Là một tỉnh Nam Tây Nguyên có diện tích rộng, nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, địa bàn chia cắt, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn...
Là một tỉnh Nam Tây Nguyên có diện tích rộng, nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, địa bàn chia cắt, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn. Từ đó, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống và nâng cao mọi mặt đời sống người dân vùng ĐBDTTS.
|
Đoàn công tác dân vận của tỉnh gặp gỡ thăm hỏi bà con đồng bào DTTS tại xã Gia Bắc, Di Linh. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19) |
•
TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO
Tỉnh Lâm Đồng hiện có dân số trên 1,3 triệu người với 47 đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó ĐBDTTS chiếm khoảng 27,72%. Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội đặc thù tăng cường công tác tuyên truyền trong ĐBDTTS. Trong đó, cần tập trung thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, công tác tôn giáo và các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS. Cùng với đó là đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn xã hội tham gia xóa nhà tạm”; thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng “gia đình, thôn, xã văn hóa”… Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thường xuyên chú trọng việc tăng cường và phát huy tốt vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín, các vị chức sắc trong các hoạt động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên các gia đình, dòng tộc, thôn, buôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đồng thời giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Đặc biệt, thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân trong tỉnh nói chung và người dân vùng ĐBDTTS nói riêng nâng cao ý thức chung tay phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Đức Tài - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, đến nay, điều kiện kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS trong tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư tương đối đồng bộ, trình độ sản xuất có bước phát triển. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mạnh. Có được kết quả đó, không thể không kể đến vai trò công tác dân vận của Đảng trong vùng ĐBDTTS thời gian qua.
•
NÂNG CAO MỌI MẶT ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN
Song song với việc chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng ĐBDTTS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập. Từ đó, góp phần nâng cao mọi mặt đời sống cho người dân vùng ĐBDTTS trên địa bàn.
Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy về thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của ĐBDTTS. Các chương trình, chính sách dân tộc, giáo dục và đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, dự án đầu tư, hỗ trợ trong vùng ĐBDTTS được chủ động thực hiện, kịp thời. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, ngày lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS, tết cổ truyền được quan tâm ở hầu hết tại các địa phương, đơn vị.
Với mục tiêu phát triển toàn diện vùng ĐBDTTS, những năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tập trung nhiều nguồn vốn, lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu; xóa nhà tạm, giải quyết đất sản xuất cho hộ ĐBDTTS còn thiếu; tổ chức hướng dẫn cho hộ nghèo cách làm ăn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn và cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất…
Có thể nói, với vai trò của công tác dân vận của Đảng và sự quan tâm đầu tư phát triển trong vùng ĐBDTTS, bộ mặt nông thôn vùng ĐBDTTS tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều khởi sắc phát triển, mọi mặt đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay mạng lưới giao thông đã được đầu tư cơ bản, hoàn thành từ huyện đến xã, liên xã; 100% số xã có đường kiên cố đến trung tâm xã; hệ thống giao thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, ĐBDTTS. Mạng lưới điện các thôn, buôn vùng ĐBDTTS trong tỉnh đã được phủ kín, cung cấp đủ điện cho đồng bào sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất; 100% số xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dùng điện ở nông thôn đạt trên 97%. 100% số hộ dân vùng ĐBDTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nay, 100% xã vùng ĐBDTTS có trường học mẫu giáo, tiểu học, THCS và 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường...
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định, công tác dân vận của Đảng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong vùng ĐBDTTS. Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu để Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy không ngừng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong vùng ĐBDTTS. Từ đó, tăng cường sự đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hòa nhập cùng phát triển. Cùng với đó là tiếp tục khẳng định sự quan tâm đầu tư của tỉnh nhằm phát triển toàn diện vùng ĐBDTTS; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa vùng đô thị với vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
DUY DANH