Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thảo luận tổ tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV

02:10, 21/10/2021

(LĐ online) - Sáng 21/10, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với các nội dung thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022; công tác phòng chống dịch Covid-19...

(LĐ online) - Sáng 21/10, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với các nội dung thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022; công tác phòng chống dịch Covid-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024. Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì nội dung thảo luận ở tổ.
 
Các đại biểu Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thảo luận tổ dưới sự điều hành của ông Trần Đình Văn Phó - Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng
Các đại biểu Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thảo luận tổ dưới sự điều hành của ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng
 
Trên cơ sở các báo cáo được trình bày tại kỳ họp, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tham gia thảo luận, góp ý với nhiều nội dung quan trọng. 
 
Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, đại biểu Trần Đình Văn cơ bản thống nhất cao với phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022. Đồng thời cho biết, báo cáo của Chính phủ đã bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh đến việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy mạnh độ phủ vắc xin; vì nếu cứ để tình trạng chênh lệch về độ phủ vắc xin của các địa phương trong cả nước, cộng với nguồn lực y tế của từng địa phương trong tình hình hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng bất cập trong tiến trình bình thường hóa các hoạt động xã hội và sống chung với dịch, độ vênh và bất cập trong việc triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ thực sự khó khăn. Đại biểu cho rằng: Để đạt được độ phủ vắc xin như trên, Chính phủ cần hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ. Đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm chăm lo đến vấn đề an sinh xã hội, chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại thành phố làm việc, hoặc giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động khi họ ở lại địa phương. Để thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tận dụng lợi thế về tiềm năng và có chiến lược phát triển thị trường du lịch chất lượng cao gắn với chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19, tạo điều kiện triển khai đón du khách có “hộ chiếu vắc xin”, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ phân bổ đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 để tiêm ngừa cho lực lượng lao động trong ngành du lịch, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương.
 
ĐBQH Trần Đình Văn tham gia góp ý, thảo luận tình hình, kết quả thực hiện  kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022
ĐBQH Trần Đình Văn tham gia góp ý, thảo luận tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022
 
Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đã chỉ ra một số mô hình phòng chống dịch và thích ứng trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay. Đồng thời, cho biết việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về việc ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới là hợp lý, kịp thời khoa học, tiếp thu hợp lý kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Do đó để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần có tính thống nhất trong chỉ đạo điều hành, trong hạ tầng chống dịch, tuân thủ nghiêm quy định, minh bạch công khai thông tin, ban hành kế hoạch xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm về việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin...
 
ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia góp ý, thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2022
ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia góp ý, thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2022
 
Về Nghị quyết 88 về chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu K’Nhiễu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập liên quan đến công tác triển khai, do đó Chính phủ cần sớm ban hành quyết định đầu tư, có cơ chế chính sách lồng ghép, tích hợp giữa các chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu K’Nhiễu góp ý: “Việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là quyết định mang tính lịch sử, nhằm tạo bước đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng đến nay, Chính phủ chưa phê duyệt quyết định đầu tư (ngày 14/10/2021 TTg đã ban hành Quyết định số 1719 về phê duyệt Chương trình). Hầu hết các chương trình, chính sách dân tộc đã hết hiệu lực vào năm 2020, nhiều chính sách được tích hợp vào Chương trình, nếu không triển khai kịp thời, các chính sách dân tộc sẽ bị gián đoạn, làm chậm cơ hội tiếp cận nguồn lực để phát triển, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu Chương trình đã đề ra. Bên cạnh đó, do chưa kiện toàn Ban Chỉ đạo chung cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội; chưa có quyết định phê duyệt đầu tư Chương trình, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai và giải ngân thực hiện Chương trình. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với các bộ, ngành liên quan, gắn vai trò, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đối với công tác quan trọng này”. 
 
 ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý về công tác phòng chống dịch Covid-19
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý về công tác phòng chống dịch Covid-19
 
Liên quan đến tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024, góp ý tại buổi thảo luận tổ sáng nay, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ cần đánh giá hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, nhất là quy định, hướng dẫn cụ thể về chi mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch. Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý: “Tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách thì tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 là 30,85 nghìn tỷ đồng; đề nghị Chính phủ cần đánh giá hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, nhất là việc chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch; thông tin dư luận đã phản ánh liên quan đến giá các loại kit test xét nghiệm Covid-19 hiện nay nhập khẩu về Việt Nam đang có rất nhiều mức giá. Đến nay, Bộ Y tế chủ yếu xây dựng hướng dẫn chuyên môn, còn công tác quản lý giá, chất lượng vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ y tế trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 gần như bị thả nổi, dẫn đến việc “loạn giá”, thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng bộ kit test xét nghiệm tăng rất cao, dẫn đến việc người dân và ngân sách nhà nước phải bỏ ra khoản tiền lớn hơn giá thực gây lãng phí ngân sách, hao tổn tiền của trong Nhân dân. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị, địa phương chấn chỉnh ngay trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế, mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi; xem xét đưa bộ kit test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức đàm phán giá, đấu thầu tập trung để có giá bộ kit test xét nghiệm hợp lý hơn, hoặc có hình thức cạnh tranh để có mức giá phù hợp hơn trong thời gian tới”.
 
ĐBQH K’Nhiễu góp ý về thực hiện  Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
ĐBQH K’Nhiễu góp ý về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
 
Chiều nay, Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV tiếp tục nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động; tờ trình báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và thảo luận ở tổ về các dự án luật trên.
 
Báo Lâm Đồng điện tử tiếp tục thông tin chi tiết tới bạn đọc và cử tri trong tỉnh được biết.
 
NGUYỆT THU