Nỗi đau chất độc da cam

06:08, 10/08/2021

(LĐ online) - Chất độc da cam/dioxin: Là cụm từ được dùng để nhấn mạnh độc tính của chất độc da cam. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng nó nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng.

(LĐ online) - Chất độc da cam/dioxin: Là cụm từ được dùng để nhấn mạnh độc tính của chất độc da cam. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng nó nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng.
 
Nỗi đau chất độc da cam (CĐDC)
 
Năm 1961, trước phong trào nổi dậy mãnh liệt của nhân dân miền Nam, Tổng thống Mỹ J. Kennedy chủ trương sử dụng chất độc hóa học (CĐHH) ở chiến trường Việt Nam. Các chỉ huy quân sự Anh - những người đã tiến hành rải chất độc hóa học ở Malaysia những năm 50 - được mời làm cố vấn cho quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Khoảng 15 loại hóa chất được sử dụng với khối lượng lớn, nồng độ cao, biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc. 
 
Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chỉ riêng khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, khối lượng chất da cam rải xuống đây khoảng 434.812 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11 kg trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970. 
 
CĐDC đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết; hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, … nên đời sống vật chất, tinh thần gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; mang lại gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đặc biệt, CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. 
 
Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC. Theo Đô đốc Elmo Zumwalt - nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ ở Việt Nam (1968 - 1970), có ít nhất 2.100 binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm CĐDC. Theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc, có khoảng 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó hơn 20 nghìn người đã chết.
 
CĐHH mà Mỹ rải xuống Việt Nam đã làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề; các hệ sinh thái bị đảo lộn, chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn. Một số loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác, phía Đông Bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, Cà Mau bị phá hủy nặng nề,… Hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra đối với nhân dân Việt Nam hết sức thảm khốc.
 
Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai, mà là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà là “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; qua đó góp phần phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
Xoa dịu nỗi đau chất độc da cam
 
Trước hậu quả nặng nề, đau thương do chiến tranh hóa học gây ra, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp khắc phục hậu quả CĐHH; coi đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài. Tháng 10-1980, Chính phủ thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả chất CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia; ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng CĐHH; đề ra mục tiêu 100% người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con cháu của họ bị di chứng bởi CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, mức trợ cấp chính của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH gần bằng mức trợ cấp của bệnh binh. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định lấy ngày 10-8 hằng năm là Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả đối với môi trường đã được triển khai đồng bộ, toàn diện. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị góp phần khẳng định tác hại, hậu quả của CĐDC/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người.
 
Hội nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 10-01-2004. Trải qua 17 năm hoạt động và phát triển, với 4 kỳ đại hội, Hội đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt nhiều kết quả quan trọng, xây dựng và phát triển tổ chức hội (63/63 tỉnh, thành phố, 612 huyện, quận, 6.722 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên); công tác vận động nguồn lực được gần 2.700 tỷ đồng, riêng nửa đầu năm nay, dù tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Hội vẫn vận động được trên 220 tỷ đồng); công tác tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam và tổ chức các hoạt động khoa học,… đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Những việc làm của Hội đã góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh hoá học; chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.
 
Trong công cuộc khắc phục hậu quả CĐDC, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác của cộng đồng quốc tế. Cùng với việc phối hợp, hợp tác nghiên cứu, đánh giá tác hại của CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, chính phủ và nhân dân nhiều nước, nhiều tổ chức và cá nhân ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Anh đã có sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân. Hiện nay, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đang phối hợp với Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Tư lệnh Hóa học xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng CĐHH.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là: Việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch...của Đảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả CĐHH ở một số địa phương chưa thường xuyên, kịp thời, nhất là ở cơ sở; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về hậu quả CĐHH, về thảm họa da cam chưa thường xuyên, liên tục; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước thành các chính sách, chế độ cụ thể và hướng dẫn thực hiện ở các cấp, các ngành chưa đồng bộ; chưa kịp thời bổ sung, chỉnh sửa danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH; còn nhiều người chưa được giám định, hoàn chỉnh hồ sơ để được hưởng chính sách; việc huy động nguồn lực khắc phục hậu quả CĐHH và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân còn gặp khó khăn; cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa có sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội NNCĐDC/dioxin hoạt động; công tác tham mưu, phối hợp của các cấp hội có lúc, có việc chưa kịp thời; hoạt động của tổ chức hội ở một số nơi chưa thiết thực, chưa thu hút đông đảo hội viên và nhân dân tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân;…
 
Tiếp tục giải quyết hậu quả chất độc da cam
 
Việc khắc phục hậu quả CĐDC là một công cuộc dai dẳng, kéo dài; có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học. Đó không chỉ là vấn đề đối nội, mà còn là vấn đề đối ngoại tế nhị. Không chỉ xử lý một “món nợ” trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, mà còn tạo ra một nhân tố tích cực cho sự phát triển quan hệ hai nước. Không chỉ giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học, mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học, bảo vệ hòa bình thế giới. 
 
Trên tinh thần đó, ngày 14-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, tạo chuyển biến vững chắc, toàn diện đối với công tác khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh, thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: (1) Tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tình hình mới. (2) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng các cấp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân CĐDC; bảo đảm chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đúng đối tượng được thụ hưởng. (3) Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức hội và xây dựng đội ngũ cán bộ Hội NNCĐDC/dioxin các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. (4) Tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh. (5) Tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế. 
 
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ song sự khốc liệt vẫn hiện hữu trong không ít gia đình bởi di chứng CĐHH do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam. Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC; tăng cường công tác khắc phục hậu quả CĐHH sau chiến tranh, giúp nạn nhân CĐDC vơi bớt khó khăn, bệnh tật và nghèo khó, từng bước hòa nhập cộng đồng. Đồng thời cũng là dịp để tiếp tục lên án tội ác do chiến tranh hóa học mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, góp phần ngăn chặn, không để xẩy ra chiến tranh hóa học đối với bất cứ nơi nào trên thế giới. 
 
 VĂN NHÂN