Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, các tín đồ tôn giáo đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ tình nguyện vào các tâm dịch của đất nước.
[links()]
Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, các tín đồ tôn giáo đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ tình nguyện vào các tâm dịch của đất nước. Đó là minh chứng sống động cho việc tôn giáo là bộ phận đặc biệt quan trọng, luôn đồng hành với các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển dải đất hình chữ S. Và với tinh thần ấy, các tôn giáo trên mảnh đất Nam Tây Nguyên cũng đã cùng sát cánh, tạo sức mạnh chung về cả vật chất lẫn tinh thần, nhằm đồng hành, góp sức đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đồng thời sẻ chia với bà con ở các địa phương khác. Một khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo đặc biệt đã được xây đắp từ những ngày dịch bệnh hiểm nguy, gian khó.
Bài 1: Bóng áo lam trên những cánh đồng xanh
“Đây là một cuộc chiến chưa có tiền lệ, vô hình và kéo dài. Làm từ thiện giữa dịch bệnh lại càng thêm khó khăn. Nhưng càng trong gian nan, ta càng thấy được tấm lòng yêu thương đầy trân quý của các Tăng, Ni và bà con Phật tử đối với đồng bào” - Hòa thượng Thích Thanh Tân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cảm động chia sẻ.
|
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly Bệnh xá H32, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng |
• NGHĨA ĐỒNG BÀO TIẾP THÊM SỨC MẠNH
Gần 3 tháng nay, một khoảnh sân của Tịnh xá Ngọc Ninh (huyện Đức Trọng) được tận dụng làm điểm tập kết nông sản do các sư cô, Phật tử của Làng chùa Đại Ninh thu gom được. Sư cô Tâm Huệ dáng người thấp bé, nhỏ nhắn, ít ai nghĩ rằng bà huy động được gần 50 Phật tử, lăn xả trên cánh đồng rau tận mấy tháng trời, gửi về bà con các tỉnh, thành hơn 1.000 tấn nông sản. Sư cô bảo, con số đó tưởng nhiều, nhưng bà con nơi tâm dịch thì rất đông, nên hàng ngàn tấn rau chỉ như muối bỏ biển.
Tranh thủ gặp được sư cô Tâm Huệ trong buổi sáng hiếm hoi bà nghỉ vì trời mưa to bởi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sư cô cười hiền chia sẻ: “Các sư cô và Phật tử Làng chùa Đại Ninh đứng giữa, bỏ tiền, bỏ công để giải cứu cả 2 đầu. Ở vùng dịch thiếu nông sản thì chúng tôi cố gắng đưa nông sản xuống, ở địa phương, bà con không bán được thì các sư cô mua giùm, dù là giá rẻ. Có những ngày đuối sức quá, các sư cô và Phật tử tính ngưng, nhưng nghĩ tới cảnh bà con thiếu thốn, và cả đồng rau của nông dân phải nhổ bỏ nếu không được thu hoạch kịp thời, vậy là lại cố gắng”. Ban đầu, các sư cô chỉ tính thu gom nông sản cho vài chuyến xe, vậy mà cứ làm miết, làm miết cho đến tận bây giờ.
Các sư cô ở Làng chùa Đại Ninh đùa nhau rằng bây giờ các cô đã tính toán rành như người đi buôn thứ thiệt, bởi ba tháng ròng rã, miệt mài với không biết bao nhiêu chuyến xe chở nông sản về tâm dịch, các sư cô phải tính loại rau, củ nào phù hợp, đám rau nào cần thu hoạch trước, đám củ nào cần phải hái sau. Chuyến nào ít nhất cũng trị giá 20 triệu đồng, có chuyến lên đến 40 triệu đồng. Có ngày, các sư cô, Phật tử thu gom nông sản đủ tận cho 3 chuyến xe, dù không phải ai cũng khỏe mạnh và nhiều người trong số họ đã lớn tuổi.
Để rau, củ, quả được gởi tới người dân vùng dịch trọn vẹn nhất, Làng chùa Đại Ninh cố gắng thu hái buổi sáng, đưa lên xe buổi tối để sáng mai đã đến tay người dân đảm bảo tươi xanh. Phật tử chủ động gọi trước cho các quý sư, hỏi chỗ thu gom nông sản để đến hỗ trợ. Ngày ít 20 người, ngày nhiều 50 người, những người con nhà Phật tham gia với tất cả tấm lòng chia sẻ, chăm chút, nâng niu bọc từng cây rau vào giấy báo để đỡ hư hỏng nhất có thể.
Nam Tây Nguyên đang mùa mưa. Thời tiết ẩm ướt, đường sá trơn trợt,… Không thể kể hết những vất vả, nhọc nhằn mà các sư cô và Phật tử Làng chùa Đại Ninh đã nếm trải trong gần 3 tháng dầm mưa dãi nắng, lội ruộng xuống vườn để thu hoạch nông sản gửi đến đồng bào vùng dịch. Họ chạy đua với cả thời tiết, dịch bệnh và sức người.
Sư cô Tâm Huệ kể, có những ngày ham làm nên quá bữa, vừa đói vừa mệt, sư cô bị tụt huyết áp, vậy mà leo lên thùng xe tải trên bờ ruộng nghỉ 2 tiếng để lấy lại sức, sư cô lại xông xáo xuống vườn. Không thuê được người bốc vác lúc cao điểm dịch bệnh, các sư cô leo luôn lên xe để sắp xếp hàng. Có buổi đang làm mà mưa to bất chợt, các sư cô, Phật tử dùng bao ni lông trùm lại ngồi luôn trên cánh đồng, bảo rằng đây là cách trú mưa nhanh nhất. Có bữa mấy sư cô giao hàng xong về tới chùa đã là một giờ sáng, nhẹ nhàng mở cổng, tắt xe để không ảnh hưởng tới giấc ngủ của mọi người. Có sư cô tối muộn nhắn: “Em ơi, sư bị cao huyết áp, chắc mai sư không tham gia được”, vậy mà sáng mai đã thấy có mặt từ sớm trên đồng rau cùng mọi người. “Hình như, tình yêu thương và nghĩa đồng bào đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua tất cả” - sư cô Tâm Huệ chia sẻ.
Dịch bệnh kéo dài, nghĩa là người dân vùng dịch cũng đã chịu khổ và thiếu thốn quá lâu. Các sư cô và Phật tử Làng chùa Đại Ninh nghĩ vậy, lại càng thương, lại càng cố gắng để thu gom nông sản nhiều nhất có thể mà vẫn giữ an toàn cho bản thân, cho cộng đồng và xã hội trước nguy cơ dịch bệnh. Động cơ thôi thúc họ, luôn là tình thương yêu xuất phát từ trái tim.
|
Các sư cô, Phật tử Làng chùa Đại Ninh chăm chút từng cây rau, túi củ để gửi về người dân vùng dịch được trọn vẹn nhất |
•
NHỮNG TẤM LÒNG THƠM THẢO
Theo thống kê từ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, đến nay, toàn tỉnh đã huy động được tổng số tiền trên 5 tỷ đồng, gần 5.000 tấn nông sản, 2.000 phần quà, gạo, mì, dầu ăn, nước tương,... ủng hộ cho cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 trong và ngoài tỉnh. Những con số có thể thống kê, nhưng tấm lòng, tình cảm của mỗi Tăng, Ni, Phật tử gửi gắm vào trong đó là điều không thể nào đong đếm hết được.
Cẩn thận lựa từng trái bí, quả cà, có mặt trong từng chuyến giao nhận nông sản lên mỗi chuyến xe yêu thương, Hòa thượng Thích Thanh Tân - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng hoan hỉ chia sẻ niềm vui khi đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ các cơ sở Phật giáo trên toàn tỉnh. Làn sóng dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng quá nặng nề đối với TP Hồ Chí Minh. Và Lâm Đồng cũng mang nặng ân tình của Sài Gòn trước đó. Tăng, Ni, Phật tử hiểu được điều này nên ra sức ủng hộ cho các tỉnh miền Nam. Các ngày lễ cũng được các cơ sở Phật giáo tinh giản để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho tuyến đầu chống dịch.
Đại đức Thích Linh Toàn - Trưởng Ban Thông tin truyền thông của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, tâm sự: Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, nên công tác từ thiện xã hội là một trong những Phật sự mà Ban Trị sự Phật giáo tỉnh luôn chú trọng quan tâm thực hiện từ xưa đến nay. Với phương châm “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”, hoạt động thiện nguyện đã trở thành công việc hàng ngày của các Tăng, Ni, Phật tử. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, khi xã hội có việc gì cần thì Phật giáo luôn luôn sẵn sàng, kịp thời đồng hành.
Còn nhớ những ngày này của năm trước, khi miền Trung đang oằn mình chống chọi với bão lũ, thì Hòa thượng Thích Thanh Tân cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cũng kịp thời có mặt, cứu trợ cho người dân vùng lũ. Gian nan, vất vả! Thế nhưng, cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần này lại đặt công tác cứu trợ của những người con Phật nơi mảnh đất Nam Tây Nguyên trước những thử thách mới, gấp gáp hơn, nguy hiểm hơn bội phần.
Dịch bệnh càng kéo dài, càng thấy được tấm lòng, đạo lý làm người, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Trong những ngày mưa Đà Lạt, trên ruộng, dưới vườn, bóng áo lam, áo nâu của các Tăng, Ni, Phật tử hòa cùng màu áo xanh thanh niên và màu áo Bộ đội Cụ Hồ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp nhịp nhàng. Giữa các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức tôn giáo hình thành mối liên kết chặt chẽ để xây dựng kế hoạch thu gom nông sản. Bao giọt mồ hôi rơi xuống để những chuyến xe thấm đượm tình quân dân và tình nghĩa đồng bào lần lượt được chất đầy, chở theo tình cảm của bà con Phật tử Lâm Đồng gửi xuống đồng bào khó khăn vùng dịch.
(CÒN NỮA)
VIỆT QUỲNH - HOÀNG MY