Doanh nghiệp cần điều kiện để thích ứng an toàn

05:09, 16/09/2021

Hao mòn dần bởi gánh nặng kinh tế từ các đợt phong tỏa liên tiếp; nhiều nhà xưởng đóng cửa, một số khác phải cắt giảm sản lượng và các hãng thời trang lên tiếng cảnh báo về tình hình đang "vượt tầm kiểm soát"...

Hao mòn dần bởi gánh nặng kinh tế từ các đợt phong tỏa liên tiếp; nhiều nhà xưởng đóng cửa, một số khác phải cắt giảm sản lượng và các hãng thời trang lên tiếng cảnh báo về tình hình đang “vượt tầm kiểm soát”; trong khi đó, người dân đang ngày càng cảm thấy kiệt quệ là nhận định từ Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 13/9 về tình hình chung của các quốc gia Đông Nam Á trong đại dịch COVID-19. 
 
Tăng cường lượng người dân được tiêm vắc xin, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, bổ sung các biện pháp phòng ngừa và thay vì phong tỏa trên diện rộng, chiến lược mà các các quốc gia này lựa chọn là khoanh vùng, truy vết trong từng khu vực nhỏ. Đây cũng là phương thức để hướng tới việc xây dựng cách sống chung một cách an toàn với dịch bệnh, đồng thời hướng đến việc từng bước hồi phục nền kinh tế mà các quốc gia trong khu vực này đang áp dụng.
 
Nhanh chóng kiểm soát tình hình, khống chế dịch bệnh, tổ chức sản xuất an toàn, đặc biệt là phải giảm ca tử vong do dịch COVID-19 là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo vào cuối tuần qua. Trên nguyên tắc nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh để khôi phục và phát triển kinh tế, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương huy động tối đa nguồn lực để nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh, đưa đất nước sớm trở về trạng thái bình thường mới, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, xã hội”. Nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát; liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất” là một căn cốt và yêu cầu này đã được giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng, hướng dẫn, triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục hoạt động.
 
Trên phương diện phát triển kinh tế, tăng trợ lực và “ô xy” cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất để hồi phục sức khỏe để từng bước trở lại phong độ trước đại dịch được xem là vấn đề căn cốt. Một chương trình phục hồi, thúc đẩy kinh tế một cách toàn diện là vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập, nhất là khi những tổn thất của các doanh nghiệp được đánh giá là rất lớn, chưa hề có trong tiền lệ. Tạo được hành lang trong thích ứng an toàn đối với các doanh nghiệp trong thời kỳ này, có lẽ là rất cần những kháng thể hiệu quả, đến từ các chuỗi vấn đề khác, bao gồm tháo gỡ các rào cản hành chính, tháo bỏ các loại quy định gây ách tắc lưu thông, giảm tối đa các loại chi phí, tăng năng lực tiếp cận vốn, hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó là những chính sách khác về thuế, logistics…
 
YÊN MINH