Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thảo luận, góp ý Luật Cảnh sát cơ động và Luật Sở hữu trí tuệ

06:10, 21/10/2021

(LĐ online) - Chiều 21/10, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc của ngày làm việc thứ 2. 

(LĐ online) - Chiều 21/10, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc của ngày làm việc thứ 2. 
 
ĐBQH Trần Đình Văn tham gia góp ý Luật Cảnh sát cơ động
ĐBQH Trần Đình Văn tham gia góp ý Luật Cảnh sát cơ động
 
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Bên cạnh đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đây là 2 dự án Luật sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đóng góp tại kỳ họp lần này.
 
Đa số các ĐBQH đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động với những lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng”. Việc ban hành Luật nhằm cụ thể hóa nội dung về bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.  
 
Việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra.
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, dưới sự điều hành của Trưởng Đoàn ĐBQH Trần Đình Văn, các ĐBQH đã tham gia thảo luận đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan. 
 
Qua nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, báo cáo giải trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp và các tài liệu có liên quan, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý: Về cơ bản, nội dung dự thảo phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đã cụ thể hóa đầy đủ nội dung của 7 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09/12/2019, bảo đảm tính phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ”. Dự thảo được thẩm tra khá bài bản, tuân thủ đầy đủ theo quy định tại khoản 1, Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, còn một số nội dung quy định chưa thể hiện tính bao quát, một số thuật ngữ sử dụng còn mang tính trừu tượng cần được giải thích cụ thể hơn nữa. 
 
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý Luật Sở hữu trí tuệ
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý Luật Sở hữu trí tuệ
 
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh cũng góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 25 về sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, trừ trường hợp sao chụp toàn bộ hoặc phần trọng yếu của tác phẩm hoặc sao chép bằng thiết bị sao chép tự động hoặc các thiết bị sao chụp khác được cài đặt để sử dụng công cộng. 
 
ĐBQH Trần Đình Văn tham gia góp ý: Về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động cần được rà soát kỹ, một mặt đảm bảo phản ánh đúng vị trí, chức năng đặc thù của cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an Nhân dân, mặt khác không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự xã hội. Về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động cần có quy định chặt chẽ hơn để tránh nguy cơ lạm quyền, vi phạm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Về quy định vũ trang cho cảnh sát cơ động tại điểm C, khoản 2, điều 9 cần quy định chi tiết hơn về các trường hợp và các mức độ trang bị vũ khí cho cảnh sát cơ động. Bởi lẽ, việc tập trung đông người và biểu tình thường diễn ra ở nơi công cộng, vì vậy nếu trang bị vũ khí không phù hợp dễ dẫn đến tình trạng người dân hoang mang, kích động, dễ rơi vào tình trạng bạo loạn. Vì vậy, cần quy định cụ thể ngay trong Luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho lực lượng cảnh sát cơ động thi hành nhiệm vụ. 
 
Cũng liên quan đến dự án Luật Cảnh sát cơ động đại biểu Nguyễn Tạo góp ý: Về đánh giá tác động của dự án Luật Cảnh sát cơ động, đề nghị bổ sung đánh giá tác động về tổ chức, biên chế, kinh phí, khả năng đảm bảo của ngân sách để xây dựng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Về quy định vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, đề nghị cần quy định rõ hơn vị trí, chức năng của lực lượng cảnh sát cơ động, tránh trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ với Luật Công an Nhân dân vì cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc Công an Nhân dân.
 
ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia góp ý Luật Cảnh sát cơ động
ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia góp ý Luật Cảnh sát cơ động
 
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị nghiên cứu cụm từ “chuyên trách” để thống nhất với vị trí của Công an Nhân dân quy định tại Luật Công an Nhân dân và Luật An ninh quốc gia. Đề nghị chỉ nên quy định cảnh sát cơ động thực hiện những nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang và để cảnh sát cơ động tập trung huấn luyện, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống phức tạp về an ninh, trật tự. Hạn chế việc điều động, huy động, sử dụng cảnh sát cơ động thực hiện một số nhiệm vụ của lực lượng, đơn vị khác trong Công an Nhân dân. 
 
Ngày mai 22/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tham gia họp trực tuyến để nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế; báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020, đồng thời, thảo luận ở tổ về các dự án luật nói trên.
 
NGUYỆT THU