Thu hồi tài sản tham nhũng vừa là mục tiêu vừa là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Một vụ việc, vụ án tham nhũng chưa thể được coi là xử lý triệt để nếu chưa thu hồi được hết tài sản tham nhũng.
Thu hồi tài sản tham nhũng vừa là mục tiêu vừa là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Một vụ việc, vụ án tham nhũng chưa thể được coi là xử lý triệt để nếu chưa thu hồi được hết tài sản tham nhũng.
Thu hồi tài sản tham nhũng phải đạt trên 90%
Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, vừa qua Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã ban hành Kế hoạch số 14 ngày 14/7/2021 để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện nội dung này.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải đạt trên 90%; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do các địa phương khác ủy thác thi hành án phải đạt trên 70%. Theo đó, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ tự đề ra chỉ tiêu phấn đấu của cả giai đoạn 2021- 2025 và chỉ tiêu cụ thể cho từng năm nhưng không được thấp hơn chỉ tiêu chung của toàn tỉnh. Hàng năm, phải xây dựng kế hoạch để thực hiện việc thu hồi đối với từng vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế tại ngành, địa phương mình để đảm bảo chỉ tiêu đề ra.
Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trong các hội nghị giao ban định kỳ giữa Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Huyện ủy, Thành ủy với các cơ quan tố tụng cùng cấp, cần đưa công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng ra trao đổi, đánh giá và bàn bạc các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Cần chú trọng kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Có thể tổ chức kiểm tra, giám sát chuyên đề hoặc đưa vào thành một nội dung kiểm tra, giám sát trong các cuộc kiểm tra, giám sát chung về công tác phòng, chống tham nhũng hoặc gắn với kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội hàng năm. Qua kiểm tra, giám sát, chỉ ra tồn tại, hạn chế để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Ngoài ra, phải quan tâm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan như thuế, hải quan, các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý, đăng ký đất đai... cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho công tác thu hồi tài sản.
Tăng cường truy tìm, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để phục vụ công tác truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng được xem là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ở tỉnh là Thanh tra tỉnh cần chú trọng xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm, xác minh khi có tố cáo về kê khai tài sản, thu nhập không trung thực khi đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo...
Qua đó, kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi kê khai, giải trình biến động không trung thực, tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, đồng thời cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập theo đề nghị của cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án để phục vụ cho việc truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu được tiến hành trong giai đoạn thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Do đó, hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng phụ thuộc rất nhiều vào kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác này của ngành thanh tra, kiểm tra đảng, công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu ngành thanh tra và ủy ban kiểm tra các cấp trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, không chờ cho đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra, đồng thời phải kiến nghị cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản kịp thời. Cơ quan cảnh sát điều tra cần tiến hành ngay việc điều tra xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản sau khi có quyết định khởi tố điều tra, tạm giam, khám xét, phải coi việc thu hồi tài sản là biện pháp cần được tiến hành song song với việc chứng minh hành vi phạm tội. Điều này giúp ngăn chặn hành vi tẩu tán, chuyển dịch tài sản nhằm trốn tránh việc nộp lại tài sản tham nhũng.
Cơ quan thi hành án dân sự các cấp kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án. Phải giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; theo dõi, xác minh định kỳ các vụ việc chưa có điều kiện thi hành theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành mình, các cơ quan, đơn vị phải tích cực phối hợp, trao đổi thông tin với nhau để truy tìm, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng.
HỒNG LÂM