(LĐ online) - Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung không phải là vấn đề đến nay mới đề cập.
(LĐ online) - Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung không phải là vấn đề đến nay mới đề cập.
Từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rất rõ cán bộ là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của cách mạng. Qua 91 năm lãnh đạo và tổ chức thực hiện đã chứng minh chỉ có quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng, tạo điều kiện để cán bộ phát huy tối đa phẩm chất, năng lực thì việc đề ra chủ trương, đường lối mới đúng đắn, phù hợp và việc tổ chức thực hiện mới nhanh chóng, chặt chẽ, hiệu quả.
Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều có các chủ trương, nghị quyết lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và có cơ chế bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ khẳng định mình. Sau năm 1975, để bảo đảm cho Ðảng đủ sức làm tròn trách nhiệm lãnh đạo toàn dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, cùng với đặt ra yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, Đảng ta đã nhấn mạnh, cần đấu tranh loại bỏ tư tưởng: “Trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán...”.
Các nhiệm kỳ đại hội sau đó, Đảng ta tiếp tục đề cập rõ hơn về việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, sau khi thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, báo cáo chính trị đã nhấn mạnh, nhiệm kỳ mới cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm, bảo vệ chân lý”; cần phải tập hợp được những cán bộ có tinh thần “dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”.
Các kỳ đại hội, từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng, vấn đề phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ đều được Đảng ta coi trọng. Sau Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; trong đó, chỉ rõ nhiệm vụ phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung... Tiếp tục tinh thần ấy, đến Đại hội XIII, Đảng ta một lần nữa khẳng định: Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Thực tiễn đã chứng minh, những thành quả to lớn mà chúng ta đạt được hôm nay bắt nguồn từ chính tinh thần dám thay đổi, dám kiên quyết đấu tranh của những cán bộ lãnh đạo vì lợi ích của nhân dân, vì sự lớn mạnh của Đảng, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình dù gặp phải không ít khó khăn, thử thách. Đó là những tấm gương mẫu mực về bản lĩnh, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Điển hình, có thể kể đến đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ”, hướng đi rất mới trong cách thức quản lý nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp. Tấm gương của Tổng Bí thư Trường Chinh với tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy lý luận và thực tiễn sâu sắc, là người khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người của “Những việc cần làm ngay”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại dấu ấn đậm nét với việc xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên, xây dựng đường dây tải điện 500 KV…
Trải qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Cơ đồ của đất nước không chỉ là sự kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta mà còn là thành quả từ những quyết định táo bạo, đổi mới, đột phá vào những thời điểm quan trọng của lịch sử của những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Nhân dân, của đất nước.
Mới đây nhất, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận nêu rõ: Để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Kết luận của Bộ Chính trị xác định những chủ trương, nhiệm vụ nhằm khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung:
Thứ nhất là, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Thứ hai là, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Thứ ba là, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.
Thứ tư là, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hoá thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.
Có thể khẳng định rằng, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị là tiền đề quan trọng giúp mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng tự tin làm việc, cống hiến, mạnh dạn đổi mới vì lợi ích chung mà không sợ áp lực, không sợ thất bại; đồng thời, kiên định với những mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Để chủ trương quan trọng này đạt hiệu quả, phát huy tác dụng vào từng lĩnh vực trong quá trình phát triển của đất nước, rất cần những chính sách, quy định cụ thể và phù hợp, có thể giải quyết được vấn đề đang đặt ra làm cản trở sự dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế, chính sách thật cụ thể, chi tiết để bảo vệ những cán bộ năng động, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc.
ĐỨC HẠNH