(LĐ online) - Chiều 22/10, tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường Ba Đình, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung...
* ĐBQH Lâm Đồng đề nghị nâng mức hỗ trợ từ 75% lên 100% phí bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo
(LĐ online) - Chiều 22/10, tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường Ba Đình, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
|
Toàn cảnh phiên làm việc chiều ngày 22/10 của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng |
Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có đại biểu Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng; đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH; các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh. Cùng tham dự nghe các báo cáo, tờ trình của Quốc Hội có đại diện các Ban Văn hóa - xã hội, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, lãnh đạo sở Y tế, Tài Chính, Lao động - Thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội (Quốc hội) qua thẩm tra đã nêu lên một số tồn tại về bảo hiểm y tế như: Mức đóng BHYT của một số nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT, mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng. Vẫn còn tình trạng NSNN chậm chuyển kinh phí đóng BHYT cho đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương; chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở KCB, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT. Một số cơ sở KCB do lo ngại việc không được thanh toán các chi phí vượt dự toán nên có tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chỉ KCB BHYT cầm chừng, kê đơn để bệnh nhân mua thuốc ngoài BHYT, đặc biệt là khi thực chi đã gần chạm hoặc vượt ngưỡng được giao.
Các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020. Thảo luận về phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp; Về thu, nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp; Về chi trả Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp; Về việc thực hiện chính sách hưởng Bảo hiểm xã hội một lần.
|
ĐBQH K’ Nhiễu tham gia góp ý về luật Bảo hiểm xã hội |
ĐBQH K’Nhiễu Đoàn Lâm Đồng đã tham gia góp ý: Đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp tục có chính sách hỗ trợ đóng BHYT đối với người đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tại tỉnh Lâm Đồng có 65 xã không còn nằm trong danh sách xã khó khăn, đặc biệt khó khăn với khoảng trên 150.000 người sẽ không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT (trong đó, người dân tộc thiểu số trên 120.000 người; người kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn trên 30.000 người) dẫn đến những đối tượng này không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hoặc tạo ra những gánh nặng xã hội khi họ ốm đau bệnh tật, làm nảy sinh nguy cơ tái nghèo và ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu bao phủ BHYT, đặc biệt là tác động rất lớn đến đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; đồng thời để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt 95% số người tham gia BHYT. Việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đôi khi chưa kịp thời do bà con đồng bào còn có tục lệ tảo hôn, bố mẹ trẻ chưa được cấp chứng minh thư/căn cước công dân, không có giấy đăng ký kết hôn và không có giấy chứng sinh do trẻ sinh tại nhà. Đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu các biện pháp để sớm đảm bảo cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bao phủ bảo hiểm y tế, thực hiện trọn vẹn ý nghĩa của công tác an sinh xã hội toàn dân.
|
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý về luật Bảo hiểm Y tế |
Cho ý kiến về chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh, bảo hiểm y tế là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng, quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế được bảo đảm, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ bảo hiểm xã hội cao tập trung ở nhóm ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Đối tượng mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đạt 76,5%. Một bộ phận lao động tự do, người yếu thế, người nghèo chưa có điều kiện tiếp cận bảo hiểm y tế.
Đại biểu đề nghị, cần quan tâm đến bảo hiểm y tế cho đối tượng người cao tuổi, tiếp tục chính sách hỗ trợ 100% phí bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi thuộc hộ nghèo; nâng mức hỗ trợ từ 75% - 100% phí bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo; cân nhắc hạ độ tuổi người cao tuổi từ 80 tuổi còn 75 tuổi. Đối với mức hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Luật bảo hiểm xã hội (Khoản 1, Điều 14, Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ) là thấp nên chưa thu hút được nhiều người tham gia. Theo đó, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh đề xuất: Điểm c, Khoản 1, Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ thì mức hỗ trợ của nhà nước là 30%. Đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình lên 50%. Đồng thời, đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng học sinh, sinh viên từ 30% lên 50%. Bên cạnh đó, đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Ngày mai 23-10, Quốc hội tiếp tục làm việc và nghe Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
NGUYỆT THU