"Trước nỗi xót xa với những bộn bề do dịch bệnh COVID-19 gây ra, khoảng cách giữa các tôn giáo dường như đã bị xóa nhòa...
[links()]
Bài 2: Khoảng cách xóa nhòa trước nỗi niềm chung
“Trước nỗi xót xa với những bộn bề do dịch bệnh COVID-19 gây ra, khoảng cách giữa các tôn giáo dường như đã bị xóa nhòa. Đọng lại sau tất cả là tinh thần tương thân tương ái, là tấm lòng thơm thảo của bà con các tôn giáo ở mảnh đất Nam Tây Nguyên cố gắng chắt chiu để gởi về vùng dịch” - ông Đường Anh Ngữ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khẳng định.
Những chuyến rau, củ mang đầy tình cảm của nông dân gửi đến biết bao chuyến xe yêu thương |
•
CÀNG TRONG GIAN KHÓ, CÀNG RÕ TẤM LÒNG
Hơn 3 tháng đồng hành cùng những chuyến thu gom nông sản gửi về đồng bào vùng dịch, chị Đinh Thị Hồng Phúc - Phó Giám đốc Caritas giáo phận Đà Lạt đã vô cùng xúc động khi trong số hàng hóa vận động được, có khi có cả măng rừng, lá bép mà giáo dân đồng bào dân tộc thiểu số ở tận vùng sâu Đạ Tông (Đam Rông), Đưng K’Nớ (Lạc Dương), Lộc Tân (Bảo Lâm) lên rừng thu hái; có người mang đến vài trái thanh long, có khi là buồng chuối rừng, mía, bưởi, hay là thùng mì gói, túi gạo nhỏ,... Bà con nghĩ rằng, mảnh đất nhọc nhằn này đã đón nhiều đoàn từ thiện từ TP Hồ Chí Minh về tặng quà, khám chữa bệnh và xây dựng các công trình dân sinh, thế nên, khi người dân Sài Gòn khốn khó, bà con chỉ mong có thể đóng góp một ít lương thực, thực phẩm, là tấm lòng của núi rừng hướng về TP Hồ Chí Minh để cùng đẩy lùi dịch bệnh. Đó cũng là tình cảm chung của bà con giáo dân tỉnh Lâm Đồng dành cho đồng bào các tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Từ những ngày đầu tháng 7, khi nhận được điện thoại từ Caritas TP Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn được hỗ trợ rau, củ, quả trong tình hình dịch bệnh vô cùng phức tạp, Caritas Đà Lạt đã mời gọi một số giáo xứ trong hạt Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương giúp hỗ trợ thu gom và vận chuyển nông sản đến Sài Gòn. Tại Đà Lạt, nơi có các nhà vườn cho rau miễn phí, Caritas lại kêu gọi những tình nguyện viên, các nữ tu, cha xứ cùng nhiều bạn trẻ khác không cùng tôn giáo tham gia thu hoạch, đóng gói nông sản.
Khi việc vận chuyển bằng xe khách có nhiều bất tiện và chi phí cao, Caritas Đà Lạt bắt đầu có những chuyến xe lớn (từ 10 đến 20 tấn) với những điểm thu gom được mở rộng xuống vùng Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương,... Với lời kêu gọi của Tòa Giám mục Đà Lạt, các ân nhân và giáo xứ bắt đầu đóng góp hiện kim nhiều hơn để Caritas có thể thu mua thêm nhiều mặt hàng; đồng thời, hỗ trợ một phần giúp người nông dân Lâm Đồng chi trả các chi phí sản xuất, cũng như giúp bà con nông thôn nghèo có thêm thu nhập từ nông sản thu hái được.
Từ 2 chuyến mỗi tuần, số xe bắt đầu tăng lên 6 chuyến, có tuần lên đến 8 chuyến. Ngoài rau, củ, quả, thỉnh thoảng, các chuyến xe lại bất ngờ nhận được thêm vài ba thùng xốp hàng đông lạnh... Đó là vài trăm con gà, chim cút, thịt bò, thịt heo, 1 tấn cá... mà bà con giáo dân gởi thêm cho đồng bào vùng dịch. Ban đầu, các chuyến hàng được phân phối cho Sài Gòn, nhưng từ nửa cuối tháng 7 thì bắt đầu mở rộng thêm ra Bình Dương và Đồng Nai, rồi đến đầu tháng 8 lại vươn thêm đến Nha Trang (Khánh Hòa) và Phan Thiết (Bình Thuận).
Chị Hồng Phúc cho biết, các điểm tiếp nhận hàng là Caritas các giáo phận, bếp ăn của bệnh viện, nhà dòng, giáo xứ, nhóm thiện nguyện phục vụ người nghèo, người khuyết tật, vô gia cư, lao động nhập cư trong các khu cách ly, phong tỏa, các chốt kiểm dịch, bếp ăn phục vụ các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến, chuỗi siêu thị 0 đồng. Gần 1.000 tấn hàng trên hơn 50 chuyến xe lớn là những gì mà bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chung sức cho đồng bào vùng dịch trong những tháng qua.
Những chuyến xe dần phong phú các loại nông sản hơn để bà con vùng dịch cải thiện bữa ăn, được ưu tiên những loại rau, củ, quả dễ bảo quản và sử dụng. Các cha xứ trực tiếp xuống vườn, điều phối, động viên và khích lệ giáo dân, tình nguyện viên cùng cố gắng. Ai nấy đều mong có thể góp một phần nhỏ nhoi, tiếp thêm sức cho lực lượng tuyến đầu và các địa phương cùng chiến thắng dịch bệnh.
Các em nhỏ cùng theo bố mẹ ra đồng thu gom nông sản |
•
GOM GÓP YÊU THƯƠNG QUA TỪNG PHẦN VIỆC
“Việc thiện dù nhỏ nhất cũng ráng làm” - Đó là điều mà Giáo hữu Ngọc Tri Thanh - Trưởng Ban Ðại diện Hội thánh Cao đài Tòa thánh Tây Ninh tỉnh Lâm Ðồng luôn tâm niệm và nhắn nhủ với các tín đồ, đặc biệt là trong công tác chung tay phòng, chống dịch COVID-19. Hiện, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 5 họ đạo, 1 ban nghi lễ, với trên 5.000 tín đồ Hội thánh Cao đài Tòa thánh Tây Ninh.
Từ hai tháng nay, mỗi tháng một lần, tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng (đường Hoàng Diệu), hơn 250 suất cơm ấm nóng lại được các tín đồ của Hội thánh Cao đài Tòa thánh Tây Ninh tỉnh trao tận tay cho những người lao động nghèo, người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ 5 giờ sáng, hơn 10 người đã có mặt tại thánh thất Đa Phước (Phường 11, TP Đà Lạt) để chuẩn bị, sơ chế, nấu nướng, vận chuyển, cố gắng sắp xếp sao cho đến 9 giờ sáng đã có thể phát cơm cho người dân. “Còn nhớ lần đầu tiên, chúng tôi dự kiến 100 suất cơm. Nhưng mới đến giữa buổi mà số người đến nhận cơm còn đông quá, vậy là các anh chị em vội trở về nấu thêm 150 suất nữa để kịp phát thêm cho mọi người. Rút kinh nghiệm, lần 2, chúng tôi nấu hơn 270 suất. Không làm ngơ trước nỗi đau chung, chúng tôi chỉ cố hết sức, mong sao ai khó khăn tìm đến cũng có phần” - Giáo hữu Ngọc Tri Thanh chia sẻ.
Theo Giáo hữu Ngọc Tri Thanh, công tác thiện nguyện không bắt buộc, thế nên, mỗi công mỗi việc đều xuất phát từ tấm lòng của mỗi tín đồ. Cùng với những suất cơm đầy ân tình, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các họ đạo, ban nghi lễ của Hội thánh Cao đài Tòa thánh Tây Ninh tỉnh cũng đã vận động gần 200 tấn nông sản và nhiều phần quà gồm nhu yếu phẩm cần thiết, gửi về TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Ngoài ra, các ban cai quản còn tặng quà hỗ trợ các địa phương phải thực hiện giãn cách, gom góp từng chút yêu thương mong sẻ chia với đồng bào vượt qua giai đoạn khó khăn.
Không ai bảo ai, mỗi tôn giáo trên mảnh đất Lâm Đồng với đặc thù, thế mạnh đều đã có những cách làm khác nhau, gửi tình cảm về với bà con vùng dịch. Các sư cô, cha xứ, nữ tu... không chỉ gặp nhau trên những cánh đồng rau, ở những điểm tập kết nông sản gửi về vùng dịch, mà họ còn gặp nhau ở tấm lòng đong đầy tình nghĩa, ở tình thương con người trước nỗi đau chung. Đảm bảo nguyên tắc phòng dịch và để những chuyến xe kịp gửi về phương Nam, họ chẳng nhớ nổi mặt nhau, nhưng họ đã cùng nhau lan tỏa những tấm lòng thơm thảo.
(CÒN NỮA)
VIỆT QUỲNH - HOÀNG MY