76 năm trước, ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử vang lên lời Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...
76 năm trước, ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử vang lên lời Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH): “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Sự ra đời của Nước Việt Nam DCCH là thành quả vĩ đại trong lịch sử hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam. Ngày độc lập ấy không chỉ là ước vọng của bao lớp cha anh mà còn thể hiện khát vọng lớn lao của dân tộc, thành quả ấy được tạo nên bởi biết bao xương máu của các lớp cha ông được kết tinh bởi niềm tin tất thắng của dân tộc.
|
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu |
1. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Từ đó trở đi, lần lượt với các bản hòa ước, nước Việt Nam lọt hoàn toàn vào tay thực dân Pháp. Trong bối cảnh ấy, những người con ưu tú của dân tộc, các sỹ phu và Nhân dân yêu nước không cam chịu cuộc sống nô lệ đã đứng lên chống lại quân thù. Cha ông tin vào sức mạnh của dân tộc, tin vào lòng yêu nước của Nhân dân, tin vào con đường cứu nước khi ấy sẽ đưa dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ. Thế rồi niềm tin ấy dần dần phai nhạt bởi biết bao máu đổ, đầu rơi, song con đường để dân tộc thoát kiếp nô lệ vẫn không tìm thấy. Con đường cứu nước và yêu nước của các bậc hoàng đế như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân cũng thất bại. Con đường cứu nước theo con đường của các sỹ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can cũng thất bại. Con đường cứu nước của các lãnh tụ nông dân như Trương Định, Hoàng Hoa Thám cũng thất bại. Và, “tiếng thét Yên Bái” là tiếng thét cuối cùng chấm dứt hẳn các phong trào yêu nước của cha ông để truyền sứ mệnh ấy cho một tổ chức mới với con đường mới: Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có phải cha ông chúng ta không có lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng? Phải chăng cha ông chúng ta khiếp nhược trước quân thù? Không? Suốt mấy thế hệ, cha ông chúng ta lớp nối nhau vào tù, lớp ra pháp trường nhưng rồi “Con đường cách mạng vẫn chông gai” (Nguyễn Thị Minh Khai).
Giữa khủng hoảng về đường lối cứu nước ấy, giữa lúc khủng hoảng về niềm tin gần như lên đến đỉnh điểm thì đã xuất hiện một ánh sáng le lói của niềm tin: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Từ lâu và từ lâu, ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, người ta thì thầm một cái tên, đập nhịp theo trái tim của người ta: Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc ở trong lòng của mỗi người nô lệ” (Nguyễn Văn Nguyễn - Tháng Tám trời mạnh thu).
2. Niềm tin ấy đã đi theo những người cách mạng, những người yêu nước trong đó có những chiến sỹ cộng sản kiên trung trên khắp mọi nẻo đường đất nước, trong nhà máy, công xưởng, ở nơi tù đày. “Chính Đảng của Nguyễn Ái Quốc từ trong lòng người, xuất hiện ra từ ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, hòa lẫn với đất trời Việt Nam… Cách mạng Tháng Tám được nghiền ngẫm, tưởng tượng, mơ mộng, ao ước, hy vọng trong nhà tù, trong trại giam, trong rừng thẳm, trong hang núi. Chết khô, chết đói, chết lạnh, chết súng, chết gươm. Cuộc đời tràn ngập nơi họ nhiều quá nên họ khinh cái chết. Họ phải khinh vào cái chết và đời sống của họ là kỷ luật. Kẻ thù săn bắt, tra tấn, tù đày, giết mòn, giết tại trận. Giết họ thì được nhưng không thể giết được kỷ luật của Đảng họ. Kỷ luật của Đảng Nguyễn Ái Quốc đã thắng tất cả. Họ ở trong trái tim của một anh hùng mãi mãi, vô địch trong thời gian và không gian. Ấy là Nhân dân”. Đó là những dòng cảm xúc của một người trong cuộc, người cũng đã chịu bao tù đày đau khổ, một trong những nhà lãnh đạo giành chính quyền ở Nam Bộ: nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn.
Chính bởi niềm tin ấy mà biết bao nhiêu người yêu nước đã coi khinh cái chết, bởi họ tin rằng rồi đất nước sẽ được độc lập tự do. Trước khi qua đời ở tuổi 27 sau khi chịu cực hình tra tấn của thực dân Pháp, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Cũng chính niềm tin ấy mà Tổng Bí thư thứ Hai của Đảng Lê Hồng Phong trước khi trút hơi thở cuối cùng ở nhà tù Côn Đảo đã nhắn nhủ: “Tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng” v.v…
Kể từ năm 1858 đến 1945 là 87 năm, 87 năm với lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc đã là dài, nói chi với hữu hạn của đời người, 87 năm là 4 thế hệ. Xưa nay, có vay thì có trả đó là lẽ công bằng, nhưng những khổ đau, mất mát của dân tộc chúng ta gần 90 năm ấy mãi đến ngày 2/9/1945 mới được thanh toán “cả vốn, lẫn lời” (Vương Hồng Sển).
Niềm tin vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tin vào một tổ chức sẽ mang lại độc lập tự do cho dân tộc đã thôi thúc và truyền thêm sức mạnh cho những lớp người Việt Nam khi ấy vùng lên. Nếu không có niềm tin chắc chắn cuộc cách mạng này không thể thành công nhanh chóng. Kể từ khi lệnh tổng khởi nghĩa được ban ra đến khi cuộc cách mạng thành công trên cả nước, thời gian vẻn vẹn chỉ trong mười mấy ngày. Tin vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc, tin vào khát vọng ngàn đời của Nhân dân nên vua Bảo Đại đã chấp nhận thoái vị để trao quyền cho Nhân dân với tuyên bố nổi tiếng: “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”. Tin vào sức mạnh của Nhân dân và chính nghĩa của dân tộc nên vị Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại đã nhanh chóng rút lui và căn dặn không được nổ súng vào Nhân dân. Tin vào tính chính danh của mặt trận yêu nước nên nhiều nhân sỹ, trí thức, quan lại nổi tiếng của triều đình, của Chính phủ Đế Quốc Việt Nam (Chính phủ Trần Trọng Kim) đã đi về phía Nhân dân v.v…Cũng bởi niềm tin ấy mà nhiều nhà tư sản nổi tiếng đã không tiếc ủng hộ cho cách mạng những nguồn lực tài chính và vật chất dồi dào…
|
Đông đảo Nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu |
3. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đó là lời mở đầu bản Tuyên ngôn bất hủ năm 1945 của Nước Việt Nam DCCH. 76 năm đã trôi qua, chân lý vĩnh hằng ấy của Tuyên ngộc Độc lập lại càng sáng rõ hơn bao giờ hết.
Năm 1945, khi Nước Việt Nam DCCH ra đời, đất nước đứng trước những khó khăn chồng chất với thù trong, giặc ngoài, tình cảnh đất nước nguy nan như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong đó, khó khăn vô cùng lớn là quốc khố trống rỗng. “Tuần lễ vàng” được phát động, sau đó đã được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và đã thu được nguồn lực tài chính lớn phục vụ sự phát triển quốc gia. Đó là khoản đóng góp của Nhân dân, của những trái tim yêu nước, thể hiện niềm tin của người dân đối với Chính phủ khi ấy. Trong những ngày đất nước đang trải qua những khó khăn chồng chất vì đại dịch COVID-19, tối 5/6/2021, Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội. Một lần nữa, tinh thần yêu nước, đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam tiếp tục được khơi dậy và phát huy trong bối cảnh mới, sáng đẹp và rực rỡ hơn. Đó là sự tiếp nối của niềm tin bởi người dân tin rằng quỹ sẽ “minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của Nhân dân là trên hết, trước hết” (phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi lễ”.
Trong những phát biểu gần đây, nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước đã nói nhiều về niềm tin của Nhân dân, rằng có niềm tin sẽ chiến thắng, mất niềm tin sẽ mất tất cả. Trong một lần tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công, mất niềm tin của dân là mất tất cả”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) từng khẳng định: “Hành trang lớn nhất là niềm tin của Nhân dân” v.v... 76 năm Ngày thành lập Nước, bài học về niềm tin chưa bao giờ là câu chuyện cũ, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
HỒNG PHÚC