Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch

04:08, 27/08/2021

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có văn bản yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự tham gia của Nhân dân tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có văn bản yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự tham gia của Nhân dân tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Công văn số 761 ngày 25/8 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định: Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ và tham gia của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. 
 
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, còn có thể kéo dài; tính đến sáng ngày 25/8/2021, Lâm Đồng ghi nhận 226 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Để đạt được hiệu quả cao hơn nữa trong tình hình cấp bách hiện nay, nhằm kiềm chế, kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan rộng trên địa bàn tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
 
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự tham gia của Nhân dân; kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa lãnh đạo, chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” là trung tâm phục vụ, chủ thể phòng, chống dịch. 
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đại dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm; vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.
 
Tiếp tục động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
 
Đồng chí bí thư các huyện ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, dứt khoát, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở, thôn, tổ dân phố cùng với lực lượng khác và Tổ COVID-19 cộng đồng “Bảo vệ vùng xanh” - vùng không có dịch, hướng tới xây dựng những vùng xanh bền vững, nhằm sớm đẩy lùi dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí bí thư các huyện ủy, thành ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt, lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, không nhắc nhở, kiểm tra, giám sát thường xuyên để tình hình dịch bệnh lây lan trên diện rộng, diễn biến phức tạp tại địa phương.
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu, để tập trung điều hành thống nhất, quy định rõ chức năng, phân công nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, mạch lạc, ban hành quy chế hoạt động, ứng trực 24/24 giờ, kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch trên địa bàn; ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, tùy tình hình cần quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.
 
Đối với địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Không để “chặt ngoài, lỏng trong”, tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để lây lan; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly, phân loại kịp thời, phù hợp, hiệu quả người nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định. Bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
 
Đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “bốn tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ưu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, sử dụng tiết kiệm quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính để tập trung phòng, chống dịch; có phương án và sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị vật tư y tế, phương tiện cơ sở khám, chữa bệnh, kịp thời hỗ trợ các địa phương khác khi có yêu cầu.
 
Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi; các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, phục vụ phòng, chống dịch, đời sống Nhân dân và nguyên, vật liệu sản xuất hàng hóa xuất - nhập khẩu; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
 
Đối với các sở, ngành, địa phương cần lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả, kịp thời; đánh giá sơ kết, tổng kết các mô hình: “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, “doanh nghiệp xanh” để đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện và tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình…
 
Đặc biệt, sẽ xử lý, thay thế ngay cán bộ, người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị yếu kém, thiếu trách nhiệm, lơ là, chủ quan, không quyết liệt, vượt quyền, không tuân thủ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch để tình hình dịch bệnh phát sinh, lây lan, diễn biến phức tạp, không kiểm soát được trên địa bàn.
 
Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác. Giao một đầu mối có thẩm quyền ở các cấp chủ động cung cấp thông tin thường xuyên cho người dân về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch. Quan tâm tuyên truyền làm lan tỏa những mô hình tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả của tổ chức và cá nhân. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc, xấu, độc...
 
PV