''Xanh'' - Nam Tây Nguyên (Bài cuối)

05:10, 15/10/2021

Trong những tháng ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, người Lâm Đồng không chỉ nỗ lực mở rộng và bảo vệ vững chắc "vùng xanh" trên địa bàn mà từ mảnh đất này...

[links()]
 
Bài cuối: Gìn giữ “vùng xanh”, hoàn thành “vùng đệm”
 
Trong những tháng ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, người Lâm Đồng không chỉ nỗ lực mở rộng và bảo vệ vững chắc “vùng xanh” trên địa bàn mà từ mảnh đất này, những chuyến xe nghĩa tình vẫn nối đuôi nhau lên đường chở nặng rau, củ, quả, những trái tim tình nguyện vào chia lửa trong vùng tâm dịch. 
 
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận và lãnh đạo tỉnh tiễn thanh niên tình nguyện lên đường hỗ trợ vùng dịch. Ảnh: V. Quỳnh
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận và lãnh đạo tỉnh tiễn thanh niên tình nguyện lên đường hỗ trợ vùng dịch. Ảnh: V. Quỳnh
 
•  GÌN GIỮ “VÙNG XANH”
 
Là địa bàn tiếp giáp với các vùng dịch nghiêm trọng như Đồng Nai, Khánh Hòa và có nhiều hoạt động giao thương với tâm dịch TP Hồ Chí Minh nên việc hình thành và giữ vững các “vùng xanh” ở Lâm Đồng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng điều đó không có nghĩa Lâm Đồng đóng cửa mọi hoạt động để giữ an toàn một cách cục bộ. Lâm Đồng không thể là một “đỉnh núi xanh” khi các địa phương xung quanh vẫn là “vùng đỏ”. Hay nói đúng hơn Lâm Đồng chỉ xanh bền vững khi “vùng xanh” được mở rộng ra cả các khu vực xung quanh. 
 
Bảo vệ vững chắc vùng xanh Lâm Đồng, đó là phương châm, là kim chỉ Nam mà địa phương đặt ra trong thời điểm hiện tại và giai đoạn tiếp theo. 
 
Theo đó, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp thực tế của địa phương, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công tư để hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động. Đồng thời, khẩn trương thực hiện tiêm vắc xin cho các đối tượng; phấn đấu đến cuối năm 2021 có trên 92% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19. 
 
Những vùng nguy cơ đang được các lực lượng và người dân nỗ lực chuyển thành “vùng xanh”. Nhưng với kẻ thù vô hình chưa có tiền lệ như COVID-19, những vùng đang xanh vẫn có thể chuyển màu với nhiều lý do khác nhau. Bởi vậy, nỗ lực mở rộng và giữ gìn “vùng xanh” đang là mục tiêu lớn nhất mà các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện.
 
Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn thực hiện các nhiệm vụ khác của một “vùng đệm” nhằm chia lửa, hỗ trợ, góp phần sớm hình thành “vùng xanh” ở các khu vực lân cận. 
 
Nông dân Lâm Đồng thu hoạch rau ủng hộ bà con vùng dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ảnh: C. Thành
Nông dân Lâm Đồng thu hoạch rau ủng hộ bà con vùng dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ảnh: C. Thành
 
  HOÀN THÀNH “VÙNG ĐỆM”
 
Theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên trong đó có Lâm Đồng được xác định là vùng đệm cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ áp dụng Chỉ thị 16. “Vùng đệm” hay cũng có thể hiểu là hậu phương vững chắc, trực tiếp hỗ trợ nhân lực, vật lực cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh tại các tâm dịch.
 
“Tạo điều kiện tối đa cho Nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống và còn lo hậu phương cho các tỉnh phía Nam, miền Trung”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện tốt nội dung này nhằm bảo vệ vững chắc “vùng xanh” của Lâm Đồng, đồng thời làm “vùng đệm” cho các vùng dịch khác. 
 
Bởi vậy, trong thời điểm sự di chuyển của phương tiện, các điểm giao nhận hàng hóa bị ảnh hưởng do dịch bệnh, dù chi phí đội lên, song để hàng hóa đến được tay người dân ở các vùng dịch, Lâm Đồng vẫn chấp nhận và có phương án để triển khai. 
 
Trong đợt dịch bệnh bùng phát nặng nề lần thứ 4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng ước tính hơn 20.000 tấn nông sản được các tổ chức, đơn vị, sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh gửi tặng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh áp dụng Chỉ thị 16. Ngoài 6.000 tấn thuộc gói hỗ trợ do UBND tỉnh giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, TP Đà Lạt triển khai thực hiện, số còn lại được các tổ chức, cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng quyên góp ủng hộ người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tỉnh Lâm Đồng đã chi 24,152 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch hỗ trợ của UBND tỉnh. Trong đó, chi phí mua nông sản gần 20 tỷ đồng, còn lại là chi phí vận chuyển, nhãn dán. Ngoài ra, nguồn nông sản được các tổ chức, cá nhân ủng hộ trị giá trên 1,66 tỷ đồng.
 
Đó là những tháng ngày mà nhiều tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mặt trên những cánh đồng rau để góp sức mình gửi rau về hỗ trợ bà con khó khăn trong vùng tâm dịch. Dưới sự vận động của mặt trận và đoàn thể các địa phương, bà con người góp của, người góp công gửi về vùng dịch. Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long, huyện Đam Rông, ông Lơ Mu Ha Poh không giấu nổi xúc động khi chia sẻ rằng “Đạ Long nghèo nên trước nay mảnh đất này chủ yếu nhận, nhưng nay người Đạ Long đã biết cho đi, biết cố gắng, biết san sẻ và đồng lòng cùng chính quyền địa phương chống dịch. Bà con hái lá bép, lấy măng rừng và còn gửi cả những quầy chuối nghĩa tình về cho bà con trong vùng tâm dịch”.
 
Chính trong thời điểm khó khăn nhất, khốn đốn nhất, những người dân ở nhiều vùng miền đã nhận được nông sản và tấm lòng của người Lâm Đồng. Có lẽ chưa bao giờ nông sản Lâm Đồng đến với nhiều vùng miền, nhiều người dân với đầy đủ nghĩa tình như thế.
 
Không chỉ có những chuyến xe yêu thương chở nặng rau, củ, quả, mà từ Lâm Đồng còn có những chuyến xe chở những trái tim tình nguyện vào tâm dịch. Lâm Đồng đã 3 lần cử lực lượng y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương với tổng số gần 500 tình nguyện viên. Họ đa phần là sinh viên ngành y, điều dưỡng của Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng và Đại học Yersin Đà Lạt. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng đã 3 lần tổ chức để các đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh tham gia hỗ trợ vùng dịch với tổng số hơn 300 người. Họ lên đường, mỗi người mang theo một tâm sự rằng: “Em muốn tham gia để một phần nào đó giúp đỡ mọi người”, “Còn là thanh niên, cống hiến được bao nhiêu thì cống hiến thôi chị nhỉ!”, “Chúng em sẽ tình nguyện và hoàn thành thật tốt nhiệm vụ”... Nhưng hơn hết đó là tinh thần của tuổi trẻ, là những trái tim đập thổn thức vì đồng bào.
 
Chưa bao giờ, thứ tưởng chừng miễn phí và vô tận trong không khí như Oxy lại trở nên hiếm hoi và đắt giá đến như vậy. Và người Lâm Đồng càng tự hào hơn với diện tích rừng, cây xanh rộng đang lặng lẽ góp sức bảo vệ cho vùng đất này từng ngày. Và những quyết sách như “phố trong rừng, rừng trong thành phố”, chương trình trồng 50 triệu cây xanh… chắc chắn sẽ góp phần gây dựng nền tảng, bảo đảm sự phát triển khỏe mạnh, bền vững cho mảnh đất này.
 
Nam Tây Nguyên bao đời nay vẫn xanh. Cây núi đại ngàn đã ôm ấp, chở che những người con nơi đó suốt bao đời qua. Và hôm nay, từ chính mảnh đất này, màu xanh còn được tô thêm bởi những “vùng xanh” an toàn đang được nỗ lực bảo vệ và mở rộng. Và trên mảnh đất này còn có cả những màu áo xanh, trái tim xanh tràn nhiệt huyết, đầy yêu thương đang góp sức mình vào nhiệm vụ chung của cả dân tộc: tìm lại màu xanh từ những hành động thiết thực, chân thành nhất.
 
NGỌC NGÀ