(LĐ online) - Chiều 24/9, đồng chí Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ giải pháp giai đoạn 2016-2020,...
(LĐ online) - Chiều 24/9, đồng chí Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ giải pháp giai đoạn 2016-2020, kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ giải pháp giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu kết luận buổi làm việc |
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo; Văn hoá Thể thao và Du lịch, Y tế, Tài Chính, Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoàng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thông tin: Thời gian qua Ban Dân tộc tỉnh đã đôn đốc Phòng Dân tộc các huyện, thành phố tham mưu, phối hợp với ngành chức năng, các xã, thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số quán triệt, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến ngày 23/9 cả tỉnh có 7/280 F0 là người DTTS (chiếm 2,50% F0 trong toàn tỉnh, trong đó: Đơn Dương 3; Đạ Tẻh, Đam Rông, Di Linh, Cát Tiên mỗi nơi 01); các trường hợp F0 đã được UBDT hỗ 500.000 đồng/người (gia đình khó khăn), hiện tất cả F0 đã điều trị khỏi và về lại với gia đình. Đến nay đã hỗ trợ cho 22.350 đối tượng và hộ nghèo, cận nghèo DTTS với số tiền 33.525 triệu đồng.
Ông Võ Văn Hoàng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh báo cáo tại buổi làm việc |
Về tình hình sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2021 tương đối ổn định. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát, không có biến động lớn, các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng trừ nên không gây thiệt hại nhiều đến sản xuất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh làm cho các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh như rau, hoa, cà phê, tiêu, điều… gia súc, gia cầm rớt giá sâu, thậm chí không thể tiêu thụ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc.
Trong 9 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra 2 vụ cháy nhà người DTTS tại huyện Đức Trọng làm 3 căn nhà bị cháy; 2 đợt lốc xoáy làm 8 căn nhà người DTTS bị tốc mái (huyện Di Linh: 6 căn, huyện Đạ Huoai: 2 căn); 1 vụ sét đánh làm 1 người chết tại huyện Đạ Huoai; 8 vụ người đuối nước làm chết 10 người DTTS, trong đó có 8 học sinh (huyện Di Linh: 1, Đức Trọng: 5, Lâm Hà: 2, Đạ Huoai: 1, Đơn Dương: 1)... Ban Dân tộc và các cấp các ngành tại các địa phương đã kịp thời hỗ trợ, động viên để các gia đình phần nào giảm bớt khó khăn lúc hoạn nạn.
Về khó khăn, Phòng Dân tộc thông tin hiện nay trên toàn tỉnh có 61/71 xã vùng đồng bào DTTS đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới. Tuy nhiên qua thăm nắm tình hình, một số xã nông thôn mới vẫn còn thôn đặc biệt khó khăn, đời sống bà con DTTS cũng còn nhiều khó khăn, nhất là về thu nhập, quy hoạch, nhà ở, nước sinh hoạt; đường nội bộ thôn một số nơi vẫn lầy lội vào mùa mưa...Ngoài ra, hiện nay các chương trình, dự án trong vùng đồng bào DTTS được giao cho nhiều ngành quản lý do vậy một số chương trình, dự án còn chồng chéo, dàn trải.
Toàn cảnh buổi làm việc chiều nay |
Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành liên quan phát biểu ý kiến, kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá thời gian qua Ban Dân tộc các cấp có nhiều nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ về công tác dân tộc trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, đời sống người dân ngày một nâng cao, phát triển, cơ sở vật chất trường học, nhà văn hoá, đường sá được nâng cấp, cải thiện rõ rệt; Các hoạt động tôn giáo, văn hoá, tín ngưỡng diễn ra bình thường, bà con tuân thủ theo qui định của pháp luật;…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá hạn chế hiện nay vẫn còn nhiều bà con vùng sâu, vùng có hoàn cảnh khó khăn. Tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao. Các chương trình tạo sinh kế cho bà con vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu tính bền vững. Quy mô sản xuất kinh tế của người đồng bào thiểu số còn nhỏ lẻ, manh mún. Trong công tác dân vận trong vùng đồng bào thiểu số thời gian qua có nhiều cố gắng nhưng một số địa phương còn chưa sâu sát, đơn thư khiếu nại tố cáo còn xảy ra nhiều;…
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh tập trung các giải pháp, nâng cao công tác dân tộc trong thời gian tới. Trước tiên, quan trọng nhất là cùng với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người đồng bào dân tộc thiểu số trước dịch Covid-19. Nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch có cơ hội lây lan trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo Ban dân tộc khẩn trương rà soát, sớm có đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất người dân vùng sâu, vùng xa với các mục tiêu cụ thể, mang tính định lượng, hướng đồng bào thiểu số vào các dòng vốn Nhà nước đầu tư để có được sinh kế, phát triển kinh tế bền vững hơn.
Chủ tỉnh UBND tỉnh nhấn mạnh công tác thẩm định các tiêu chí, xét duyệt đề xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số lên xã nông thôn mới phải thực chất, bền vững. Tuyệt đối không vì thành tích mà dễ dãi trong công tác thẩm định, tham mưu các xã vùng đồng bào đời sống bà con còn khó khăn về thu nhập, nhà ở, nước sinh hoạt, xã có thôn đặc biệt khó khăn…để lên xã nông thôn mới.
Trong phát triển kinh tế, xã hội tại vùng đồng bào thiểu số nếu để xảy ra tình trạng yếu kém kéo dài, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra không đạt, còn để xảy ra điểm nóng, phức tạp về an ninh trậy tự,…thì người đứng đầu UBND cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND tỉnh.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Dân tộc, các sở, ngành liên quan trong các chương trình, dự án trong vùng đồng bào DTTS cần được quy về một đầu mối thống nhất quản lý, tránh đầu tư chồng chéo, dàn trải, đảm bảo nguồn lực phân bổ đúng đối tượng thụ hưởng;…
C.THÀNH