Giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội

04:10, 05/10/2021

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới, cải tiến tại các kỳ họp của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng đã tham gia đóng góp nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới, cải tiến tại các kỳ họp của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tỉnh Lâm Đồng đã tham gia đóng góp nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả.
 
Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề là một trong những nội dung đổi mới được Đoàn ĐBQH khóa XV tập trung thực hiện có hiệu quả.
Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề là một trong những nội dung đổi mới được Đoàn ĐBQH khóa XV tập trung thực hiện có hiệu quả.
 
Theo đó, Đoàn đã góp ý: ĐBQH cần chủ động nắm bắt từ sớm, sát thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn sinh động của đời sống kinh tế - xã hội để đưa hơi thở của cuộc sống vào nghị trường Quốc hội và có những đóng góp ý kiến kịp thời, đúng đắn, sát thực tiễn. 
 
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Quốc hội cần tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, thể hiện tinh thần quyết tâm “chống dịch như chống giặc” và quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.
 
Đặc biệt, cần tập trung làm tốt công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khóa XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong giai đoạn mới. 
 
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Đoàn đề nghị Quốc hội xem xét tăng cường các kỳ họp, các phiên họp đối với ĐBQH chuyên trách bằng hình thức họp trực tuyến để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh và giảm chi phí, thời gian đi lại. Tiếp tục dành nhiều thời gian cho ĐBQH tham gia thảo luận, tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, đồng thời xin ý kiến, cung cấp tài liệu cho đại biểu qua hệ thống điện tử để đảm bảo thuận lợi việc đại biểu cho ý kiến và nghiên cứu tài liệu trước khi lên hội trường.
 
Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Muốn thế, cần bám sát, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và phân tích, nắm chắc yêu cầu thực tiễn cuộc sống; đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động lập pháp, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Nỗ lực phấn đấu để có đủ những đạo luật cơ bản cần thiết điều chỉnh các quan hệ xã hội; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… 
 
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, thông qua giám sát kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, bổ sung, từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động giám sát theo hướng xác định rõ phạm vi, đối tượng chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội; thẩm quyền giám sát của các chủ thể; cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành; chú trọng hơn nữa vấn đề hậu giám sát. Hoạt động giám sát không dàn trải, tập trung vào các vấn đề quan trọng, bức xúc mà Nhân dân và cử tri quan tâm. Tăng cường hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các đoàn ĐBQH. Tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, đi sâu phân tích vấn đề một cách tập trung và thực chất, qua đó làm rõ hơn tình hình và nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo ra những chuyển biến thực sự trong thực tiễn.
 
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo kiến nghị thêm: Củng cố, kiện toàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để tham mưu, giúp việc theo hướng tăng tính chuyên nghiệp, ổn định; củng cố và phát huy vai trò của Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng; có cơ chế cụ thể để huy động đội ngũ cộng tác viên, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia đóng góp vào hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh.
 
NGUYỆT THU