Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam rất khốc liệt với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm - biến chủng đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới...
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam rất khốc liệt với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm - biến chủng đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới và làm thay đổi mọi thứ trong công tác phòng chống dịch ở Việt Nam. Nhưng đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc. Tại tâm dịch ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ ca nhiễm và tử vong giảm sâu.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngoài cùng bên phải) kiểm tra một trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh, ngày 26/8 |
Trước diễn biến cực kỳ phức tạp của đợt dịch COVID-19 thứ 4, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đưa ra nhiều quyết định mang tầm chiến lược để thay đổi, chuyển hướng phù hợp tình hình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân vì hạnh phúc và ấm no cho nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã làm tất cả những gì có thể trong điều kiện khó khăn, không kể ngày hay đêm, lo cho sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Nhờ đó, chúng ta đã giảm thiểu những tác động và hậu quả của dịch bệnh, chăm lo tốt nhất cho sức khỏe cho nhân dân. Cả nước đang chuyển dần sang trạng thái mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Xin Trân trọng đăng tải loạt bài viết nhìn lại những quyết định chiến lược, quan trọng nhất giúp xoay chuyển tình hình dịch bệnh thời gian qua.
Bài 1: Sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết
“Không phải chúng ta cứng nhắc trong vấn đề điều chỉnh, nhưng phải tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của đất nước chúng ta, phải có bước đi chắc chắn, hiệu quả. Mục tiêu mà chúng ta đặt lên trên hết, trước hết là sức khoẻ, tính mạng của người dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Biến chủng làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới
Theo Bộ Y tế, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đợt dịch thứ 4 được gây ra bởi biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn; nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất nhẹ; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. Tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao, 1 người nhiễm lây cho 9-10 người, đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm kéo dài (nhiều hơn 14 ngày).
“Biến chủng Delta đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới”, Bộ Y tế nhận định. GS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng: Ở làn sóng thứ 4 tại Việt Nam, biến chủng Delta đã thay đổi mọi thứ. Thực tế cho thấy trong giai đoạn đầu, tốc độ lây lan của biến thể Delta đã nhanh hơn tốc độ đáp ứng phòng chống dịch, các nguyên tắc “vàng” đã triển khai trong các đợt dịch trước chưa theo kịp với sức lan truyền của dịch bệnh.
Tại Việt Nam, dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao làm số ca nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế trong bối cảnh năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nhiều người mắc nên xảy ra quá tải cục bộ, dẫn đến số tử vong tăng trong thời gian ngắn.
Dịch bệnh với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh đã làm nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa có trong tiền lệ trong thời gian dài, trên phạm vi rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Kết luận, Nghị quyết của Lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị Quyết, Chỉ thị, Công điện để lãnh đạo, chỉ đạo; Bộ Y tế đã kịp thời ban hành các hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Trong ba đợt dịch trước đây công tác phòng, chống dịch dựa vào 5 nguyên tắc cơ bản là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị và công thức 5K, đã thành công trong phòng, chống dịch với các chủng ban đầu.
Trong đợt dịch thứ 4, do chưa hiểu rõ về biến chủng Delta, chưa dự báo được tính chất nguy hiểm và lây lan nhanh, nhất là đối với khu đô thị, khu công nghiệp, nơi có mật độ dân cư cao… nên công tác phòng, chống dịch thời gian đầu còn bị động, lúng túng ở các cấp, các ngành; chưa linh hoạt điều chỉnh các biện pháp phù hợp, hiệu quả, nhất là khi dịch bùng phát tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước; đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, kinh nghiệm của thế giới và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, để bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân với các trụ cột: Xét nghiệm, cách ly, điều trị; đồng thời kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công.
Trong đó, ý thức người dân là rất quan trọng: Theo một khảo sát gần đây, có 66% người dân đồng tình với đánh giá một bộ phận người dân còn chủ quan, không thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ huy động tổng lực hỗ trợ các địa phương chống dịch
Những số liệu đã cho thấy sự quyết liệt, đồng bộ chưa từng có trong công tác phòng chống dịch những tháng vừa qua đã phát huy hiệu quả. Tối 1/10, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 6.957 ca mắc COVID-19 (giảm 996 ca so với ngày 30/9). Ngoài ra, số ca khỏi bệnh lại lập kỷ lục mới với 27.520 người. Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 30/9 với 25.322 ca khỏi bệnh.
Trong 1 tuần qua, so với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 19,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 9,5%, số ca thở oxy dòng cao (HFNC) giảm 13,2%, số ca thở máy xâm lấn giảm 10,1%.
Bài học thành công về xét nghiệm đã được chứng minh tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Khánh Hòa, Đồng Tháp, TPHCM (quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ). Tại THCM, từ ngày 23/8/2021-20/9/2021, qua xét nghiệm 6 đợt trên toàn địa bàn, tỷ lệ dương tính giảm từ 3,6% (đợt 1) xuống 1,1% (đợt 6). Từ ngày 21/9-28/9, tỷ lệ dương tính giảm từ 0,8 % xuống 0,1%.
Tại Bình Dương từ ngày 13/9-26/9/2021, tỷ lệ dương tính giảm từ 0,9% xuống 0,4%. Tại Đồng Nai, từ ngày 13/9-26/9/2021, tỷ lệ dương tính dao động từ 0,01%-0,04%. Tại Long An, từ ngày 13/9-26/9/2021, tỷ lệ dương tính dao động từ 0,01%-0,04%.
Thống kê sơ bộ, có 23 tỉnh, thành phố (trong số 53 tỉnh báo cáo) đã thành lập 2.883 trạm y tế lưu động để quản lý các trường hợp nhiễm và các ca F0 sau xuất viện tiếp tục được cách ly, theo dõi tại nhà. TPHCM đã thành lập 531 trạm y tế lưu động. Có 256.137 tổ COVID-19 cộng đồng tại 47 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế đã thành lập 11 trung tâm hồi sức tích cực. Cả nước có 9.229 giường ICU tại 46 tỉnh, thành phố.
Cả nước đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300.000 lượt cán bộ của Trung ương và các địa phương hỗ trợ cho TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác đang có dịch. Trong đó, ngành y tế đã huy động 19.787 cán bộ y tế (3.183 bác sĩ, 6.340 điều dưỡng, 227 kỹ thuật y, 847 giảng viên, 7.841 sinh viên và 1.349 cán bộ y tế khác). Lực lượng quân đội đã huy động 133.114 cán bộ, chiến sĩ (bộ đội: 33.459, dân quân tự vệ: 99.655); riêng lực lượng quân y đã tăng cường 9.192 đồng chí (5.593 cán bộ, nhân viên quân y và 3.599 chuyên môn khác). Lực lượng công an đã huy động 126.000 lượt cán bộ, chiến sĩ.
Việt Nam đã xây dựng và quyết liệt thực hiện chiến lược vaccine, thành lập Quỹ vaccine (huy động được 8.692 tỷ đồng), thành lập Tổ ngoại giao vaccine, tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao đổi với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế thúc đẩy việc mua vaccine cho Việt Nam. Nhờ vậy, đến ngày 29/9/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 52,2 triệu liều vaccine và tiêm được 41 triệu liều (tỷ lệ tiêm ít nhất 01 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên là 43,9%). Về nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đã có 2 vaccine được thử nghiệm lâm sàng, 2 vaccine chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nga và 2 vaccine có thỏa thuận chuyển giao công nghệ với Trung Quốc, Cuba.
Các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội, mạng viễn thông đã lan toả mạnh Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư về phòng, chống dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về công tác phòng chống dịch với mục tiêu để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm; quyết liệt xử lý các thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Hệ thống khám chữa bệnh đã được kết nối đến tất cả các quận, huyện; kết nối điều hành chỉ huy tới gần 100% các xã, phường, thị trấn. Triển khai các ứng dụng tiêm chủng trực tuyến, truy vết, khai báo y tế…để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến ngày 23/9/2021, cả nước đã xuất cấp gần 59.000 tấn gạo hỗ trợ cho gần 3,9 triệu người tại 18 tỉnh, thành phố; hỗ trợ hơn 18,1 triệu người (gần 17,7 triệu người lao động và gần 380.000 đơn vị sử dụng lao động) với kinh phí khoảng 14.800 tỷ đồng. 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam đã thực hiện hỗ trợ 10,64 triệu đối tượng (chiếm 58,9% toàn quốc) với kinh phí 10.660 tỷ đồng (chiếm 72,6% toàn quốc). Riêng TPHCM đã chi hơn 5.503 tỷ đồng hỗ trợ gần 4,82 triệu đối tượng. Các cấp công đoàn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 4.900 tỷ đồng.
An ninh trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định; chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo nghiêm cấm mọi hành vi, biểu hiện tham những, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, tiêm chủng vaccine…và giao các cơ quan chức năng kịp thời nắm tình hình, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu có sai phạm, công khai kết quả cho nhân dân biết.
Tiếp tục quan tâm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn đã được triển khai tại các địa phương. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất kinh doanh; tổ chức trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, ngoài nước để nắm bắt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đó là các Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021; Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 68/NQ-CP; 78/NQ-CP; 79/NQ-CP; 83/NQ-CP; 97/NQ-CP; 105/NQ-CP; 106/NQ-CP; 116/NQ-CP.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các đoàn thể, địa phương phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đến ngày 23/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động được kinh phí, hiện vật tương đương 18.246 tỷ đồng, đã thực hiện phân bổ, hỗ trợ các tỉnh, thành phố khoảng 12.835 tỷ đồng. Đã xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái thể hiện truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta.
Bộ Y tế nhận định: Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc. Tại tâm dịch ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tỷ lệ số ca nhiễm và tử vong giảm sâu. An sinh xã hội, đời sống nhân dân ở những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách cơ bản được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Những bài học kinh nghiệm quý báu
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cho rằng: Công tác phòng chống dịch vẫn còn những hạn chế, cần được rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa. Công tác dự báo tình hình dịch có lúc, có nơi chưa sát với thực tiễn cho nên thời gian đầu còn lúng túng, bị động, bất ngờ.
Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, có lúc chưa nhất quán. Một số nơi chưa xác định rõ mục tiêu cụ thể cần đạt được khi giãn cách; chưa tổ chức xét nghiệm theo quy định, xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan nên phải kéo dài thời gian và làm chậm việc thu hẹp phạm vi giãn cách.
Hệ thống y tế bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bùng phát, người dân khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, dẫn đến quá tải và tử vong. Chưa kịp thời có các chính sách huy động nguồn lực, hợp tác công tư trong phòng, chống dịch.
Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine... đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước cho nên dẫn đến bị động và tốn kém. Việc mua vaccine chịu nhiều rủi ro do phải chấp nhận các điều kiện của nhà cung cấp. Về cơ bản vaccine trên thế giới rất khan hiếm.
Còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi khi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua; ngược lại khi có dịch lại hoang mang, lo sợ, lung túng, mất bình tĩnh dẫn đến áp dụng các biện pháp cực đoan, chưa phù hợp, thiếu thống nhất; một số biện pháp chưa được tính toán kỹ, thay đổi đột ngột, nhất là quy định về đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa, gây ách tắc cục bộ.
Công tác truyền thông có nơi, có lúc chưa chủ động đi trước; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch chậm được tích hợp thành một ứng dụng duy nhất để tạo thuận lợi cho người dân.
Từ thực tế diễn biến tình hình dịch, các biện pháp đã triển khai, nhất là trong đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế nêu một số bài học kinh nghiệm được đúc kết.
Trước hết, đó là bài học về sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, phải bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả và tổ chức thực hiện linh hoạt theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, nhất quán; tổ chức thực hiện phải phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhất là ở cấp cơ sở. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ trong tổ chức thực hiện; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Do việc chống dịch là chưa có tiền lệ cho nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm với tinh thần cầu thị, lắng nghe; khi các biện pháp, giải pháp đã được thực tiễn chứng minh là đúng thì phải kiên định, kiên trì, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Khi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, xác định rõ mục tiêu, các biện pháp, thời hạn và gắn với thực hiện đồng bộ các biện pháp an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Đến ngày 30/9/2021, thế giới ghi nhận hơn 234 triệu ca mắc COVID-19, trên 4,7 triệu trường hợp tử vong. Trong tuần đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca mắc mới, hơn 53.000 trường hợp tử vong.
Việt Nam đã ghi nhận khoảng 787.000 ca mắc, 606.000 người đã khỏi bệnh (74%); có 13/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).
Tỷ lệ mắc bệnh trên 1 triệu dân của Việt Nam xếp thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 136/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 1 tuần qua, so với tuần trước, số ca mắc cộng đồng giảm 13,8%, trong đó, Hà Nội ghi nhận 2 ca (giảm 9 ca); TPHCM 26.535 ca (giảm 11.349); Bình Dương 985 ca (giảm 272); Đồng Nai 46 ca (giảm 47), Long An 31 ca (giảm 41), An Giang 353 ca (giảm 262). Số tử vong giảm 20%, trong đó TPHCM giảm 22%, Bình Dương giảm 19%, Đồng Nai giảm 9%, Long An giảm 29%.
Tính đến ngày 29/9/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 56,3 triệu lượt người; từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 52,8 triệu lượt người. Tỷ lệ xét nghiệm/1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 134/223 trên thế giới.
|
(Còn tiếp)
(Theo chinhphu.vn)