Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), là nhiệm kỳ thành công, trong đó Quốc hội đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật...
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), là nhiệm kỳ thành công, trong đó Quốc hội đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống. Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
|
Các ĐBQH Lâm Đồng khóa XIV tham dự kỳ họp Quốc hội theo hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Trong nhiệm kỳ qua, các đại biểu Quốc hội đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình như: tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; thực hiện trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin về kỳ họp Quốc hội bảo đảm chính xác, khách quan…
Tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua đã được Quốc hội quan tâm đổi mới và cải tiến theo hướng giảm dần tài liệu giấy, tăng cường cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu Quốc hội qua bản điện tử trên Ipad, qua đó tài liệu được gửi đến đại biểu Quốc hội kịp thời để đại biểu có thời gian nghiên cứu và chất lượng kỳ họp được nâng lên.
Tại các kỳ họp Quốc hội, đại diện các cơ quan báo chí, thông tấn được tạo điều kiện thuận lợi tại khu vực dành riêng để tham dự, đưa tin kịp thời về diễn biến các phiên họp công khai tại kỳ họp Quốc hội và bảo đảm việc đưa tin chính xác, khách quan theo quy định pháp luật.
Quốc hội khóa XIV đã xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện đúng trình tự bầu các chức danh, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước; Trình tự miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tại kỳ họp giữa năm, trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội quyết định điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo quy định và cũng trong kỳ họp này. Quốc hội xem xét và Quyết định kế hoạch tài chính 5 năm; dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm; Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia...
Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, với 73 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cụ thể hóa và xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền của đất nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế.
Trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.
Về chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.
Trao đổi về nội dung này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng khóa XIV, khóa XV Nguyễn Tạo cho biết: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là khóa Quốc hội hoạt động trên tinh thần tiếp tục đổi mới, sáng tạo để vượt qua những khó khăn, thách thức như nền kinh tế trong nước và quốc tế có thời điểm suy thoái, thiên tai, dịch bệnh rất nặng nề, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Trong đó, với nhiều hoạt động sôi nổi và những thành tích nổi bật, góp phần làm giàu thêm truyền thống vẻ vang 75 năm Quốc hội Việt Nam, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đó là những quyết sách đặc biệt quan trọng, đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.
NGUYỆT THU