO VỀ 2 CHÙM CA BỆNH COVID-19
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 tại địa bàn tỉnh. Đến 12 giờ ngày 27/8 đã ghi nhận tổng số 234 ca Covid-19, hiện đang điều trị 123 ca, ra viện 110 ca.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 chùm ca bệnh. Đó là, chùm ca bệnh tại Công ty Sợi Đà Lạt: Từ ngày 5/8, thành phố Đà Lạt xuất hiện dịch Covid-19 tại 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành liên quan đến 3 ca bệnh đầu tiên là công nhân của công ty Sợi Đà Lạt (thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt). Ngày 26/8 ghi nhận 4 ca mắc mới là nhân viên Công ty Sợi đã cách ly tập trung từ trước với thời gian đã cách ly 21 ngày. Đến 7 giờ ngày 27/8 đã ghi nhận 150 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, tại Trạm Hành là 87 ca, Xuân Trường 44 ca, Phường 8 có 2 ca, Đơn Dương 17 ca. Trong đó: Nhân viên, công nhân công ty 58 ca, lây nhiễm thứ phát 92 trường hợp. Tổng số đã truy vết 754 F1 và 1.998 F2 tại xã Xuân Trường, Trạm Hành và huyện Đơn Dương. Tổ chức 3 đợt xét nghiệm cộng đồng tại 2 xã Trạm Hành, Xuân Trường lấy 28.870 mẫu xét nghiệm, phát hiện 150 ca dương tính.
Chùm ca bệnh tại nhà xe Như Vinh: Từ ngày 23/8, lái xe chở hàng của nhà xe Như Vinh (Khu phố Nghĩa Đức, Thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương) xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, có kết quả xét nghiệm dương tính. Tính đến 12 giờ ngày 27/8 đã ghi nhận 7 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 (có 6 trường hợp F1 chuyển thành F0). Tổng số đã truy vết 168 F1 và 865 F2, đã lấy mẫu xét nghiệm tất cả 168 F1 và 862 F2, ghi nhận 6 ca F1 chuyển thành F0. Xét nghiệm sàng lọc 954 người bằng test nhanh và RT-PCR tại các điểm nguy cơ (chợ, cây xăng, công ty) của Đơn Dương.
Liên quan tới 1 trường hợp là nhân viên Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương đến sáng ngày 27/8 đã truy vết được 78 F1 và 541 F2 (trong đó có 25 F1 và 80 F2 là nhân viên y tế).
Toàn tỉnh hiện đang cách ly 4.600 người, trong đó: Cách ly tại cơ sở y tế 180 người, cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh 1.420 người, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú 3.000 người.
Qua 4 giai đoạn phòng, chống dịch bệnh, đã tiến hành lấy 117.696 mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime-PCR, kết quả 630 mẫu dương tính/234 bệnh nhân dương tính.
Triển khai 80 điểm thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, từ ngày 18/7/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm cho 4.051 lái xe, phụ xe tải hàng hóa đường dài.
Xét nghiệm cộng đồng tại các chợ, nơi công cộng... huyện, thành phố từ ngày 02/8/2021 đến nay là 36.854 lượt người. Trong đó tại Đà Lạt là 18.328 lượt người, huyện Đơn Dương là 1.797 lượt người, các huyện và thành phố Bảo Lộc là 16.355 lượt người.
|
Toàn cảnh hội nghị |
* NGUY CƠ DỊCH RẤT CAO VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Lâm Đồng do vị trí địa lý giáp ranh với các tỉnh có số ca mắc liên tục tăng cao như TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An… và các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đang siết chặt các biện pháp tăng cường. Mặt khác tại các tỉnh này có nhiều người dân tỉnh Lâm Đồng sinh sống, học tập và làm việc nên trong thời gian tới người dân tại các tỉnh này sẽ tiếp tục đi về tỉnh Lâm Đồng nhiều, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm và lan rộng vào tỉnh Lâm Đồng là rất cao. Bên cạnh đó, sự giao thương từ các tỉnh, thành phố phát sinh nên bộ phận các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài là nguyên nhân, là mối nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh vào địa bàn tỉnh khi đi qua các tỉnh vùng dịch về địa phương.
Một số giải pháp trong thời gian tới: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, đầy đủ, quyết liệt, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn để đảm bảo “Mục tiêu kép” trên địa bàn tỉnh.
Quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về từ các địa phương, khu vực, địa điểm có dịch: Thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với tất cả các trường hợp đi về từ Thành phố Hồ Chí Minh, từ các vùng đang phong tỏa và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16; đặc biệt chú ý các địa phương lân cận với tỉnh ta hiện đang có dịch như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Đắk Nông và Thành phố Hồ Chí Minh…lấy mẫu xét nghiệm ngày 1, ngày 7, ngày 14 (âm tính) chuyển theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm ngày 28.
Thực hiện cách ly y tế tại nhà 14 ngày đối với tất cả các trường hợp đi về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15.
Kích hoạt toàn bộ các khu cách ly tập trung (kể cả các khu cách ly tập trung có thu phí) theo các quyết định của UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Giám sát chặt chẽ người bệnh về từ TP.Hồ Chí Minh và xem như F0, các địa phương hỗ trợ xe chuyên dụng đón và chuẩn bị cách ly kịp thời theo quy định, sử dụng trang phục phòng hộ cấp 4 (màu trắng).
Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… cho 10 Khu điều trị Covid-19 (20 giường bệnh/huyện) tại 10 huyện với 200 giường bệnh (rà soát nâng lên 50-100 giường bệnh/huyện); đưa vào hoạt động 2 Khu điều trị Covid-19 với 500 giường bệnh tại khu vực phía Bắc và phía Nam của tỉnh (chuyển công năng sử dụng Bệnh viện Nhi tỉnh thành khu điều trị bệnh nhân Covid-19 công suất 300 giường điều trị; 1 khu nhà riêng biệt tại Bệnh viện II Lâm Đồng với 200 giường điều trị) theo Quyết định số 1893/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi sẽ chuyển về Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng.
|
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận báo cáo tình hình dịch Covid-19 tại Lâm Đồng |
Triển khai thực hiện Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng.
Thành lập Bệnh viện dã chiến (tại Trung đoàn 994) công suất 300 -500 giường bệnh; huy động các sở, ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng chống dịch. Khi ca bệnh lan rộng ra cộng đồng, có trên 600 người mắc thì huy động, tận dụng các cơ sở trường học... để thành lập bổ sung các Bệnh viện dã chiến, mặc khác, thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng để kịp thời cấp cứu bệnh nhân nặng.
Nâng công suất xét nghiệm tại Trung tâm Y tế huyện Di Linh, Lâm Hà và các cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2 ngoài 3 đơn vị đã được Bộ Y tế công nhận, để đáp ứng với các cấp độ dịch so với diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tăng cường công tác quản lý tại các Chốt kiểm soát phòng chống dịch: Các chốt kiểm dịch y tế trên địa bàn tăng cường công tác kiểm soát người đi/về từ vùng dịch, yêu cầu tất cả các trường hợp đi, về từ vùng dịch khi vào tỉnh Lâm Đồng bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Trường hợp không có kết quả xét nghiệm thì không cho vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Yêu cầu lái xe, phụ xe khai báo lịch trình di chuyển; sau khi tiếp nhận thông tin khai báo lịch trình di chuyển của lái xe, phụ xe thì lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng công an, dân quân tự vệ và thanh niên tình nguyện... tại các Chốt kiểm soát dịch báo về UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để thực hiện việc giám sát phòng, chống dịch bệnh đối với lái xe, phụ xe theo quy định.
Yêu cầu tất cả những người di chuyển qua Chốt kiểm soát dịch bắt buộc phải có sử dụng app Tờ khai y tế/Vietnam Health Declaration và vào mục “Khai di chuyển nội địa” để thực hiện khai báo y tế; hoàn thành khai báo trước khi qua chốt kiểm soát (lập tờ khai vào thời điểm trước khi đi, có thể xuất trình tờ khai trực tiếp trên app điện thoại hoặc bản in ra giấy).
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại Cảng hàng không Liên Khương, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nhập cảnh; tăng cường quản lý người nhập cảnh lưu trú tại các địa phương, không để nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng.
Đẩy mạnh phát huy vai trò, hoạt động giám sát, truy vết của các Tổ Covid-19 cộng đồng, tuyệt đối không bỏ sót các trường hợp từ nơi khác trở về địa phương; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và giám sát y tế đối với người hết thời gian cách ly tập trung trở về địa phương; khoanh vùng xử lý ngay khi có trường hợp mắc bệnh xuất hiện, quyết liệt truy vết các trường hợp F1, F2 và áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định.
Tăng cường xét nghiệm sàng lọc chủ động với các đối tượng có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu vực chợ, siêu thị; các địa điểm du lịch, các bến xe, nhà ga, cảng hàng không; các cơ sở dịch vụ giải trí và các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người và các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp...
Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 các đợt tiếp theo trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Văn bản chỉ đạo số 6136/UBND-VX3 ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đội ngũ giáo viên của tỉnh nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch chuẩn bị cho năm học mới; đồng thời ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, lao động tại các công trường, nhà máy, cơ sở sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận đã phát biểu chỉ đạo hội nghị: Qua 1 tháng 23 ngày đợt 4 chống dịch Covid-19 tại Lâm Đồng, công tác chỉ đạo thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, đến giờ cơ bản chúng ta kiểm soát tốt, được Nhân dân, các ngành, các cấp đánh giá cao về công tác phòng chống dịch. Nhưng chúng ta chưa yên tâm được vì nguy cơ cao rình rập, nhất là ở các đối tượng đội ngũ lái, phụ xe, một số người từ vùng dịch về. Thực tế đã diễn ra trên địa bàn, các biện pháp chống dịch tỉnh đã có nhiều văn bản, từng ngành, từng cấp có văn bản chỉ đạo thực hiện. Vì nguy cơ quá cao, do dịch ở các tỉnh phía Nam hàng ngày con số mắc quá cao, chưa giảm được thì làm sao Lâm Đồng yên tâm, nếu chúng ta sơ xuất một chút là dịch bệnh sẽ phát sinh ngay. Do dịch quá nguy hiểm nên chúng ta tiếp tục xem xét phát huy mặt mạnh và rút kinh nghiệm hạn chế, khắc phục lỗ hổng trong công tác phòng dịch trên địa bàn tỉnh, hạn chế ngay trong công tác chủ quan, không phải từ khách quan tác động.
* MỤC TIÊU KIÊN TRÌ BẢO VỆ VÙNG XANH, TỪNG PHÚT, TỪNG GIỜ
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Mục tiêu chống dịch tại Lâm Đồng là kiên trì bảo vệ vùng xanh, từng phút, từng giờ. Nhiệm vụ đầu tiên là ưu tiên phòng chống dịch. Khâu tổ chức thực hiện hết sức quan trọng, đề nghị các đồng chí nghiên cứu chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh, sáng tạo như Đạ Tẻh thì quá tốt, nghiên cứu cho thật tốt và đề nghị các đồng chí bí thư cấp ủy hàng ngày tập trung chỉ đạo cả hệ thông chính trị vào cuộc. Phải xem xét có giải pháp lấp sơ hở, phải vận động toàn dân tham gia, bởi người dân quyết định chiến thắng trong phòng chống dịch Covid-19, mặt trận đoàn thể vào cuộc, mô hình người dân tự quản, nhằm mục tiêu phát hiện kịp thời, phong tỏa, truy vết, điều trị không để dịch lây lan, bảo vệ vùng xanh. Phải sâu sát cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đời sống của người dân ở cơ sở. Những vướng mắc địa phương chủ động xem xét hết mọi khía cạnh để xử lý tình huống ngay.
Chuẩn bị ngay bây giờ các điều kiện phòng chống dịch nhanh nhất, cao nhất. Việc đón thai phụ phải thận trọng chuẩn bị kỹ càng nếu đảm bảo đủ điều kiện thì đón về, tính toán đảm bảo phòng dịch và các điều kiện thật kỹ phải đảm bảo không để dịch phát sinh. Đồng thời quản lý F0, F1 sau khi hết cách ly chặt chẽ, thực tế 4 F1 cách ly đến 21 ngày mới phát hiện dương tính với SAR-CoV-2 nên không chủ quan được, nếu chủ quan dễ bùng dịch nên phải có kế hoạch, xác định rõ, thực hiện tốt nhiệm vụ. Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi các đồng chí bí thư, chủ tịch các cấp cố gắng hàng ngày trao đổi bàn bạc thống nhất chỉ huy, từng ngày trao đổi thống nhất nội dung để thực hiện, đồng lòng để chiến thắng đại dịch, bảo vệ vùng xanh.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp phát biểu kết luận hội nghị |
* NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp phát biểu kết luận: tỉnh Lâm Đồng xếp vào nguy cơ và đang chuẩn bị tình huống nguy cơ rất cao nên phải làm thực sự, xã, phường, cơ quan nhà máy, người dân là pháo đài, trong đó, người dân là quan trọng nhất, thành công hay không là do Nhân dân. Sau 21 ngày, Xuân Trường, Trạm Hành tiếp tục 7 ngày giãn cách xã hội. Đề nghị phải đảm bảo các vùng xanh, xanh thật, có cách làm thật chứ không trưng bảng vùng xanh là xanh, bây giờ làm thật. Đề nghị vai trò thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh vào cuộc và không có chuyện làm thí điểm.
Đối với Đà Lạt, điều kiện dịch tễ rất phức tạp, lãnh đạo tỉnh mong các đồng chí lãnh đạo thành phố làm tốt hơn nữa để bảo vệ Đà Lạt. Người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tới: Kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; tuyệt đối không được tự mãn với kết quả phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch cấp tỉnh, cấp huyện;
Huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân và các đoàn thể chính trị xã hội tham gia chống dịch; bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả; các cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch cấp huyện phải mời các Phó Chủ tịch UBND huyện và các thành phần khác có liên quan tham dự.
Tiếp tục quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về từ các địa phương, khu vực, địa điểm có dịch, chú ý: Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Tiếp tục tăng cường giám sát, xét nghiệm định kỳ cho lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa; bố trí nơi lưu trú tập trung cho lái xe, phụ xe; tuyệt đối không để lái xe, phụ xe về khu dân cư, sinh hoạt cùng gia đình; kiểm soát chặt việc lưu trú của các lái xe sau khi về địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp lái xe, phụ xe không thực hiện công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các chợ, siêu thị, khu vực có nguy cơ cao; duy trì lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại các địa điểm trên nhằm kịp thời phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng (nếu có); không để dịch bệnh lây lan ngoài tầm kiểm soát.
Nhanh chóng hoàn thành và đưa Bệnh viện dã chiến vào hoạt động để tiếp nhận các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; trường hợp cần thiết, huy động, tận dụng các cơ sở trường học,... để thành lập bổ sung các Bệnh viện dã chiến. Thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng để kịp thời cấp cứu bệnh nhân nặng.
Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai ngay việc tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh khi tiếp nhận lượng vắc xin lớn; trong đó, ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho năm học mới.
Xây dựng phương án tổ chức đưa phụ nữ mang thai có nguyện vọng về địa phương, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. UBND các huyện, thành phố cần bố trí đầy đủ khu cách ly tập trung để thực hiện cách ly y tế theo quy định.
Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bước vào năm học mới an toàn, đúng kế hoạch đề ra.
Kiểm tra, chấn chỉnh việc việc bố trí, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “1 cung đường 2 điểm đến” tại địa điểm lưu trú tập trung đảm bảo an toàn theo quy định.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch hỗ trợ nông sản, rau củ quả cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin về việc thu hồi bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đối với Nhân dân, cán bộ huyện Đơn Dương do không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn để phát sinh ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đồng thời, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà và ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh do vi phạm các quy định về phòng chống dịch trên địa bàn.
AN NHIÊN