Rất nhiều mô hình, gương điển hình xuất hiện trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; trong xây dựng nông thôn mới; trong dạy tốt, học tốt...
Rất nhiều mô hình, gương điển hình xuất hiện trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; trong xây dựng nông thôn mới; trong dạy tốt, học tốt tại trường học cũng như bảo vệ an ninh trật tự xã hội tại Cụm thi đua số 2 của tỉnh những tháng đầu năm nay.
|
Một mô hình trồng rau trong nhà kính của nông dân huyện Đơn Dương |
ĐẨY MẠNH CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA
Cụm thi đua số 2 của tỉnh Lâm Đồng gồm 4 huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương và Đam Rông. Đặc điểm chung của 4 huyện là vùng sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, mặt bằng dân trí còn thấp, đời sống của người dân còn đối mặt nhiều khó khăn.
Những tháng đầu năm nay, dù đại dịch COVID -19 đã có những tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, của các huyện trong cụm, tuy nhiên, theo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Lâm Đồng, các phong trào thi đua thường xuyên và thi đua theo chuyên đề đã được 4 huyện triển khai rộng khắp, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, các sự kiện lớn của địa phương, của tỉnh, của đất nước, tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện.
Cụ thể, các huyện trong cụm đã triển khai hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Trung ương, do tỉnh phát động như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Cùng cả nước, doanh nghiệp Lâm Đồng hội nhập và phát triển” và các phong trào thi đua trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, y tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh với mục tiêu thi đua toàn diện, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của từng địa phương.
Trong sản xuất công nghiệp các huyện vẫn duy trì ổn định. Hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh trong sản xuất. Tổng giá trị sản xuất của các huyện trong cụm 6 tháng đầu năm đạt 10.795,6 tỷ đồng.
Để chống đầu cơ tăng giá trong thời kỳ giãn cách xã hội, các huyện đã tăng cường kiểm tra tình hình kinh doanh, dịch vụ, đảm bảo các nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân, nhất là hàng hóa lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân.
Các huyện cũng thực hiện nghiêm việc quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, quản lý hoạt động khai thác, phòng chống thiên tai, phòng chống cháy nổ; quản lý chặt chẽ và kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng san ủi đất, khai thác khoáng sản không đúng quy định.
4 huyện trong cụm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Trong 6 tháng đầu năm 2021 công tác thu ngân sách trong Cụm thi đua số 2 đạt khá so với bình quân chung của tỉnh. Cụ thể, Lạc Dương thu ngân sách gần 99 tỷ đồng, đạt 83,48% kế hoạch; Lâm Hà gần 151 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch; Đơn Dương hơn 132,5 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch; Đam Rông trên 39,4 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch.
Các huyện cũng đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án theo kế hoạch; giải ngân vốn được bố trí, hướng dẫn chủ đầu tư tăng cường quản lý chất lượng công trình, đảm bảo an toàn lao động.
4 huyện trong cụm cũng thực hiện tốt công tác giảm nghèo, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ. Tại Lạc Dương, tỷ lệ hộ nghèo chung giảm còn 3,3%, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) giảm còn 4,7%; Lâm Hà tỷ lệ hộ nghèo chung giảm còn 1,61%, hộ nghèo là người DTTS giảm còn 4,85%; Đơn Dương tỷ lệ hộ nghèo chung giảm còn 0,99%, hộ nghèo là người DTTS giảm còn 1,83%; huyện Đam Rông tỷ lệ hộ nghèo chung giảm còn 7,45%, hộ nghèo là người DTTS giảm còn 12,26%.
Đặc biệt, trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, các huyện trong cụm tiếp tục thực hiện, hoàn thành và giữ vững các tiêu chí đã đạt được. Đến nay toàn cụm có 29/34 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó, Lạc Dương 4/5 xã đạt chuẩn, Đam Rông có 3/7 xã đạt chuẩn, Lâm Hà có 14/14 xã đạt chuẩn và Đơn Dương có 8/8 xã đều đạt chuẩn; Đơn Dương trong cụm là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
NHIỀU ĐIỂN HÌNH
Rất nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, xuất sắc trong lao động sản xuất, trong công tác, trong cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ với sức lan tỏa trong đời sống xã hội đã được các huyện trong cụm kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng.
Tại Lạc Dương có thể kể đến các mô hình tiêu biểu trong sản xuất như mô hình nuôi bò theo qui mô hộ gia đình của ông Adăt Jen My, thôn Đarahoa, xã Đạ Nhim; mô hình chăn nuôi thỏ của hộ gia đình ông Lơ Mu Ha Ang, Thôn 1, xã Đạ Sar hay mô hình trồng nấm hương của hộ gia đình ông Kơ Să Y Sai, thôn Đarahoa, xã Đạ Nhim. Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu có ông Liêng Hót Ha Đinh, Phó Trưởng thôn Đạ Nghịt 1, xã Lát; có gia đình bà Kon Sơ K’Thu - thôn Đạ Tro, xã Đạ Nhim; có ông Kon Sơ Ha Toang, thôn Đạ Tro, xã Đạ Nhim. Trong sản xuất giỏi có thể kể đến ông Đơng Gur Ha Do Ly, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đạ Tro, xã Đạ Nhim; ông Kon Sa Ha My, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Liêng Bông, xã Đạ Nhim.
Tại Lâm Hà, tiêu biểu là mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm rau, củ quả của Hợp tác xã su su Công Thành; trong xây dựng nông thôn mới có các đơn vị tiêu biểu như các thôn Liên Hà 1, thôn Phúc Thọ, thôn Phúc Thạch, xã Liên Hà đã đóng góp trên 1,7 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn; như xã Tân Hà đã vận động dân đóng góp 2,5 tỷ đồng làm đường nông thôn. Với nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có thể kể đến gia đình ông Ngô Văn Hải, xã Đạ Đờn buôn bán, chuyển đổi cây trồng cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm; hay gia đình ông Vũ Đình Hiếu, xã Liên Hà với 4 ha cây trồng cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm; gia đình ông Hoàng Thiên Biểu, xã Hoài Đức với 1,8 ha trồng xen bơ, sầu riêng, cà phê cho thu nhập hơn 850 triệu đồng/năm.
Tương tự Đam Rông, có thể kể đến các mô hình tiêu biểu như mô hình khu dân cư kiểu mẫu thôn Phi Jút, thôn Liên Hương của xã Đạ Rsal; mô hình quỹ tiết kiệm tại chỗ của xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng; mô hình cà phê, xen cây ăn trái của các hộ dân thôn Pang Pế Nâm, xã Đạ Rsal. Trong xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Tân Tiến, xã Đạ Rsal đã hiến đất mở đường giao thông và đường điện vào khu sản xuất; người dân xã Rô Men đóng góp công sức, tiền của xây dựng trên 1,3 km đường điện chiếu sáng với bóng đèn cao áp lắp đặt cố định. Trong thi đua dạy tốt, học tốt có cô giáo Kra Jẵn Phi Lang và cô giáo Nguyễn Thị Kim Ngân của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Đam Rông; cô giáo Long Nhie Lệ Chi, Trường Trung học cơ sở Rô Men. Hay như thầy giáo Rơ Ông Ha Tuân, Trung học cơ sở Liêng Trang, là giáo viên dạy giỏi, Tổng phụ trách đội giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.
Riêng Đơn Dương, rất nhiều mô hình và cá nhân tiêu biểu có thể kể đến như mô hình Hợp tác xã Sơn Uyên, xã Pró; mô hình rau thủy canh của cơ sở Kiêm Hùng, xã Lạc Xuân; mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Công ty Cao Nguyên, thị trấn Thạnh Mỹ. Trong sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu là ông Nguyễn Phong Phú, nông dân thị trấn Thạnh Mỹ; hay như cô giáo Nguyễn Thị Khánh Ly, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vành Khuyên, xã Lạc Xuân, tiêu biểu trong dạy và học.
Những tháng cuối năm nay, các huyện trong Cụm thi đua số 2 cho biết, sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động thi đua; đưa các nội dung, tiêu chí thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoàn cảnh thực tế của từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Công tác thi đua cũng sẽ hướng về cơ sở, bám sát các nhiệm vụ chính trị, các chương trình trọng tâm, quan trọng của địa phương, đơn vị; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các phong trào thi đua để làm cơ sở cho việc nhân rộng.
VIẾT TRỌNG