Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung...
Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa và cần thiết lúc này nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, góp phần “cởi trói” cho sự năng động, sáng tạo, bứt phá của cán bộ vì lợi ích chung.
Kết luận số 14-KL/TW được ban hành vào lúc này là rất cần thiết, có nhiều ý nghĩa to lớn, bởi đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới mục tiêu “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”. Có thể nói, đây là bước cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ phát triển mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, mà Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh. Tuy nhiên, để chủ trương sớm đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tốt, thực sự là luồng gió mới cho sự đổi mới, năng động, sáng tạo, thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm những nội dung sau đây:
Trước hết, phải nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này là bởi, năng động, sáng tạo là tìm ra những cách làm mới, hướng đi mới, chưa từng có tiền lệ và cần thời gian để thực tiễn chứng minh tính đúng đắn, tính hiệu quả; hơn nữa, bài học trước đây về những người năng động, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung đã bị kiểm điểm, kỷ luật vẫn còn ám ảnh. Do đó, nếu không có sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, người đứng đầu, của tập thể thì sự năng động, sáng tạo khó được thực hiện, thậm chí còn bị ngăn cản, trù dập,... và việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo sẽ không thể bung ra được.
Thứ hai, những cán bộ có phẩm chất dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chính về những hành động, việc làm của mình thường là những người đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nghĩ khác, làm khác, do đó rất dễ bị hiểu lầm, bị chống đối, bị quy chụp. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đòi hỏi lãnh đạo cấp trên của họ phải là những người năng động, sáng tạo trước; đồng thời phải biết khơi dậy, cổ vũ, động viên và sẵn sàng bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm,… có như thế hoạt động đổi mới sáng tạo mới được phát huy, nhân rộng. Do đó, khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu ngoài các tiêu chuẩn chung cần phải hết sức coi trọng các tố chất này.
Thứ ba, ranh giới giữa đúng - sai nhiều khi thường rất mong manh, vì vậy rất cần sự phân định rõ ràng, cụ thể các tiêu chí của người cán bộ dám nghĩ, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để bảo vệ, hỗ trợ, giảm bớt những vướng mắc, rủi ro về pháp lý. Đồng thời, cũng chỉ rõ thế nào là người lợi dụng danh nghĩa đổi mới, sáng tạo nhằm mưu đồ trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm để xử lý kịp thời, nghiêm minh. Điều này đòi hỏi cần sớm xây dựng các cơ chế, chính sách càng cụ thể càng tốt, tiến tới thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và khuyến khích phát triển, nhân rộng. Có thể nói, việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là giải pháp căn cơ đối với công tác cán bộ; trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của các ngành, địa phương, đơn vị.
Thứ tư, Kết luận số 14-KL/TW yêu cầu “Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác” là rất cần thiết để bảo vệ và tạo điều kiện cho người thực hiện đổi mới, sáng tạo. Điều này ngoài yêu cầu người có đổi mới, sáng tạo phải công khai, minh bạch trước tổ chức; thì các cấp ủy, tổ chức đảng, các đoàn thể cũng phải đề cao trách nhiệm trong việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo; đồng hành, chia sẻ với cán bộ khi gặp rủi ro, sai sót. Người lãnh đạo không chỉ thống nhất về ý tưởng, cách làm mà còn phải hỗ trợ vật chất, tinh thần, chung sức, đồng lòng với người năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, đối với những nơi mất đoàn kết nội bộ, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trì trệ, bảo thủ, có mưu đồ cá nhân, lợi ích nhóm,… thì những người năng động đổi mới, sáng tạo sẽ gặp khó khăn, thậm chí bị ngăn cản ngay khi mới đề xuất. Do đó, các tổ chức đảng cần có các quy định ràng buộc trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu khi để xẩy ra tình trạng kìm hãm, ngăn cản đổi mới, sáng tạo.
Thứ năm, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện nhằm kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh, uốn nắn những điều chưa phù hợp với tình hình thực tiễn...; đồng thời ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh những người có hành vi vi phạm vì động cơ cá nhân, lợi ích nhóm và những việc lợi dụng chủ trương, chính sách để bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng tiêu cực, cố tình vi phạm kỷ luật,...
Kết luận số 14-KL/TW là bước cụ thể hóa một nội dung được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng là khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu vì lợi ích chung. Từ đây, mỗi cán bộ càng tự tin làm việc, cống hiến, mạnh dạn đổi mới, yên tâm phát huy hết tài năng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân mà không còn bị áp lực, ngăn cản, không sợ thất bại và giảm bớt những vướng mắc, rủi ro về pháp lý. Đảng đã thực sự “cởi trói” cho đổi mới, năng động, sáng tạo; vấn đề còn lại là phải hiểu cho thật đúng và làm cho thật nghiêm.
VĂN NHÂN