(LĐ online) - Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19...
(LĐ online) - Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà UBND tỉnh đặt ra trong năm. Trong đó, xác định mục tiêu số một các tháng còn lại năm 2021 là ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, quyết tâm bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết.
|
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo |
Chiều 1/9, đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2021. Tham dự hội nghị có 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng và Phạm S, cùng lãnh đạo các sở, ngành, các ban đảng và lãnh đạo, cán bộ UBND 12 huyện, thành phố tại các điểm cầu trên địa bàn.
Tính đến ngày 1/9, Lâm Đồng có 244 ca COVID-19; trong đó, đang cách ly điều trị 98 ca, ra viện 146 ca. Đến ngày 29/8, tổng số liều vắc xin phòng chống COVID-19 được cấp 130.860 liều; đã tổ chức tiêm mũi 1 cho 100.140 đối tượng và mũi 2 cho 27.801 đối tượng. Tổng số mũi đã tiêm 127.941, đạt tỷ lệ 97,77%. Thực hiện một số chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đúng quy định. Đến ngày 27/8, đã chi hỗ trợ cho 72.071 đối tượng/73.642 đối tượng được rà soát, với số tiền trên 108 tỷ đồng.
Trong 8 tháng qua, công tác phòng chống dịch COVID-19 được các ngành, các cấp chủ động tổ chức, triển khai linh hoạt, ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe của Nhân dân và cộng đồng, bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để có giải pháp chống dịch phù hợp. Có nhiều nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đảm bao an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
|
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị |
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh ổn định. Nhân dân đồng tình, ủng hộ các chủ trương phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh. Tiến độ sản xuất nông nghiệp đảm bảo thời vụ. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trông được chú trọng, sâu bệnh gây hại ở mức độ nhẹ; chú trọng chỉ đạo sản xuât rau, củ, quả ngăn ngày để phục vụ, hỗ trợ cho các vùng có dịch bệnh COVID-19. Tình hình chăn nuôi, thủy sản trên bàn tỉnh cơ bản ổn định, dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát. Công tác quản lý bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, giao khoán bảo vệ rừng tiếp tục được chú trọng; kịp thời thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai.
Về lĩnh vực thu chi ngân sách tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ. Tiến độ triển khai thi công các công trình, dự án có chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 27/8 đạt 7.716,3 tỷ đồng, băng 83% dự toán địa phương, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước 8 tháng đầu năm ước 10.288 tỷ đồng, bằng 66,9% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội thực hiện theo kế hoạch; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Kết quả 99,64% thí sinh được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
|
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2021 |
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tiếp tục được chú trọng; thông tin liên lạc đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Các mặt hàng nông sản, nhất là rau, hoa không ổn định, giá xuống thấp, tiêu thụ khó khăn. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp. Các hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng, lưu trú, giải trí, vận tải hành khách, thu hút đầu tư tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm mạnh so với cùng kỳ. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Sau khi nghe báo cáo, kiến nghị từ lãnh đạo các huyện, thành phố; lãnh đạo các sở, ngành; ý kiến đóng góp từ 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các sở, ngành, địa phương trong 8 tháng qua đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Người đứng đầu UBND tỉnh cho rằng mặc dù dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm nhưng nhìn chung, tới thời điểm này có thể thấy với với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được, kết quả khả quan trong kiểm soát tình tình hình dịch bệnh, có thể khẳng định đây là cố gắng, công sức, nỗ lực đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã đưa ra các quyết định, chỉ đạo hài hoà giữa chăm sóc, bảo vệ sự an toàn sức khoẻ của người dân trước dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về một số hạn chế, tồn tại, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số địa phương còn lơ là trong công tác phòng chống dịch, thực hiện chưa quyết liệt. Còn nhiều địa phương yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp (dưới 30%) ở nhiều địa phương. Trong đó, việc giải phóng mặt bằng các công trình một số địa phương gặp vướng mắc, kéo dài là lực cản trong giải ngân vốn đầu tư công thấp… Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 33% nhưng số vụ phá rừng tăng 15%, diện tích thiệt hại do phá rừng tăng trên 300%.
Trong 4 tháng cuối năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp khẳng định đây là giai đoạn nước rút, sẽ có nhiều khó khăn trong các mặt đời sống, xã hội, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh cần cả hệ thống chính trị phải tập trung phất đấu, giải quyết.
Trong đó, mục tiêu chung, nhiệm vụ hàng đầu, trước hết vẫn là đảm bảo sức khoẻ, an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Chính vì vậy, chúng ta phải ưu tiên, tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch. Không được chủ quan, lơ là với mục tiêu kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, mở rộng vùng xanh trên địa bàn toàn tỉnh.
Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Các sở, ngành, địa phương chi hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 và Quyết định 1900 của UBND tỉnh. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình cụ thể của diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo từng bước phục hồi sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân.
Đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách theo lộ trình, chỉ tiêu đã đề ra, phấn đấu đạt 5 con số. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Thực hiện cắt giảm chi thường xuyên chưa cần thiết để chuyển qua nguồn lực chống dịch. Đối với giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương tới ngày 30/9 phải đạt 60%; 31/12 phải đạt 90% và tháng 1/2022 phải đạt 100%.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện như: Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hoá phục vụ Nhân dân. Ngành y tế cần tiếp tục cố gắng, phối hợp làm tốt hơn nữa công tác điều tra, giám sát, công tác truy vết dịch tễ để thực hiện cách ly theo quy định. Đặc biệt sắp tới khi có nguồn vắc xin phải tổ chức tiêm cho người dân đảm bảo, công khai thông tin về các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin để Nhân dân giám sát, đảm bảo đúng thứ tự ưu tiên, khách quan, công bằng.
Thực hiện tốt công tác tiếp dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tập trung giải quyết các phát sinh vướng mắc, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng. Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; chủ động phối hợp kiểm soát xuất nhập cảnh; tăng cường quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai; thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để giảm tối đa tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí…
C.THÀNH