Kết quả bước đầu công tác phòng chống dịch Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4

10:10, 17/10/2021

(LĐ online) - Sáng 17/10, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. 

(LĐ online) - Sáng 17/10, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. 
 
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, các đồng chí: Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng và Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; cùng tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng.
 
  HƠN 5 THÁNG CHỐNG DỊCH VỚI ĐA NGUỒN LÂY, ĐA CHỦNG, ĐA Ổ BỆNH
 
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo kết quả bước đầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam.
 
Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Đến nay, đã ghi nhận 860.000 ca mắc; riêng đợt dịch thứ 4 ghi nhận 858.000 ca mắc và 21.000 ca tử vong. Tính trên 1 triệu dân, số mắc xếp thứ 155/223 trên thế giới và thứ 9/11 trong ASEAN; số tử vong xếp thứ 134/223 trên thế giới và thứ 6/11 trong ASEAN. Tỷ lệ tử vong trên số mắc là 2,4%, xếp thứ 58/223 trên thế giới, và thứ 3/11 trong ASEAN. 
 
Đợt dịch thứ 4 khởi đầu ngày 27/4 với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn. Số ca mắc và tử vong tăng cao, chiếm hơn 99% tổng số của 3 đợt dịch trước đó. Đến nay, dịch bệnh đã được ghi nhận tại 62/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (trừ tỉnh Cao Bằng).
 
Đợt dịch thứ 4 đã kéo dài hơn 5 tháng, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Một số tỉnh, thành phố vẫn có các ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng tại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu. 
 
Một số mô hình hay, cách làm tốt trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam: Tổ Covid cộng đồng; mô hình trạm y tế lưu động; xét nghiệm diện rộng, nhiều vòng ở các địa bàn nguy cơ cao, rất cao; phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”;  quản lý điều trị tại nhà cho người nhiễm (F0); hỗ trợ tư vấn từ xa; mô hình sản xuất “3 tại chỗ” trong phòng, chống dịch…
 
Các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị
Các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị
 
  10 BÀI HỌC KINH NGHIỆM
 
Hội nghị cũng nêu ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đợt 4 tại Việt Nam; đồng thời, rút ra một số kinh nghiệm bước đầu từ thực tế công tác phòng, chống dịch. 
 
Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và nhất quán từ Trung ương đến địa phương; huy động cả hệ thống chính trị và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động các nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống dịch; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; coi trọng dân, chăm lo cho dân, vận động nhân dân; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
 
Thứ hai, sự vào cuộc đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở trong đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội; đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo lương thực, thực phẩm để người dân an tâm trong việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch; sự vào cuộc chủ động, tích cực của các lực lượng tuyến đầu nhất là lực lượng nòng cốt như y tế, quân đội, công an… Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng. Thực hiện phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động sáng tạo trong tổ chức thực hiện ở các cấp, nhất là cấp cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát đi đôi với hướng dẫn tổ chức thực hiện. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. 
 
Thứ ba, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tốt hoạt động truyền thông, nhất là phát huy vai trò của mạng lưới truyền thông tại xã, phường, thị trấn. Chủ động, tăng cường hợp tác, ngoại giao y tế với các quốc gia, tổ chức quốc tế, nhất là với ngoại giao vắc xin; tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch; tích cực hợp tác, tham gia các chương trình quốc tế về phòng, chống dịch
 
Thứ tư, cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, toàn diện, đồng bộ ở mức cao nhất có thể (kể cả kịch bản cho tình huống xấu hơn) để tránh bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến dịch bệnh. Chủ trương, mục tiêu, biện pháp phải dựa trên diễn biến dịch, năng lực hiện có và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. 
 
Thứ năm, huy động tổng lực ngành y tế; thiết lập hệ thống chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, đặc biệt là tại các địa bàn thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Phải chủ động vắc xin, thuốc điều trị.
 
Thứ sáu, huy động lực lượng quân đội, công an chủ động và tham gia vào công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu, nhất là trong việc bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội, tổ chức cách ly nghiêm ngặt, truy vết triệt để người tiếp xúc gần, người nhiễm bệnh.
 
Thứ bảy, thực hiện chiến lược linh hoạt, hiệu quả trong việc xét nghiệm, điều trị, cách ly tùy diễn biến dịch bệnh và điều kiện triển khai thực tế trên địa bàn. Chủ động các phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở điều trị khi số mắc tăng cao; điều trị sớm để giảm bệnh tăng nặng và giảm tử vong. Triển khai các hình thức cách ly phù hợp, bảo đảm tuân thủ cách ly nghiêm ngặt.
 
Thứ tám, bảo đảm công tác an sinh xã hội đối với người dân trong vùng dịch, nhất là ở khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa để người dân yên tâm, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời, nâng cao các điều kiện về ăn ở, động viên tinh thần đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch yên tâm công tác.
 
Thứ chín, chủ động các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trong công nhân, an ninh thông tin, an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, không để các  loại tội phạm lợi dụng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. 
 
Thứ mười, làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội. Truyền thông phải chủ động, đi trước một bước, định hướng dư luận. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng. Các biện pháp trước khi đưa ra cần được chuẩn bị về truyền thông. Bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời, khách quan để người dân biết, tự giác tham gia, kiểm tra, giám sát trong công tác phòng, chống dịch và tin tưởng vào sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, không để các phần tử xấu gây kích động, chia rẽ nội bộ.
 
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
 
  6 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
 
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.
 
Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trên cơ sở độ bao phủ vắc xin, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế và diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương; khi thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch có hiệu quả thì từng bước nới lỏng các yêu cầu phòng, chống dịch với lộ trình cụ thể, khả thi để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh.
 
Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bảo đảm an ninh y tế, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng, chống dịch, kể cả đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.  Tiếp tục nhập khẩu vắc xin và thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo; khuyến khích huy động nguồn lực địa phương, doanh nghiệp để mua vắc xin nhưng phải quản lý chặt chẽ về cấp phép, bảo đảm chất lượng, bảo quản và tổ chức tiêm miễn phí, an toàn, hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học; nghiên cứu việc xã hội hóa tiêm chủng vào thời điểm thích hợp. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.
 
Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, sang chấn tâm lý của người dân; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến. Bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực.
 
Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; không ban hành các biện pháp trái với quy định của Trung ương, nhất là trong hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, quảng bá hình ảnh Việt Nam trong phòng chống dịch và khôi phục sản xuất an toàn để góp phần thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, du lịch trong điều kiện bình thường mới; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
 
  MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRƯỚC MẮT 
 
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch để phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân, mở cửa trở lại các hoạt động giao thông, giáo dục, dịch vụ...  Tiếp nhận, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp... trong quá trình thực hiện thích ứng an toàn. 
 
Các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với dịch Covid-19, trong đó xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn. Chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn, điều chỉnh tiêu chí phân loại phù hợp với diễn biến tình hình dịch, độ bao phủ vắc xin và điều kiện thực tiễn.
 
Các địa phương phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch trong việc đưa đón người dân về địa phương; tổ chức xét nghiệm, cách ly và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ diễn biến dịch trên địa bàn để nhanh chóng xử lý các ổ dịch mới phát sinh.
 
Đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc, thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học.
 
Thực hiện việc kết nối, xác thực và liên thông các cơ sở dữ liệu trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đảm bảo an toàn, an ninh đối với các ứng dụng và cơ sở dữ liệu phục vụ phòng, chống dịch. 
 
Tổng kết việc thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng kịch bản, chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung các giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác phòng, chống dịch.
 
AN NHIÊN