Vai trò, trách nhiệm công dân trong phòng, chống Covid-19

07:09, 24/09/2021

Trong thời gian qua, một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm khắc nhằm kịp thời cảnh báo,...

Trong thời gian qua, một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm khắc nhằm kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh cũng như bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Cùng với nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế, đây là công việc cần thiết góp phần thiết thực bảo vệ tính mạng của mọi người dân, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
 
Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại điểm tiêm phòng Trường THCS Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại điểm tiêm phòng Trường THCS Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
 
Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận tích cực, ủng hộ, một số đối tượng, tổ chức lại lợi dụng các sự việc này để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Nhà nước.
 
Đến nay, làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại một số địa phương từng là “điểm nóng” về dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta không được phép chủ quan, lơ là khi dịch bệnh có thể còn rất phức tạp, nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2 với mức độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, nếu không ứng phó kịp thời, có thể đe dọa thành quả phòng, chống dịch của cả thế giới, trong đó có Việt Nam.
 
Tại một số tỉnh, thành phố, các ca dương tính tiếp tục ghi nhận ở mức cao, số ca nhiễm ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây vẫn xuất hiện rải rác. Thực trạng đó rất cần có sự hợp tác và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực hết mình của chính quyền, hệ thống y tế, ngành chức năng và người dân, vẫn còn một bộ phận nhỏ cá nhân, tổ chức do thiếu ý thức nên đã vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Chính vì vậy, việc các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm các đối tượng, tung tin giả (fake news) trên các trang mạng xã hội nhằm câu like, câu view, gây hoang mang trong dư luận, kích động mâu thuẫn vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; bất chấp quy định giãn cách, ngang nhiên tụ tập đông người để đánh bạc, nhậu nhẹt, tổ chức hoạt động tín ngưỡng trái phép; mạo danh cơ quan, tổ chức có uy tín để chiếm đoạt tiền và thông tin cá nhân của người dân, làm giả giấy tờ đi đường, giấy chứng nhận xét nghiệm, tổ chức tiêm vắc-xin trái phép thu lời bất chính, làm giả thuốc chống Covid, đầu cơ, tăng giá trang thiết bị y tế, có hành vi chống lại lực lượng chống dịch hết sức nguy hiểm như: lao xe vào chốt kiểm dịch, tấn công lực lượng chức năng gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng xích mích cá nhân để kích động bạo lực, kêu gọi biểu tình… là hết sức cần thiết và được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.
 
Chỉ tính riêng trên “mặt trận chống tin giả”, từ năm 2020 đến tháng 8/2021, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) và Công an các địa phương triệu tập đấu tranh với hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng.
 
Trong đợt dịch thứ tư, Cục đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự một đối tượng ở TP Hồ Chí Minh và tiếp tục nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Một số vụ việc nổi cộm đã được cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, xử lý kịp thời như: ngày 21/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Bình Thạnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai tháng đối tượng Phan Hữu Điệp Anh về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) do có hành vi cắt ghép hình ảnh một vụ tự thiêu rồi lan truyền trên mạng xã hội, xuyên tạc thành việc “bức xúc về cách chống dịch Covid-19 của thành phố” nên người dân phẫn uất, tự thiêu giữa đường.
 
Liên quan hành vi vi phạm quy định về phòng, chống hoặc làm lây lan dịch bệnh, mới đây, ngày 6/9/2021, Tòa án nhân dân TP Cà Mau mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm đối với Lê Văn Trí về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
 
Về từ vùng dịch, Lê Văn Trí đã không tuân thủ nghiêm việc cách ly y tế tại nhà, khai báo y tế gian dối, hậu quả là đã làm lây nhiễm dịch Covid-19 cho nhiều người, trong đó có một người chết. Trước đó, tháng 5/2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan “Hội thánh truyền giáo Phục hưng” do nhóm này hoạt động không chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến lây lan cho hơn 300 người. Nguy hiểm hơn là từ ổ dịch này đã lan ra 15 tỉnh, thành phố...
 
Sự vào cuộc kịp thời, kiên quyết của các cơ quan chức năng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không phân biệt sai phạm là của tổ chức, cá nhân nào đã được dư luận xã hội, người dân đồng tình, đánh giá cao, bởi đây là việc làm cần thiết, cấp bách nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, nhằm góp phần giúp công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đúng hướng, đạt hiệu quả bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng người dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
 
Thực tế không chỉ tại Việt Nam, mà ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, những hành vi làm lây lan dịch bệnh, gây nguy hiểm cho cộng đồng cản trở công tác phòng, chống dịch bệnh đều bị nghiêm trị. Thậm chí khi mức độ nguy hiểm của dịch bệnh ngày càng gia tăng, một số nước đã áp dụng mức chế tài tăng nặng đối với các vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
 
Như tại Hàn Quốc, từ cuối tháng 3/2020 đã thông qua đạo luật nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có điều khoản phạt tối đa 1 năm tù hoặc 10 triệu won với người cố tình vi phạm quy định về cách ly.
 
Tại Anh, từ đầu năm 2021, để ngăn chặn dịch Covid-19, Chính phủ nước này đã nâng mức phạt và bổ sung đối tượng bị phạt do vi phạm lệnh phong tỏa; cụ thể: với người bị bắt gặp tham gia tiệc có hơn 15 người tham dự sẽ bị phạt lần đầu ở mức 800 bảng và phạt tối đa 6.400 bảng nếu tái phạm.
 
Tại Đức, bang Nordrhein-Westfalen đã đi tiên phong trong việc áp dụng các mức phạt tiền dành cho người vi phạm, như: việc mở cửa các quán rượu, câu lạc bộ hay phòng tập thể thao mà trước đó đã được yêu cầu dừng hoạt động sẽ bị phạt 5.000 euro, trong khi đó mức phạt đối với các nhà hàng là 4.000 euro. Tại Nga, quy định phạt tiền lên tới 25.000 USD và phạt tù đến 5 năm đối với hành vi phát tán thông tin sai lệch liên quan đại dịch Covid-19...
 
Thế nhưng bất chấp thực tế đó, một số tổ chức, cá nhân thù địch, cực đoan, thiếu thiện chí lại tìm mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá nhằm mưu đồ cản trở, phá hoại chủ trương, chính sách và các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam.
 
Chẳng hạn, báo cáo mới đây của HRW (Tổ chức theo dõi nhân quyền) thay vì giúp người dân Việt Nam an tâm, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch lại cho rằng, việc các cơ quan chức năng triệu tập và xử phạt các cá nhân, tổ chức phát tán các thông tin sai lệch liên quan đại dịch Covid-19 là vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, gia tăng vi phạm nhân quyền. Hoặc tổ chức khủng bố “Việt tân” lớn tiếng công kích Việt Nam thực hiện giãn cách, cách ly y tế là “đi ngược trào lưu dân chủ nhân quyền trên thế giới, trấn áp bạo lực khiến cho dân lo sợ”.
 
 Một số tổ chức, cá nhân khác thì đưa ra yêu cầu phi lý về quyền được tụ tập, bất chấp thực tế đã cho thấy càng tập trung đông người, vi-rút phát tán càng nhanh và nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng càng cao. Chưa kể, các đề xuất, đòi hỏi như vậy rõ ràng rất thiếu trách nhiệm, phi nhân tính, coi thường sức khỏe, sinh mạng con người, thiếu ý thức với cộng đồng, không coi bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người là yếu tố cần được đặt lên hàng đầu; và để bảo vệ.
 
 Thực tế cho đến nay, tại các nước trên thế giới việc chủ động tiêm vắc-xin, thực hiện giãn cách xã hội, 5K,… vẫn là những giải pháp cần thiết, phải duy trì thường xuyên, liên tục. Mọi cá nhân cần có ý thức tuân thủ nghiêm túc, tự giác hạn chế một số thói quen, sở thích, nhu cầu có thể ảnh hưởng tới sự an nguy của cả cộng đồng, xã hội.
 
Những thành quả chống dịch mà Việt Nam đạt được thời gian qua là nhờ các quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể trung ương và địa phương, sự tin tưởng, đồng lòng của toàn dân. Các biện pháp phòng, chống để thích ứng an toàn với dịch bệnh được triển khai một cách bài bản, phù hợp, trên cơ sở khoa học, từ kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới, phù hợp điều kiện của Việt Nam trong mỗi giai đoạn.
 
Việc một số tổ chức, cá nhân thù địch, cực đoan, thiếu thiện chí, các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam để bóp méo, xuyên tạc nhằm chống phá, kích động bạo lực, gây bất ổn xã hội càng cho thấy rõ thêm mục đích, bản chất xấu xa, đen tối của họ. Thay vì góp sức, chung tay vì một Việt Nam ổn định, phát triển, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, họ chỉ muốn phá hoại các nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc chiến chống Covid-19.
 
Nên hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm với đất nước, cộng đồng cũng như với chính bản thân và gia đình mình, tiếp tục tuân thủ nghiêm túc mọi nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin chính xác, tin cậy, không lan truyền thông tin vô căn cứ, bịa đặt, xuyên tạc tình hình dịch bệnh, không để kẻ xấu lợi dụng, tiếp tay cho hành vi trái pháp luật; kịp thời phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng về hành vi sai phạm.
 
Khi mọi người dân đều sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và phát huy vai trò công dân trong phòng, chống Covid-19, chúng ta nhất định sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến đầy cam go này.
 
(Theo nhandan.com.vn)