Cảnh giác với thông tin xuyên tạc, kích động trong phòng chống dịch Covid-19

07:09, 23/09/2021

(LĐ online) - Những ngày qua, cả nước đang phải hứng chịu đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, với sự xuất hiện của biến chủng delta vô cùng nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh chưa từng có...

(LĐ online) - Những ngày qua, cả nước đang phải hứng chịu đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, với sự xuất hiện của biến chủng delta vô cùng nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh chưa từng có, khiến cho dịch bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, nỗ lực, tích cực tập trung nhân lực, vật lực và quyết tâm cao nhất để dập dịch, bảo vệ Nhân dân và đưa cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường mới.
 
Lực lượng y tế tại Bệnh viện II Lâm Đồng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đội ngũ giáo viên. Ảnh: Khánh Phúc
Lực lượng y tế tại Bệnh viện II Lâm Đồng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đội ngũ giáo viên. Ảnh: Khánh Phúc
 
Vậy mà những ngày qua trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã phát tán nhiều thông tin xấu độc, tiêu cực nhằm công kích đường lối, chính sách chống dịch và sự chỉ đạo, điều hành trong phòng chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng cho rằng, Đảng, Nhà nước ta thông tin không đầy đủ về tình hình dịch bệnh (giấu thông tin số lượng ca nhiễm, ca tử vong do nhiễm bệnh), lợi dụng việc Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi ủng hộ chống dịch, họ rêu rao rằng: Đảng, Nhà nước Việt Nam không lo cho dân mà bắt dân phải đóng góp chống dịch; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ là “cấm chợ ngăn sông”, làm hại các doanh nghiệp...; vu cáo dàn dựng các hình ảnh quân đội cứu trợ Nhân dân để che lấp những khó khăn của người dân trong đại dịch Covid-19; phân bổ hỗ trợ vắc xin “không công bằng”; lãnh đạo địa phương “ăn chặn” của người dân…
 
Triệt để khai thác hình ảnh, thông tin phản ánh khó khăn, bức xúc của người dân về nhu yếu phẩm, y tế, hỗ trợ mai táng, ngăn cản di chuyển phục vụ nhu cầu cấp bách, việc đưa quân đội thay cho shipper, xử phạt người vi phạm, hỗ trợ cho người lao động mất việc về quê, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ cho văn nghệ sỹ… để chỉ trích sự yếu kém trong vấn đề an sinh cho người dân vùng dịch, công kích khẩu hiệu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chậm trễ giải ngân các gói cứu trợ, bất bình đẳng trong diện ưu tiên hỗ trợ. Đáng chú ý, thủ đoạn tạo tin giả ngày càng tinh vi, phức tạp; xuất hiện một số đối tượng kích động, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình đòi triển khai các gói hỗ trợ, phản đối công tác phòng chống dịch của chính quyền không hiệu quả.
 
Mới đây, trên không gian mạng xuất hiện bản Google Forms thu thập thông tin “Đăng ký tiêm chủng ngừa Covid-19 (từ 06 đến 12 tuổi)”. Forms thu thập này không có thông tin về đơn vị đứng ra tổ chức tiêm, không rõ địa điểm tiêm và đầu mối liên hệ. Chỉ có các trường dữ liệu yêu cầu thông tin của phụ huynh và trẻ em (năm sinh, số điện thoại, địa chỉ...). Qua theo dõi, xác minh của ngành chức năng cho thấy đây là thông tin giả, ở Việt Nam chưa triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em.
 
Các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 tại chốt đèo Chuối (thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai). Ảnh: Khánh Phúc
Các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 tại chốt đèo Chuối (thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai). Ảnh: Khánh Phúc
 
Lợi dụng chiến dịch tiêm vắc xin, trên một số trang mạng phát tán bài viết “Phân biệt vắc xin” của Thận Nhiên cho rằng, hiện nay, ở Việt Nam đang có các quy ước ngầm, bất thành văn, phân chia xã hội thành hai thành phần: Thành phần được tiêm vắc xin do phương Tây sản xuất và thành phần tiêm vắc xin do Trung Quốc sản xuất; trong đó, được tiêm vắc xin do phương Tây sản xuất là thành phần ưu tiên hoặc may mắn. Những luận điệu này của Thận Nhiên cũng đang được nhiều đối tượng cơ hội chính trị, chống đối lan truyền trên mạng xã hội. Mục đích duy nhất của những luận điệu này là mượn chuyện vắc xin để gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc trong phòng chống đại dịch Covid-19.
 
Chúng ta đều biết rằng, ngay từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, Chính phủ đã sớm xác định phương án và đề ra các kịch bản từ thấp đến cao để kịp thời ứng phó. Hàng loạt văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ được ban hành và nhiều biện pháp phòng chống dịch được triển khai. Cùng với đó, Đảng, Chính phủ và các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19. Các hoạt động phòng chống dịch không chỉ được thực hiện bởi ngành y tế, mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Với mục tiêu rõ ràng “vì sức khỏe của Nhân dân”; “đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết”, với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và của các địa phương được Nhân dân ủng hộ, chung tay thực hiện.
 
Khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, chúng ta đã kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt các khâu từ phát hiện, sàng lọc, truy vết, khoanh vùng và chữa trị, cũng như ổn định tình hình Nhân dân, nghiêm túc thực hiện 5K; chuyển công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 từ phòng ngự sang tiến công. Đặc biệt quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nhất là đã khoanh vùng được các ổ dịch lớn tại nhiều tỉnh, thành và vẫn đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội phù hợp trong tình hình mới. Chúng ta luôn tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta, cùng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, chỉ đạo không biết mệt mỏi của các cấp, các ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh và sự đồng lòng, quyết tâm của Nhân dân cả nước, Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. 
 
Vì vậy, mỗi chúng ta hãy luôn cảnh giác với những thông tin bịa đặt, những luận điệu xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vu cáo Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân. Do đó, mỗi người dân hãy là một “chiến sĩ”, là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. Bình tĩnh, nhưng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch; chỉ tìm đọc thông tin từ các nguồn chính thống; kịp thời phát hiện những thông tin độc hại đang được lan truyền, tán phát để thông báo tới cơ quan chức năng; tin tưởng vào sự chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19. Kiên quyết đấu tranh, vạch trần âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. 
 
LINH KIỀU