Những phân tích khoa học của các chuyên gia về các đợt bùng phát dịch tại Việt Nam cho thấy nỗ lực cực kỳ lớn của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp trong việc khống chế, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ở làn sóng thứ 4, biến chủng Delta đã thay đổi mọi thứ.
[links()]
Bài 3: Những kinh nghiệm quý giúp ngăn chặn làn sóng dịch
Những phân tích khoa học của các chuyên gia về các đợt bùng phát dịch tại Việt Nam cho thấy nỗ lực cực kỳ lớn của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp trong việc khống chế, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ở làn sóng thứ 4, biến chủng Delta đã thay đổi mọi thứ.
|
Bệnh nhân nặng được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM |
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, muốn đánh giá những biện pháp chống dịch có phù hợp với các nguyên tắc về mặt chuyên môn hay không, cần đưa bức tranh tổng thể cả quá trình chống dịch từ ca bệnh đầu tiên đến nay.
Theo ông Lân, phải phân tích, cân đối giữa ba yếu tố: Đặc điểm của tác nhân gây bệnh là Sars-CoV-2 theo từng biến chủng; đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội; thứ ba là các biện pháp kiểm soát. Mục tiêu đặt ra là giảm số ca mắc, ca tử vong.
Virus ngày càng nguy hiểm hơn qua 4 đợt dịch
Qua 4 đợt dịch, virus Sars-CoV-2 đều nâng dần cấp độ nguy hiểm. Với đợt 1, do chủng gốc gây ra, các giải pháp, kể cả xét nghiệm trọng điểm tại các khu vực nguy cơ cao, đã phát hiện được mầm bệnh, làm cơ sở để nới lỏng giãn cách. Với chủng gốc, việc lây lan vào cộng đồng còn chậm hơn tốc độ truy vết và xét nghiệm mặc dù thời điểm đó, việc xét nghiệm chưa nhiều.
Đến tháng 7/2020, chủng Sars-CoV-2 có đột biến với thời gian ủ bệnh tương tự chủng gốc nhưng tạo ra lượng virus gây nhiễm bệnh cao hơn và có khả năng lây nhanh hơn. Lúc này, lần đầu tiên, chúng ta thực hiện xét nghiệm diện rộng với phương pháp PCR mẫu gộp tại Đà Nẵng, giúp đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, truy vết thần tốc để kiểm soát dịch. Lúc này, vẫn áp dụng 5 nguyên tắc (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả) nhưng xét nghiệm thần tốc đã giúp bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng.
Sau 6 tháng (đến đợt 3), xuất hiện biến thể Alpha mạnh hơn chủng gốc, có thời gian ủ bệnh ngắn hơn 1 ngày, tải lượng virus cao gấp 4 lần, có khả năng lây nhiễm cao hơn 2 lần, gia tăng tỷ lệ lây nhiễm thứ phát, tăng nguy cơ nhập viện, tăng nguy cơ tử vong. Lúc đó, xét nghiệm diện rộng được thực hiện tại các vùng dịch. Test nhanh kháng nguyên được sử dụng trong các đợt tầm soát tại TP Hồ Chí Minh, đã giúp phát hiện sớm, cách ly kịp thời, giúp kiểm soát dịch nhanh chóng.
Sau 4 tháng nữa (đến đợt 4), xuất hiện chủng mới là biến thể Delta mạnh hơn cả Alpha và chủng gốc, với tỷ lệ lây nhiễm cao. Nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. Tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao, 1 người nhiễm có thể lây cho 9-10 người, đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm kéo dài (hơn 14 ngày).
Giai đoạn đầu của đợt 4, hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch đã được áp dụng vẫn trên 5 nguyên tắc, nhưng số ca nhiễm tăng cao, tốc độ lây lan và tăng nhanh dẫn tới quá tải về điều trị, quá tải khu cách ly tập trung F1, khiến mầm bệnh càng lây lan nhanh chóng hơn, số tử vong gia tăng.
“Để ngăn chặn lây nhiễm, phải phát hiện sớm nguồn bệnh với tốc độ nhanh hơn tốc độ lây của mầm bệnh. Do đó, xét nghiệm là then chốt và phải thần tốc để phát hiện và ngăn chặn sự lây nhiễm”, GS Phan Trọng Lân phân tích.
Đi vào trường hợp cụ thể là TP Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình phòng, chống dịch, Thành phố đã triển khai hệ thống giám sát, phát hiện ca bệnh như đã làm trước đó. “Bây giờ, nhiều người nói tại sao chúng ta không làm giám sát có triệu chứng. Thực tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo về vấn đề này từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, các hình thức giám sát này cũng như các biện pháp phòng, chống dịch khác vẫn chưa giảm được sự gia tăng ca mắc cả về số lượng cũng như địa bàn xảy ra dịch với biển thể Delta trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh”, GS Phan Trọng Lân nhận định.
Cùng với đó, GS Phan Trọng Lân cho rằng, cần xét nghiệm “đủ rộng” để kiểm soát dịch, đánh giá mức độ lây nhiễm, phát hiện sớm ca mắc, người tiếp xúc khi các phương pháp khác chưa kiểm soát dịch hiệu quả. Tuy nhiên, điều này cần đủ các điều kiện khả thi như nhân lực, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, triển khai đảm bảo an toàn.
Thực tiễn công tác phòng chống dịch trên thế giới cũng như tại TP Hồ Chí Minh đều cho thấy việc xét nghiệm sẽ giúp phát hiện ổ dịch, kiểm soát, xử lý lây lan, theo dõi tỷ lệ lây và mức độ nghiêm trọng của dịch, giảm tác động của COVID-19 tại các cơ sở y tế và cộng đồng.
“Đánh giá hiệu quả y tế của xét nghiệm, tôi thấy rằng, phải xem xét trên 3 yếu tố: (1) mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, (2) chi phí xét nghiệm, (3) tác động kinh tế, xã hội, tinh thần của giãn cách xã hội trên diện rộng, đánh giá các giải pháp, tình hình thực tế”, ông Lân nói. Với Hà Nội, với việc xét nghiệm nhanh vừa qua, ít nhất một trong những câu hỏi mà chúng ta trả lời được là địa bàn có sạch hay không sạch, từ đó phân ra được các vùng xanh, đỏ, vàng và có các chiến lược tiếp theo phù hợp, sớm ra được các quyết định mở dần giãn cách xã hội, giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
GS Phan Trọng Lân khái quát: Như vậy, ở làn sóng thứ 4, biến chủng Delta đã thay đổi mọi thứ. Thực tế cho thấy tốc độ lây lan của biến thể Delta đã nhanh hơn tốc độ đáp ứng, 5 nguyên tắc “vàng” đã triển khai trong các đợt dịch trước chưa theo kịp với sức lan truyền của dịch bệnh. Xét riêng ở TP Hồ Chí Minh, virus chỉ mất 1 tháng để xâm nhập sâu rộng trong cộng đồng.
Do đó, hàng loạt biện pháp liên tiếp được triển khai như xét nghiệm thần tốc, phủ trên diện rộng với tần suất nhiều hơn để bắt kịp tốc độ lây lan của mầm bệnh, khi hoạt động truy vết gần như bị vô hiệu do không đủ nhân lực, thiếu sự hợp tác khai báo của người dân.
Bài học ở TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu đã giúp cho các tỉnh còn lại ở khu vực phía Nam, nhất là những tỉnh ở xa TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tốc độ đáp ứng, vẫn trên 5 nguyên tắc nhưng với chiến lược mới, tốc độ mới đã giúp cho các tỉnh kiểm soát được dịch sớm và hiệu quả hơn dù tỷ lệ bao phủ vaccine chưa cao.
GS Phan Trọng Lân khẳng định: Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi chưa đủ tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt cho người có nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai), giải pháp quan trọng là phát hiện nguồn bệnh, để khoanh vùng, xử lý kịp thời, giảm lây nhiễm, đánh giá vùng nguy cơ dịch, đánh giá các biện pháp kiểm soát dịch, đặc biệt với biến thể Delta thì khâu xét nghiệm là then chốt và phải bảo đảm thần tốc. Việc áp dụng cần phù hợp trên bối cảnh dịch tễ (đúng kỹ thuật, đúng nơi, đúng thời điểm), các biện pháp phòng chống đã triển khai và tính đến nguồn lực, tổ chức thực hiện, cũng như tác động đến đời sống, tinh thần, kinh tế - xã hội.
Chiến lược đúng đắn và đòi hỏi từ thực tiễn
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định Việt Nam có 3 giai đoạn chống dịch và đều làm rất tốt.
Giai đoạn 1 là giai đoạn không có COVID-19, chúng ta dùng chiến thuật "zero COVID", phong tỏa, bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Chúng ta đã làm rất tốt trong thời gian hơn 1 năm.
Giai đoạn 2 là giai đoạn dịch bùng phát đột ngột, chúng ta vẫn phải phong tỏa vì nếu không, để bùng phát dịch thì sẽ làm sụp đổ cả hệ thống y tế. PGS Nguyễn Lân Hiếu lấy ví dụ, nếu trong 100 nghìn ca nhiễm có 5% ca nặng trong 1 tuần (5.000 người) thì không có hệ thống ICU nào chịu được, nhưng nếu trong 1 tháng thì sẽ có bệnh nhân khỏi bệnh, hệ thống y tế sẽ chịu đựng được. Do đó, việc phong tỏa TP Hồ Chí Minh để làm chậm tốc độ lây lan dịch là phù hợp.
Giai đoạn 3, khi vaccine bắt đầu được bao phủ thì chúng ta có thể mở cửa lại nền kinh tế.
Vị chuyên gia đề nghị cần tiêm vaccine cho trẻ em càng sớm càng tốt; huy động y tế tư nhân tham gia vào điều trị; khi đã có đủ vaccine thì chỉ nên xét nghiệm phù hợp tình hình, không nên áp dụng cứng nhắc theo số lượng.
“Cần xét nghiệm dựa theo mức độ lây nhiễm trong địa phương. Nếu bệnh viện quá tải, phải xét nghiệm diện rộng ngay nhưng nếu bệnh viện vẫn ổn thì nên khuyến khích người dân tự xét nghiệm, tổ chức tự xét nghiệm, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân tự xét nghiệm. Có thể lấy mẫu định kỳ, ngẫu nhiên và đại diện. Ví dụ, trong 1 gia đình chỉ cần lấy mẫu 1 người, trong 1 phân xưởng chỉ lấy 1 mẫu của 1 nhóm người ở cùng nhau và lấy mẫu luân phiên. Phải làm sao phát hiện sớm được COVID-19 và không làm ảnh hưởng đến sản xuất”, PGS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.
Một vấn đề quan trọng khác về lâu dài, theo chuyên gia này, là cần xây dựng chuyên ngành COVID-học; tạo các trung tâm điều trị chuyên khoa COVID-19 như phụ sản-COVID, lão học-COVID... “Chúng ta có thể thích ứng an toàn với đại dịch này lâu dài, mở cửa xã hội một cách bình an”, PGS Hiếu nhận định.
GS. TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam nhìn nhận sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân trong thời gian vừa qua, những kết quả chúng ta đạt được đến nay là khả quan và đáng được ghi nhận. Hầu hết các tỉnh, thành phố có nhiều ca nhiễm đều đã qua đỉnh dịch, nhất là TP Hồ Chí Minh và giữ được an toàn tại những địa bàn trọng yếu khác. “Tôi cho rằng chiến lược chống dịch mà chúng ta đã thực hiện cho đến ngày hôm nay là đúng và thực tiễn cũng đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt”, ông nói.
GS Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ rất ấn tượng với những nguyên tắc trong chống dịch thời gian tới mà Thủ tướng nêu, như y tế phải là trụ cột, là trung tâm để cơ sở sản xuất được hoạt động, lái xe được lái xe, học sinh được đi học… Đề nghị ở đâu có F0 thì phải phong tỏa xét nghiệm ngay cho đến khi có kết quả và phong tỏa thật hẹp, ông đánh giá rất cao bài học kinh nghiệm ở Phủ Lý (Hà Nam).
“Ban đầu, Hà Nam định phong tỏa toàn bộ Phủ Lý, sau đó theo chỉ đạo của Thủ tướng thì chỉ phong tỏa hẹp những phường có ca nhiễm. Phong tỏa hẹp mới làm xét nghiệm được, còn cả vùng thì sao làm xét nghiệm được? Phong tỏa phải thật hẹp và thật nghiêm, thật thần tốc để bên ngoài không còn F0 nữa, để những người khác được sinh hoạt làm việc bình thường, để thích ứng an toàn hiệu quả”, ông nói. Cùng với đó, thực hiện 5K thật nghiêm; đẩy mạnh tiêm vaccine nhanh nhất; xét nghiệm khoa học, hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm.
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, nếu muốn thích ứng an toàn với dịch bệnh thì phải hiểu được đặc điểm, tác nhân gây bệnh và có công cụ dễ dùng nhất, mọi người đều có thể sử dụng để phát hiện.
Do đó, vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, người dân đã được tiếp cận, tự thực hiện test nhanh. Với đợt dịch này, do biến chủng Delta có nồng độ virus lớn nên kết quả test nhanh tốt. Việc cho kết quả trong vòng 15 đến 30 phút là hết sức quý báu. Trong những ngày qua, ở TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của người dân, dưới sự hướng dẫn, có đến 50% người dân tự làm được việc này.
PGS Lê Thị Quỳnh Mai cũng khẳng định, vaccine là công cụ tốt nhất phòng COVID-19, hỗ trợ nhiều cho giảm triệu chứng nặng, hạn chế tử vong. Tuy nhiên, biện pháp vaccine vẫn phải kết hợp với các biện pháp thông thường chống dịch.
GS.TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, trải qua rất nhiều đợt dịch khác nhau và nhất là đợt dịch gần đây nhất, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt, cần phong tỏa, cách ly những địa bàn nhỏ nhất có thể, trước đây chúng ta nói đến các tỉnh, huyện, bây giờ là xã, thậm chí là thôn, xóm, hộ gia đình. Điều này góp phần tiết kiệm nguồn lực.
Về vaccine, thời điểm hiện nay khác nhiều so với cách đây khoảng hai tháng khi số lượng vaccine tương đối nhiều, đã bao phủ được tỷ lệ tương đối lớn. Chúng ta đang cố gắng triển khai càng sớm, càng nhanh càng tốt để đưa vaccine đến người dân, nhất là các đối tượng ưu tiên.
(còn tiếp)
(Theo chinhphu.vn)