(LĐ online) - Chiều 26/10, ngày làm việc thứ 7 kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình hoạt động xoay quanh nội dung góp ý cho dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ.
(LĐ online) - Chiều 26/10, ngày làm việc thứ 7 kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình hoạt động xoay quanh nội dung góp ý cho dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ.
|
Các đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 26/10 tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng các vị ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tham dự và thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Sở hữu trí tuệ; nghe giải trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Cùng tham dự có đại diện Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh.
Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) đã tạo lập khung pháp lý hữu hiệu, phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng chuẩn mực quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đạo luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2009 và 2019 chủ yếu để đáp ứng các yêu cầu của cam kết quốc tế theo lộ trình.
Dự án luật được đưa ra lấy ý kiến nhằm thực hiện thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; trong đó, xác định “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước”. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc tăng cường khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tiến bộ của thế giới. Mặt khác, nhằm tiếp tục nội luật hóa các cam kết liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP.
Tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Các nội dung chính sách được quy định tại Điều 8 “Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ” chưa thấy rõ trọng tâm chính sách của Việt Nam trong bảo hộ và khai thác quyền tác giả, nhất là gắn với lĩnh vực mà quyền tác giả đóng vai trò then chốt như công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa. Những tranh chấp dai dẳng về sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt" là ví dụ rõ nét về vấn đề này. Nếu có những chính sách rõ ràng hơn về quyền tác giả thì việc phát triển hai lĩnh vực này sẽ có thể dễ dàng, thuận lợi và có tính định hướng cao hơn… Tương tự, để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh, cần làm rõ chính sách của Việt Nam đối với xu hướng mở để cân bằng lợi ích giữa “độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả” và “quyền tiếp nhận của công chúng”; trong đó, quyền tác giả là một trong những yếu tố quan trọng.
|
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ |
Về các quy định “chủ sở hữu quyền tác giả, quy định về chủ sở hữu quyền tác giả”, Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”; liên quan đến Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Các đồng tác giả sử dụng thời gian tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền tài sản quy định tại Điều 19, 20 của Luật này đối với tác phẩm đó”, các quy định trên đều đưa ra căn cứ xác định chủ sở hữu quyền tác giả là khi “tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm”. Việc nhấn mạnh yếu tố sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật để sáng tạo ra tác phẩm đó có thể dẫn đến những diễn giải rằng người nào đầu tư tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo ra tác phẩm là tác giả; những người cùng đóng góp thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật để tạo ra là đồng tác giả. Tác phẩm là một sản phẩm sáng tạo tinh thần, do đó, việc đóng góp tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật không mang ý nghĩa quyết định cũng như không phải là điều kiện để xác định tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh kiến nghị nên chỉnh sửa Điều 37 theo phương pháp loại trừ như sau “Tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ hoặc hợp đồng quy định tại Điều 39”; đồng thời, Khoản 1 Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ đề nghị được sửa lại như sau “Các đồng tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ hoặc theo hợp đồng quy định tại Điều 39”. Ngoài ra, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng có những ý kiến góp ý liên quan đến đối tượng quyền đối với giống cây trồng.
Sau phần thảo luận về Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề quan trọng mà ĐBQH nêu.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc tích cực của các ĐBQH. Quốc hội nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp, báo cáo, giải trình, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ ba vào tháng 6 năm 2022.
Ngày mai 27/10, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển đối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ an, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thảo luận về tình hình thực hiện chính sách chế độ bảo hiểm, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, việc quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020. Nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu.
NGUYỆT THU