Trải qua 45 năm thành lập và hoạt động gắn liền với sự phát triển của tỉnh, Công đoàn Lâm Đồng luôn đổi mới tổ chức và hoạt động để phát triển.
Trải qua 45 năm thành lập và hoạt động gắn liền với sự phát triển của tỉnh, Công đoàn Lâm Đồng luôn đổi mới tổ chức và hoạt động để phát triển.
Công đoàn đồng hành tuyến đầu chống dịch COVID-19 |
• 45 NĂM, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
Chính sách khai thác thuộc địa và việc xây dựng Đà Lạt thành thị tứ, trung tâm nghỉ dưỡng ở Đông Dương của thực dân Pháp những năm đầu thế kỷ XIX đã hình thành lực lượng công nhân làm việc trong các công trường, đồn điền, nhà máy của thực dân. Thông qua tổ chức của mình với các tên gọi Công hội đỏ, Hội ái hữu,... lực lượng công nhân ở Lâm Đồng đã góp phần cùng dân tộc Việt Nam viết lên trang sử đấu tranh giành độc lập và chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.
Theo yêu cầu sáp nhập tỉnh, ngày 25/9/1976, Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở thống nhất các Liên hiệp Công đoàn giải phóng tỉnh Lâm Đồng (cũ), tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lâm Đồng lúc bấy giờ đã nhanh chóng tập hợp đông đảo công nhân, viên chức và người lao động (CNVCLĐ) vào tổ chức công đoàn, tuyên truyền giáo dục, giác ngộ cho đội ngũ CNVCLĐ tích cực tham gia khôi phục, phát triển sản xuất, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ở địa phương.
Gắn liền với sự phát triển của tỉnh, trải qua 9 kỳ đại hội và thay đổi tên gọi theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn và phong trào CNVCLĐ trong tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh, đã phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ; đồng thời tuyên truyền, giáo dục và tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
• ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN
Với tinh thần quyết tâm “Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”, Đại hội Công đoàn tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã xác định ba khâu đột phá là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện; Đại diện bảo vệ hiệu quả, chăm lo thiết thực lợi ích đoàn viên.
Theo đó, cán bộ công đoàn các cấp trong tỉnh thường xuyên được đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cũng như kiến thức pháp luật và các kỹ năng hoạt động xã hội, đã tập trung bám sát từng địa bàn, khảo sát, tuyên truyền, vận động người lao động trong các doanh nghiệp gia nhập tổ chức công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở.
Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ cũng được triển khai hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình của mỗi công đoàn cơ sở như hoạt động “Tháng Công nhân”, chương trình “Tết Sum vầy”, “Mái ấm công đoàn”, “Gian hàng nghĩa tình đoàn viên”, “Phiên chợ nhân đạo”,... kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn và cho vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp để ổn định cuộc sống.
Bà Phạm Thị Lệ Dung - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, tính riêng từ đợt dịch COVID-19 thứ thứ 4 bùng phát (cuối tháng 4/2021) đến nay, các cấp công đoàn đã hỗ trợ cho 1.608 đoàn viên, CNVCLĐ với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Tổ chức 122 lượt thăm, động viên, tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch với số tiền gần 864 triệu đồng.
Cùng với đó, các phong trào thi đua yêu nước “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”,... đã thực sự trở thành động lực của mỗi cấp công đoàn và đoàn viên, CNVCLĐ; đồng thời, cũng được các cấp công đoàn điều chỉnh nội dung, hình thức phù hợp, phát huy hiệu quả thông qua các mô hình “Câu lạc bộ chủ tịch công đoàn vì người lao động”, “Câu lạc bộ xây dựng trụ sở xanh - an toàn”, “Tổ An toàn COVID-19”; “Vùng xanh doanh nghiệp”,...
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, ông Hoàng Liên chia sẻ, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho tổ chức công đoàn, nhất là trong việc thu hút, tập hợp đoàn viên, người lao động. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Trung ương và kế hoạch của Tỉnh ủy về “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới”, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn từ tỉnh đến cơ sở cần đổi mới cả tư duy và hành động, nâng cao trình độ và kỹ năng vận động quần chúng, đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn trong tình hình mới; hoạt động công đoàn phải hướng đến phục vụ đoàn viên và người lao động, lấy đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu hoạt động. Quyết tâm “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” xây dựng Công đoàn tỉnh vững mạnh toàn diện, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng.
ĐỨC THIỆM